Viên uống chống nắng có phải "tiên dược"?

20/03/2021 - 07:45

PNO - Được quảng cáo có khả năng bảo vệ làn da một cách tiện lợi, khắc phục hàng loạt nhược điểm của kem chống nắng (bết dính, nhiều vùng khó thoa...), viên uống chống nắng có thực sự là “tiên dược” cho làn da trong những ngày hè nắng nóng?

Chỉ một viên, chống nắng suốt ngày dài?

Thị trường viên uống chống nắng bắt đầu “tăng nhiệt” khi liên tục được bày bán cùng những lời “có cánh” trên các shop “online” và mạng xã hội. Theo khảo sát, trên thị trường, sản phẩm viên uống chống nắng hầu hết là “hàng xách tay” với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, từ Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản…

Các nơi bán mặt hàng này khẳng định: áo chống nắng, kem chống nắng là các phương pháp chống nắng truyền thống nhưng chưa làm giảm triệt để tác hại từ ánh nắng. Trong khi đó, viên uống chống nắng có tác dụng từ bên trong giúp cơ thể có thể tự phản kháng với nắng, chống lại tia UV. Sản phẩm này được quảng cáo có nguồn gốc, chiết xuất từ thiên nhiên với tác dụng kháng viêm, làm dịu làn da, giảm thiểu các tổn thương do tác động của tia UV lên làn da.

Khi chúng tôi hỏi mua sản phẩm chống nắng trong ngày hè, chủ một cửa hàng online tư vấn: kem chống nắng phải bôi lặp lại sau mỗi 2 - 3 giờ, dễ bị trôi do mồ hôi nếu vận động ngoài trời nhiều. Chưa kể, kem chống nắng có những vùng khó bảo vệ như khóe miệng, mắt, lưng… còn viên uống chống nắng có thể khắc phục các nhược điểm trên, chỉ cần một viên nhưng bảo vệ làn da suốt cả ngày dài.

Cũng theo người bán, gần đây, viên uống chống nắng được các chị em rất quan tâm nên “hàng nhập bao nhiêu cũng không đủ”. “viên uống chống nắng có khả năng chống nắng toàn thân nên được xem là giải pháp chống nắng tiết kiệm. Viên uống cũng cực kỳ an toàn với những làn da nhạy cảm nhất. Người dùng không phải lo lắng về việc kích ứng, nổi mụn hay cảm gác khó chịu vì bết dính… như khi bôi kem chống nắng thông thường”, người bán nói. 

Một điểm chung dễ nhận thấy là mức giá của sản phẩm này khá đắt đỏ. Mỗi hộp viên uống chống nắng thường có giá từ vài trăm ngàn đồng tới hơn 1 triệu đồng. Chúng còn được giới thiệu như một liệu pháp chăm sóc da bền vững bởi chứa các chất chống ô-xy hóa, giúp nuôi dưỡng làn da từ bên trong, chống lại các hắc tố melamin, mang lại làn da trắng mịn, mượt mà đầy sức sống. 

Không có tác dụng trực tiếp với nắng mặt trời

Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), hiện chưa có thuốc uống chống nắng. Do đó, trên thị trường chỉ có các chế phẩm chống nắng, có tác dụng hạn chế một số phản ứng viêm và tổn thương tế bào da khi tiếp xúc với ánh nắng. Ví dụ, một số chế phẩm viên chống nắng có chứa dịch chiết dương xỉ Polypodium leucotomos, theo nghiên cứu trên The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, khi uống thường xuyên kéo dài có thể giảm các tác dụng gây hại của tia cực tím, tốt cho người da quá sáng hoặc quá nhạy cảm với ánh sáng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phương pháp hỗ trợ chống nắng, chứ không thể có tác dụng chặn ánh nắng và tia cực tím như các biện pháp che chắn hoặc dùng kem chống nắng.

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết viên uống chống nắng thực tế là thực phẩm chức năng, chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể thay thế hoàn toàn kem chống nắng và các biện pháp chống nắng vật lý truyền thống như: khẩu trang, áo chống nắng, nón...

Theo tiến sĩ - bác sĩ Vũ Thái Hà, thành phần chủ yếu của viên chống nắng gồm các vitamin E, A, C, D cùng các dẫn xuất vitamin và một số gốc tự do chống viêm, chống ung thư, chống tổn hại từ tia UV...  Thế nhưng thực tế, các thành phần này chỉ có thể tăng cường, làm làn da khỏe mạnh hơn từ bên trong chứ không bảo vệ da trực tiếp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần sử dụng viên uống chống nắng mà không kết hợp với kem chống nắng hay áo khoác, khẩu trang... thì làn da sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sức tàn phá của tia UV. 

“Tia UV từ mặt trời có thể gây ra tình trạng bỏng da, tăng hắc tố khiến da sạm màu, lão hóa... Đặc biệt, đây cũng là tác nhân gây ung thư da”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Chị Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) cho biết vì tin vào tác dụng được quảng cáo, chị đã sử dụng viên chống nắng thay thế kem chống nắng. Tuy nhiên, sau gần hai tháng sử dụng, làn da của chị trở nên tối màu hơn, đặc biệt, khu vực gò má xuất hiện những chấm tàn nhang. Lo lắng về tình trạng này, chị tìm đến chuyên gia của Bệnh viện Da liễu Trung ương và “ngã ngửa” khi biết được sự thực về sản phẩm mình đang sử dụng.

Theo bác sĩ da liễu, thực tế, viên chống nắng có thể tăng nhẹ ngưỡng chịu bỏng nắng và ngưỡng nhạy cảm với tia cực tím nhưng không thể thay thế kem chống nắng. 

Chưa kể, viên uống chống nắng cũng giống như nhiều loại “thuốc bổ”, cần sử dụng trong một thời gian dài mới có thể phát huy hiệu quả. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng thời gian này ít nhất cũng từ 10-12 tuần. Do đó, bác sĩ Vũ Thái Hà khuyến cáo người dân không nên quá tin vào những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng mà cần tìm hiểu thông tin, nghe tư vấn từ chuyên gia da liễu để có phương pháp bảo vệ làn da hiệu quả nhất.

Viên uống chống nắng cũng có khả năng làm trẻ hóa làn da nhờ các gốc tự do và vitamin. Tuy nhiên, không nhất thiết phải sử dụng thực phẩm chức năng khá tốn kém này, ta có thể tăng cường bổ sung dưỡng chất từ các loại rau, hoa quả, sữa chua... để làn da khỏe mạnh khi mùa hè đến. 

Viên chống nắng có thể tăng nhẹ ngưỡng chịu bỏng nắng và ngưỡng nhạy cảm với tia cực tím nhưng không thể thay thế kem chống nắng - Ảnh: internet
Viên chống nắng có thể tăng nhẹ ngưỡng chịu bỏng nắng và ngưỡng nhạy cảm với tia cực tím nhưng không thể thay thế kem chống nắng - Ảnh: internet

Bí kíp “bỏ túi” bảo vệ da trong mùa hè

Từ sau tết nguyên đán đến nay, TP.HCM liên tục đón các đợt nắng nóng kéo dài từ 3-5 ngày với mức nhiệt lên tới trên 370C. Đặc biệt, trong liên tiếp bốn ngày đầu tuần này, chỉ số tia cực tím cực đại của TP.HCM đều rơi vào mức 10, mức 11. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, nguy hiểm và có nguy cơ làm tổn thương da, mắt nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong vòng 15 phút mà không được bảo vệ.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, người dân phải có biện pháp bảo vệ da để tránh tác động tiêu cực tới sức khỏe. Bác sĩ Đặng Bích Diệp - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Da liễu Trung ương - chia sẻ dù nhiều người có ý thức sử dụng kem chống nắng để chống lại tia UV nhưng lại sử dụng sai cách: bôi kem quá ít về lượng cũng như số lần trong ngày. Thậm chí, có người chỉ bôi một lần/ngày nhưng vẫn nghĩ rằng có thể chống được ánh nắng mặt trời suốt ngày dài mà không biết rằng phải bôi kem chống nắng trung bình 3 lần/ngày, 2-3 giờ/lần, trước khi ra nắng 20 phút, ở vùng da cần được bảo vệ.

Bên cạnh đó, nhiều người chỉ quan tâm lựa chọn các thương hiệu uy tín, vô tình bỏ qua việc tìm hiểu chỉ số chống nắng phù hợp với làn da và hoàn cảnh sử dụng. Ví như, khi đi biển vào những ngày nắng nóng gay gắt, nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 50+. Chỉ số chống nắng càng cao, thời gian da được bảo vệ càng lâu. Nếu làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp, chỉ cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp.

“Tuy nhiên, chỉ số chống nắng nào cũng không thể bảo vệ da 100%. Do đó, ngoài việc bôi kem, cần che chắn vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng các trang bị bảo hộ, như: nón, kính râm, khẩu trang, găng tay, áo chống nắng...”, bác sĩ Diệp nói và khuyến cáo người dân lựa chọn các loại áo chống nắng có màu tối để hấp thụ và biến đổi nhiệt lượng, chống tia cực tím tốt hơn. 

Thời điểm tia UV đạt đỉnh trong ngày là 10-14 giờ, gây hại lớn nhất cho da. Do đó, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này để tránh tình trạng bị bỏng da, cháy nắng hay hậu họa lâu dài mà tia UV để lại. 

Huyền Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI