Vụ chủ xe buýt khốn đốn vì bị ép mua xe mới: Hiểu sai văn bản?

28/03/2018 - 09:04

PNO - Đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới của UBND TP là tạo cơ chế khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư mua xe buýt mới, không ép buộc thay xe. Vậy, phải chăng HTX 15 hiểu sai văn bản của TTQL&ĐH VTHKCC và đề án của TP?

Ngày 22/3, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng đã có buổi làm việc với Hợp tác xã Vận tải số 15 (HTX 15, xe buýt chạy tuyến 141) và một số chủ xe buýt liên quan đến việc Chủ xe buýt khốn đốn vì bị “ép” mua xe mới mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đề cập trong số báo ngày 7/3.

Bị “ép” thay xe mới, thành viên bán đổ bán tháo xe cũ?

Vu chu xe buyt khon don vi bi ep mua xe moi: Hieu sai van ban?
Nhiều người phải bán đổ bán tháo xe buýt vì bị “ép” đổi xe mới?

Tại buổi họp, anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ tại Q.9) trình bày: “Khi có chủ trương đổi xe buýt mới, HTX 15 đã tổ chức họp với các thành viên ít nhất ba lần. Lần thứ nhất, khoảng 90% thành viên không đồng ý đổi xe do điều kiện kinh tế khó khăn. Buổi họp thứ hai, HTX đưa công văn nói là Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TT QL&ĐH VTHKCC) bắt phải đổi xe. Không còn cách nào khác, 12 người ký vào biên bản đồng ý.

Đến buổi họp thứ ba, HTX thông báo đến hết ngày 12/3, thành viên nào không đóng cọc xem như không đổi xe, HTX có quyền kêu gọi góp vốn đầu tư từ các nhà đầu tư khác. Không còn cách nào khác, nhiều người mới chấp nhận ký biên bản đổi xe”.

Anh Thanh còn thông tin với Ban giám đốc TT QL&ĐH VTHKCC: “Từ đó đến nay, có khoảng 10 trong số 29 chủ xe đã bán đổ bán tháo xe của mình (đồng nghĩa với bán suất kinh doanh) để thu lại chút vốn, vì sợ mất trắng. Ông Nguyễn Văn Thảo - Giám đốc HTX 15 - cho biết: “HTX đã triển khai qua nhiều buổi họp, anh em nói khó khăn, chúng tôi có báo cáo rồi. Anh Trị (ông Nguyễn Đức Trị - Phó giám đốc TT QL&ĐH VTHKCC) nói không bắt buộc. Nhưng, thực tế HTX 15 phải thay thế xe mới”.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Thảo cũng cho biết, chủ trương đầu tư mới tuyến xe buýt 141 là do cấp trên chỉ đạo, phía HTX chỉ làm phương án, lộ trình để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo. Trong văn bản số 05/TT-KHĐT, TT QL&ĐH VTHKCC yêu cầu HTX 15 phải lập phương án đầu tư phương tiện mới để đưa xe vào hoạt động trên tuyến số 141 chậm nhất trong tháng 6/2018. Ngay sau đó, HTX 15 mới ra văn bản yêu cầu thành viên phải đóng cọc trước ngày 12/3. 

Phản bác nhận định “ép” phải đổi xe mới, ông Nguyễn Đức Trị lý giải, văn bản số 05/TT-KHĐT về đầu tư phương tiện mới trên tuyến xe buýt số 141 của HTX 15 do ông ký có nhắc đến đề nghị HTX 15 phải lập phương án đầu tư phương tiện với thời gian đưa xe hoạt động trên tuyến xe buýt chậm nhất trong tháng 6/2018. Thời gian này là do HTX 15 báo cáo đề xuất phương án thay xe, có hỗ trợ lãi vay theo kiến nghị của TT QL&ĐH VTHKCC với UBND TP.HCM cho phép đầu tư xe dầu thay vì xe gas như ban đầu.

Bên cạnh đó, khi HTX 15 xin đảm nhận tuyến 141, trong phương án của HTX có cam kết với TT QL&ĐH VTHKCC là sau khi đảm nhận tuyến một thời gian, sẽ rà soát phương tiện. Để nâng cao sản lượng, chất lượng HTX 15 cam kết đổi xe. “Trung tâm nhắc HTX trình phương án để nhận hỗ trợ lãi vay kịp trong tháng 6 chứ không yêu cầu phải đầu tư. Đừng nhận thức một cách lệch lạc...” - ông Trị nói.

Được biết, đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới của UBND thành phố là tạo cơ chế khuyến khích hỗ trợ để nhà đầu tư mua xe buýt mới, không ép buộc nhà đầu tư thay xe. Vậy, trong trường hợp này, phải chăng HTX 15 hiểu sai văn bản của TT QL&ĐH VTHKCC và hiểu không đúng mục đích của đề án nên ra văn bản “ép” chủ xe buýt tuyến 141 phải đổi xe mới khiến họ khốn đốn? 

Chủ xe đồng thuận mới đổi xe

Trong buổi làm việc với TT QL&ĐH VTHKCC và tiếp xúc với Báo Phụ Nữ trước đó, HTX 15 cho biết, một trong những lý do để trung tâm “phát động” đổi xe mới là do xe buýt tuyến 141 đã xuống cấp. Theo HTX 15, năm 2017, tuyến 141 mất 271 chuyến. Trong đó, mất chuyến do xe hư là 226 chuyến. Có xe chạy tuyến này đã hoạt động từ 10-13 năm.

Về việc này, một số thành viên tuyến xe buýt 141 cho biết, họ đã nghe chủ trương đổi xe từ cả năm trước. Cứ nghĩ sẽ phải đổi xe mới nên không ai mang xe đi sửa. Nếu cho phép gia hạn thời gian đổi xe mới, chủ xe sẵn sàng sửa chữa xe. Nếu sau thời gian cho phép, xe nào không sửa chữa để đạt yêu cầu, HTX có quyền đình chỉ hoạt động. Còn như lâu nay, hễ báo sửa xe, chủ xe liền bị phạt 1 triệu đồng/ngày, 200.000 đồng/chuyến.

Kết luận tại buổi họp, đại diện TT QL&ĐH VTHKCC cho biết, phương án đầu tư xe mới phải được 100% thành viên đồng ý. Thực tế, vẫn còn một số người chưa đồng thuận với phương án này. HTX 15 phải tổ chức họp lại để bàn bạc trên tinh thần nếu thành viên muốn gia hạn thời gian đầu tư, HTX sẽ xem xét trình phương án đầu tư kéo dài hơn.

Đối với các phương tiện hoạt động trên tuyến xuống cấp, TT QL&ĐH VTHKCC đề nghị, HTX 15 có văn bản cho thời gian để thành viên trong tuyến khắc phục, sửa chữa. Sau thời gian trên, TT QL&ĐH VTHKCC sẽ kiểm tra từng xe để quyết định xe nào chạy được, xe nào phải đi khắc phục tiếp. Chấp nhận xe cũ hoạt động nhưng với điều kiện phương tiện phải đảm bảo. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI