Vợ leo lên… đến cổ

19/12/2022 - 07:35

PNO - Buồn, anh tìm đến bia, rượu. Đi làm đã mệt, còn gặp vợ không biết điều, anh sợ về nhà.

Vợ anh hơn anh 5 tuổi, chị đã có cậu con riêng 10 tuổi. Anh chị quen nhau tại xưởng mộc nơi 2 người cùng làm việc.

Ngày anh đưa chị về ra mắt gia đình, mẹ anh cật lực phản đối. Vì quyết tâm lấy chị, anh rủ chị “gạo nấu thành cơm” và nhờ mầm sống bé nhỏ trong bụng chị, 2 người đã được thỏa ước nguyện về chung một nhà. 

Anh đón con trai riêng của chị về nhà sống cùng và chưa bao giờ nặng nhẹ. Suốt 9 tháng thai kỳ, chị chẳng phải mó tay vào việc gì nhiều, chỉ mỗi quét nhà, nấu những bữa cơm đơn giản. Mọi chi tiêu trong gia đình anh lo hết. Ai cũng bảo chị số sướng, may mắn lấy được người chồng vừa chiều vợ vừa chịu khó.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sinh con xong, chị càng được cưng nhiều hơn. Mấy tháng đầu chị chỉ việc ngồi ôm con, cơm nước, giặt giũ đã có mẹ chồng. Nhưng hình như được chồng chiều quá nên chị sinh ra tính ỷ lại. Nhà anh làm nông, vào ngày mùa lại càng bận rộn, ai cũng đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tận chiều tối.

Mẹ anh lao động vất vả cả buổi, đói mềm ruột, về đến nhà thấy căn bếp lạnh tanh, chậu quần áo đầy ự của mẹ con chị vẫn nằm nguyên ở góc nhà tắm, còn chị nằm ôm con ngủ. Mẹ anh đành nén cơn mệt, dằn cục tức, lao vào bếp để con trai về có cơm canh mà ăn. 

Anh nhẹ nhàng bảo vợ: “Con rất ngoan, em để con tự chơi ở giường rồi tranh thủ giặt giũ, cơm nước nhé. Thức ăn thì mẹ đã để sẵn trong tủ lạnh rồi”. Trước “lời thỉnh cầu” của anh, chị tỉnh bơ. 

Chị thấy xe đẩy của nhà hàng xóm đẹp hơn xe nhà mình, liền đòi chồng mua một cái y như thế. Chị đòi lắp điều hòa, đòi chồng đưa đi xăm môi, xăm mắt… Mẹ anh hay đau yếu, 1 năm vào viện đôi ba lần. Anh phải gánh gồng mấy miệng ăn, nên không thể đáp ứng hết những đòi hỏi của chị. Bị chồng từ chối, chị vùng vằng giận dỗi. 

Thu nhập của anh không tăng, trong khi vật giá leo thang. Bé con được 1 tuổi, mẹ anh nói sẽ trông bé cho chị đi làm, tiền chị kiếm được để dành nuôi con, lo cho con riêng học hành... 

Chị tỏ vẻ khó chịu: “Chồng con sẽ không để cho mẹ con con chết đói. Con trai con, nếu không được đi học thì người đời sẽ cười vào mặt chồng con. Nếu mẹ ép con quá, con sẽ đưa các con về nhà mẹ đẻ”. 

Nghe chị nói vậy mẹ anh sững sờ. Bà thấy mình có lỗi vì sự “nín nhịn cho êm cửa êm nhà” của bà bấy lâu đã vô tình dung túng cho sự ỷ lại và ngang ngược của con dâu. 

Buồn, anh tìm đến bia, rượu. Đi làm đã mệt, còn gặp vợ không biết điều, anh sợ về nhà.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mẹ anh khuyên: “Hãy tâm sự với vợ, phân tích cặn kẽ tình thế hiện tại của gia đình, giả định những tình huống xấu nhất có thể xảy ra; nói với vợ những khó khăn con đang gặp phải và những mong muốn của con đối với vợ. Nếu vợ con vẫn không hiểu ra, mẹ sẽ áp dụng những biện pháp mạnh hơn để chấn chỉnh, chứ không thể để như vậy được”. 

Anh vâng dạ, nhìn bé con đang lẫm chẫm tập đi, anh quyết định ngày mai sẽ nói chuyện với vợ và lên dây cót tinh thần, sẵn sàng cho cuộc “cách mạng gia đình”. 

Hồ Điệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI