Viêm tai giữa uống kháng sinh năm ngày sao bé vẫn kêu đau?

23/03/2022 - 09:01

PNO - Thông thường, với các trường hợp viêm tai giữa, các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh từ 7 - 14 ngày, tùy từng mức độ của bệnh.

Hỏi: Con gái tôi năm tuổi, sau khi sốt và viêm mũi, họng do mắc COVID-19 thì cháu kêu ù tai, đau tai. Trước đó, cháu đã từng bị viêm tai giữa nên tôi tự mua thuốc kháng sinh về cho con uống. Tới nay, cháu đã uống kháng sinh năm ngày nhưng bệnh thuyên giảm chậm. Khi được hỏi, con nói tai bên trái đã đỡ, còn tai phải vẫn đau nhiều. Sáng nay, cháu còn bị sốt, nôn ói. Tôi lo lắng không biết đó là phản ứng sau khi uống kháng sinh nhiều ngày hay là tại bệnh viêm tai của con có biến chứng. Trường hợp của con tôi có thể tiếp tục tự điều trị ở nhà hay không?

Nguyễn Thị Thu Thảo (Q.Bình Thạnh,TPHCM)


Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Mỹ Hiền, Phòng khám Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Nhi Đồng 2, trả lời: Viêm tai giữa được chia làm ba giai đoạn. Trước tiên là xung huyết (lúc này cảm giác đau nhức tai), tiếp đến là ứ dịch (ù tai), cuối cùng là chảy mủ (ở giai đoạn này không điều trị ngay có thể dẫn tới thủng màng nhĩ). Thông thường, với các trường hợp viêm tai giữa, các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh từ 7 - 14 ngày, tùy từng mức độ của bệnh. 

Nếu trẻ bị phù nề tai do xung huyết sẽ gây bít tắc khiến dịch, mủ chảy ngược vào trong tai. Lúc này, bé sẽ cần thêm thuốc kháng viêm và được nhân viên y tế chích dịch tai để giảm áp lực trong tai. Khi ứ dịch trong tai trẻ sẽ rất khó chịu, đau nhức, thậm chí kích thích gây sốt, ói. Tốt nhất phụ huynh nên đưa bé đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để bác sĩ kiểm tra, thậm chí cần thiết sẽ chụp X-quang để đánh giá xem xương chũm có bị tổn thương hay không.

Trong trường hợp màng nhĩ chưa bị thủng, xét thấy mủ nhiều cần vệ sinh tai thì bác sĩ sẽ chỉ định để các điều dưỡng rửa trên bề mặt rồi dùng dụng cụ hút liên tục. Ở nhà không có dụng cụ hút và phụ huynh cũng không biết cách làm, vì thế đừng nên chọc ngoáy, nhỏ những dung dịch chưa được bác sĩ chỉ định như cồn sát khuẩn. 

Việc uống kháng sinh cũng phải do bác sĩ kê toa sau khi thăm khám, phụ huynh đừng tự mua thuốc cho con uống để tránh liều lượng không chính xác gây lờn thuốc, đề kháng kháng sinh. Thông thường, bác sĩ hiếm khi kê toa liều đơn mà thường là các loại có sự phối hợp, bổ trợ cho nhau thì mới đem lại hiệu quả điều trị cao được.

 Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI