Viết tiếp vụ “Bó tay” với kẻ ăn vạ chiếm đất: Phường thu kinh phí cưỡng chế... 100 triệu đồng!

15/05/2017 - 19:40

PNO - Vấn đề thu phí cưỡng chế 100 triệu đồng, Chủ tịch P.Bình An chỉ yêu cầu CT “tạm ứng kinh phí để hỗ trợ trà nước cho các lực lượng, thuê phương tiện cưỡng chế, sau này nếu cần phường sẽ trả lại".

Như thông tin báo Phụ Nữ ngày 8/5 đã đưa trong bài “Bó tay” với kẻ ăn vạ chiếm đất, liên quan đến kiến nghị khẩn cấp của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Trường Thịnh (CT Trường Thịnh, Q.5, TP.HCM) về dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên chức thuộc Q.2 (TP.HCM) mà CT này làm chủ đầu tư, mãi đến cuối tháng 2/2017, UBND P.Bình An chỉ mới có kế hoạch thi hành cưỡng chế việc ngang nhiên chiếm đất, xây dựng trái phép của đối tượng Ngô Hữu Vinh.

Viet tiep vu “Bo tay” voi ke an va chiem dat: Phuong thu kinh phi cuong che... 100 trieu dong!
“Công trình” xây dựng trái phép tại dự án đang thách thức các cơ quan chức năng.

Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế sáng 21/3 nhưng cuối cùng, việc cưỡng chế đã không diễn ra. Công trình trái phép vẫn tồn tại, thách thức dư luận và luật pháp.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Hồ Hải Phong - Chủ tịch UBND P.Bình An, cho biết với việc tranh chấp, bồi thường, CT Trường Thịnh phải liên hệ thực hiện theo trách nhiệm (?); vấn đề xây dựng trái phép, UBND phường sẽ xử lý. Về việc không thi hành cưỡng chế đối với công trình của ông Vinh, ông Phong cho rằng do các đối tượng này đã “tự nguyện tháo dỡ”, chỉ còn lại “cái container” trên đất dự án mà thôi (!?).

Thực chất, theo phía chủ đầu tư, nhóm của ông Vinh chỉ tháo dỡ vài tấm tôn, còn công trình chiếm đất dự án bằng cách đưa container, khung thép vào xây dựng trái phép vẫn còn nguyên. Ngoài ra, trước khi thi hành cưỡng chế, UBND phường đã thu 100 triệu đồng của doanh nghiệp để làm kinh phí cưỡng chế (?).

Nghe chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Phong giải thích, UBND P.Bình An chỉ yêu cầu CT “tạm ứng kinh phí để hỗ trợ trà nước cho các lực lượng, thuê phương tiện cưỡng chế”. Vậy việc thu tiền này có đúng quy định không? - ông Phong nói, sau này nếu cần phường sẽ trả lại (?).

Bức xúc với cách làm việc của địa phương, đại diện CT Trường Thịnh đã tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cưỡng chế, bàn giao phần diện tích đất của hộ bà Tỉnh, bà Huệ và ông Nhiệp đã nhận tiền bồi thường và nền tái định cư nhưng không chịu giao đất; đồng thời xử lý cưỡng chế “băng nhóm phá hàng rào dự án” do ông Vinh cầm đầu, giao lại cho nhà đầu tư nhằm triển khai thực hiện dự án theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với chúng tôi chiều 14/5, liên quan đến “trách nhiệm” mà ông Phong đề cập, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Quyết định 275 của UBND Q.2 về thành lập hội đồng đền bù dự án đã nêu rõ trách nhiệm của hội đồng này như sau: “...Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo vẽ nhà đất, lập các hồ sơ ban đầu của từng đơn vị, hộ gia đình liên quan nằm trong khu vực dự án... Kịp thời báo cáo và tham mưu cho UBND quận giải quyết khiếu nại liên quan đến thực hiện công tác đền bù, giải tỏa di dời và tái định cư trong dự án theo quy định hiện hành”. 

Như vậy, nếu con cháu bà Tỉnh, bà Huệ và ông Nhiệp có thắc mắc về danh sách đền bù thì phải khiếu nại với hội đồng này để báo cáo, tham mưu cho UBND quận giải quyết.

Trong thời gian chờ xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì vẫn phải giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại khoản 6, điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: “Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật khiếu nại. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất”.

Mặt khác, căn cứ khoản 3, điều 71, Luật Đất đai năm 2013 thì: “Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế”. Do đó, việc giải quyết bồi thường, cưỡng chế giải tỏa đất hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND Q.2, việc tòa án đình chỉ vụ án, giao về cho UBND quận giải quyết là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. 

Dù vậy, đến nay chuyện “kèn cựa” chiếm đất vẫn tiếp diễn, nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ đầu tư. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI