Việt Nam sáng cửa thu hút đầu tư nước ngoài

15/08/2022 - 06:28

PNO - Dù vốn đầu tư được đăng ký mới chưa như kỳ vọng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Đã có sự sàng lọc dự án đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết quý II/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vốn FDI đang thực hiện tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIFM) - đánh giá, tổng vốn FDI đang thực hiện ước tính 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt. Trong bối cảnh Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID”, một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển một phần đầu tư của họ sang Việt Nam do Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, có nhãn hiệu Việt Nam được hưởng thuế suất 0% khi xuất sang một số nước. Đặc biệt, sự chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam có tính chất lâu dài bởi họ đầu tư nhà máy và tính đến quá trình thu hồi vốn, kiếm lợi nhuận. 

Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM (công ty Nhật Bản) tại tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM (công ty Nhật Bản) tại tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong nửa đầu năm 2022, có 927 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 7,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2021). Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, điều này là bình thường trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát, việc kinh doanh khó khăn. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - thông tin, trong vài năm trở lại đây, vốn FDI đăng ký mới có dấu hiệu chững lại. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cộng thêm việc Mỹ và ngân hàng trung ương các nước dồn dập tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển. Tuy nhiên, so với các nước khác thì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng ít nhất nên vốn giải ngân trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng. 

Vốn đăng ký mới chững lại còn do Việt Nam đã có chọn lọc trong việc thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước. Bằng chứng là xuất khẩu hàng điện tử đạt mức 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong khi 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ 5%. Ông Trần Hoàng Ngân đánh giá, hiện nhiều nước đang mời chào thu hút đầu tư với các ưu đãi lớn hơn cả Việt Nam, nhất là về thuế, nhưng các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam là do chúng ta đã cải thiện nhiều mặt về môi trường kinh doanh. 

Sản xuất tại Công ty Terumo (thiết bị y tế), Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội - Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất tại Công ty Terumo (thiết bị y tế), Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội - Ảnh: Phạm Hùng

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh tại TPHCM - đánh giá, giữa vốn đăng ký và vốn thật sự sẽ có sự chênh lệch nhau không nhỏ nên điều quan trọng là vốn thực hiện, nếu vẫn tăng đều đều thì đó là tín hiệu đáng mừng. Do có môi trường ổn định hơn, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines. 

Nhiều doanh nghiệp ngoại muốn tăng vốn

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát mới đây, 45% số người rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam, 76% kỳ vọng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III/2022. 

Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu và Phân tích dữ liệu quốc tế YouGov Việt Nam - cho rằng, việc kiểm soát lạm phát ở mức gần mục tiêu đề ra và sự cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng tín dụng quốc gia đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Đây là tiền đề để nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. 

Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM  (công ty Nhật Bản) - ảnh Ngọc Thắng
Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM (công ty Nhật Bản) - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 78 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký gần 80 tỷ USD. 

Theo ông Roh Tae Moon - Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) - tập đoàn này đang chuẩn bị sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên.

Theo một khảo sát của Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM về việc đầu tư ra nước ngoài trong năm 2021 của các doanh nghiệp Nhật Bản, có 55,3% doanh nghiệp trả lời “sẽ mở rộng phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới”, đạt tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á; chỉ có 2,2% trả lời là sẽ thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam, là tỷ lệ nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á và nhỏ thứ hai khu vực châu Á, chỉ sau Pakistan.

Tháo rào cản về hạ tầng, thủ tục, thông tin... 

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện nay, Việt Nam thu hút vốn FDI chủ yếu nhờ lợi thế lao động giá rẻ và các hiệp định thương mại tự do, nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại Việt Nam rất thuận lợi. Việt Nam nên tiếp tục phát huy ưu thế này, đồng thời chọn những dự án đầu tư có công nghệ tốt, tránh những dự án quá nhỏ hoặc có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Việt Nam nên cố gắng hợp tác với các doanh nghiệp FDI để chế biến sâu hơn nông sản, thủy sản thay vì chủ yếu xuất thô.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng xanh, đồng thời cải thiện các thủ tục hành chính, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng. Các nước Malaysia, Campuchia hiện cũng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh và họ có cơ sở hạ tầng tốt hơn Việt Nam, hệ thống đường cao tốc, dịch vụ hậu cần (logistics) rất khá. Việt Nam cần cải tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở những vùng trọng điểm, phát triển kinh tế số để kết nối vào chuỗi giá trị với các nước. “Địa phương nào có hạ tầng tốt thì thu hút được FDI, ngược lại thì có mời gọi, nhà đầu tư cũng không vào” - tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định. 

Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM (công ty Nhật Bản) tại tỉnh Hòa Bình - ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhà máy sản xuất thấu kính RTECHNICAL VIỆT NAM (công ty Nhật Bản) tại tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Trần Hoàng Ngân, hạ tầng về logistics là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Trong hai năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều đề án như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung xây dựng các sân bay, cảng biển để giảm chi phí logistics, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Do đó, trong tương lai gần, những điểm nghẽn này sẽ dần được khắc phục. 

Ông Nguyễn Hữu Nam cho hay, một số doanh nghiệp FDI đã đến VCCI bày tỏ lo lắng khi chính quyền địa phương bắt di chuyển nhà máy dù chưa hết thời hạn hợp đồng. Hiện vẫn chưa rõ đơn vị nào ở địa phương chịu trách nhiệm đền bù cho doanh nghiệp. Sau khi hết thời hạn đầu tư như đã đăng ký, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục đầu tư thì phải làm sao. Hiện các doanh nghiệp cũng không biết tương lai vùng đất nơi mình đang đầu tư được quy hoạch ra sao trong 10 - 20 năm nữa, nếu không có mối quan hệ với quan chức địa phương. Do đó, các chính sách cần phải minh bạch, cụ thể để doanh nghiệp an tâm đầu tư lâu dài. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI