Vì sao tuổi thọ con người không tăng đáng kể dù y học tiến bộ vượt bậc?

28/02/2025 - 17:20

PNO - Những đột phá y học kéo dài tuổi thọ của con người trong hơn 2 thập kỷ trước đã bị cản trở bởi tình trạng ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Từ năm 2011, các nguy cơ lớn như béo phì, huyết áp cao và cholesterol cao đã gia tăng. Ảnh: Shutterstock
Từ năm 2011, các nguy cơ lớn như béo phì, huyết áp cao và cholesterol cao đã gia tăng. Ảnh: Shutterstock

Những khái niệm hấp dẫn về tuổi thọ dài lâu, thậm chí là sự bất tử, luôn là một phần trong ý thức của con người. Tuổi thọ trung bình ngày nay cao hơn so với các thời đại trước. Tuy nhiên, có vẻ như nó đã chạm đến giới hạn kể từ năm 2011, ít nhất là ở châu Âu.

Theo hàng chục nhà nghiên cứu từ Đại học East Anglia, Đại học Exeter và Khoa Y tế và chăm sóc xã hội tại Vương quốc Anh, Đại học Washington cùng Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME) tại Hoa Kỳ, chúng ta không còn sống lâu hơn nữa.

Nhóm nghiên cứu cho biết sau khi nghiên cứu dữ liệu sức khỏe của các quốc gia châu Âu lấy từ báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu của IHME cho thấy: "Thực phẩm chúng ta ăn, tình trạng ít vận động và béo phì là những nguyên nhân chính khiến tuổi thọ trung bình trên thế giới chững lại".

Những đột phá y học kéo dài tuổi thọ của con người trong hơn hai thập kỷ đã bị cản trở bởi tình trạng ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnhẢnh: Shutterstock
Những đột phá y học kéo dài tuổi thọ của con người trong hơn hai thập kỷ đã bị cản trở bởi tình trạng ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. Ảnh: Shutterstock

Nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí The Lancet Public Health: "Tỷ lệ cải thiện thấp hơn từ năm 2011 đến năm 2019 so với từ năm 1990 đến năm 2011 ở hầu như tất cả các quốc gia".

"Những tiến bộ trong y tế công cộng và y học trong thế kỷ XX có nghĩa là tuổi thọ ở châu Âu được cải thiện qua từng năm. Nhưng giờ đây không còn như vậy nữa" - giáo sư Nick Steel từ Đại học East Anglia cho biết.

Theo giáo sư Nick Steel, những thập kỷ từ 1990 đến 2011 đã chứng kiến ​​"những cải thiện đáng kể về tuổi thọ" nhờ những cải thiện trong cách điều trị bệnh tim mạch và ung thư. "Nhưng từ năm 2011, đã có sự gia tăng các “rủi ro lớn” như béo phì, huyết áp cao và cholesterol cao, phần lớn là do chế độ ăn uống kém" - ông nói thêm.

Cuối năm 2024, một nghiên cứu của Viện Max Planck và Đại học Edinburgh cho rằng lối sống tương đối thoải mái của chúng ta cùng những tiến bộ trong chăm sóc y tế dường như đang có tác dụng ngược lại là khiến chúng ta dễ bị đột biến gen hơn so với trước đây. Điều này khiến con người ngày càng kém khỏe mạnh hơn so với tổ tiên của chúng ta.

Trọng Trí (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI