Vì sao nên sinh con trước 30 tuổi, bé thứ hai trước 35 tuổi?

08/05/2020 - 06:10

PNO - Bạn có biết lợi ích và nguy cơ của việc sinh con sớm trước 30 tuổi, nhất là con so trước 30 tuổi, bé thứ hai trước 35 tuổi?

Sinh con trước 30 tuổi, cả mẹ và con đều an toàn

Khi mang thai ở độ tuổi trên 35, cả mẹ và con đều phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật
Khi mang thai ở độ tuổi trên 35, cả mẹ và con đều phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM chia sẻ, các viện nghiên cứu y khoa trên thế giới đã cho biết, các bộ phận trong cơ thể của con người như cơ bắp, vú, xương… và cơ quan sinh sản bắt đầu lão hóa từ độ tuổi 30. Càng lớn tuổi, các cơ quan trong cơ thể càng bị lão hóa nặng nề hơn.

Thông thường, khi tuổi còn trẻ, cơ bắp bị mệt mỏi thì nhanh chóng được tái tạo. Nhưng đến tuổi 30, cơ thể có xu hướng tích lũy mỡ nhiều hơn, cơ bắp bắt đầu giảm nếu chúng ta không luyện tập thường xuyên. Ðến tuổi 40, mỗi năm cơ bắp bị sút giảm từ 0,5 - 2%. Vì thế, càng cao tuổi thì khả năng giữ thăng bằng càng giảm khiến ta trở nên chậm chạp, dễ bị ngã. Bà mẹ trẻ cơ bắp chắc, hoạt động nhanh nhẹn và khỏe, khi ấy việc chăm sóc bé cũng dễ dàng hơn.

Khi đến 30 tuổi, vú của phụ nữ mất dần các mô và mỡ. Sự đầy đặn và kích cỡ của vú bắt đầu bị suy giảm. Khi tuổi càng lớn, vú càng nhỏ lại, việc tạo sữa cũng bị ảnh hưởng và bà mẹ sẽ gặp khó khăn khi nuôi con bằng chính nguồn sữa của mình.  

Từ lúc chào đời, bộ xương tăng trưởng rất nhanh. Cho đến độ tuổi 20, mật độ xương vẫn còn tăng nhưng đến tuổi 35 thì xương bắt đầu lão hóa, hiện tượng mất xương bắt đầu như một quá trình già tự nhiên. Các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ nên bổ sung canxi và vitamin D bắt đầu từ lúc 25 tuổi để tích lũy và bù xương khi đến tuổi xương bị lão hóa. Việc bổ sung các vi chất này khi lớn tuổi và quá trình hủy xương đã bắt đầu thì ít mang lại hiệu quả. Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai thì nguy cơ loãng xương càng cao vì thai nhi sẽ lấy một lượng lớn canxi từ mẹ trong khi mẹ đang có nguy cơ loãng xương rất cao.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, sau tuổi 35, số lượng và chất lượng trứng bắt đầu suy giảm. Do vậy, khả năng mang thai sẽ giảm rõ rệt sau tuổi này và càng lớn tuổi càng khó thụ thai. Ngoài ra, nguy cơ dị tật bẩm sinh sẽ tăng cao hơn so với tuổi trẻ. Nguy cơ xảy ra lỗi khi phân chia nhiễm sắc thể tăng theo tuổi của trứng, vì vậy tuổi thai phụ càng cao, nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down càng cao. Nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down ở độ tuổi 20 là 1:1600, ở độ tuổi 30 là 1:1000, ở độ tuổi 35 là 1:365 và ở độ tuổi 40 là 1:90 trường hợp mang thai. 

U xơ tử cung là u lành tính ở tử cung, xuất hiện trong độ tuổi sinh sản. Ước tính khoảng 30% số phụ nữ trên 30 tuổi có u xơ tử cung. U xơ tử cung có thể gây khó thụ thai, sẩy thai, ngôi thai bất thường, sinh non và gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai. 

Sự lão hóa khiến cho suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể dẫn đến việc người cao tuổi dễ mắc bệnh. Do vậy, khi mang thai ở độ tuổi trên 35, người phụ nữ có nguy cơ có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, loãng xương và dễ mắc những bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, cúm… 

Chúng ta biết rằng mang thai có kèm thêm bệnh lý nào khác đều có nguy cơ cho cả mẹ và thai. Nguy cơ cho mẹ là bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, việc sử dụng thuốc sẽ khó khăn hơn vì phải lựa chọn các loại thuốc sao cho ít ảnh hưởng đến thai nhất. Nguy cơ cho thai là sẩy thai, thai dị tật, sinh non, thai suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong trong bụng mẹ.

Như vậy, nếu sinh con ở độ tuổi dưới 30, cả mẹ và bé đều giảm được những nguy cơ trên.

Vậy tại sao không nên sinh con ở độ tuổi dưới 20?

Dưới 20 tuổi, cơ thể con người tràn trề nhựa sống. Tuy nhiên, nếu sinh con ở độ tuổi này lại có những bất cập khác. 

Thứ nhất, các bạn trẻ ở độ tuổi dưới 20 thường chưa ổn định nghề nghiệp, thu nhập bấp bênh, phần lớn kinh tế phụ thuộc vào cha mẹ hoặc người thân. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm sóc thai kỳ, nuôi con và hạnh phúc gia đình trẻ.

Thứ hai, các bạn trẻ thường chưa chuẩn bị kiến thức về hôn nhân - gia đình, kiến thức về việc mang thai và nuôi con. Và khi sinh con thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng con thường theo kiểu “trời sinh voi, sinh cỏ”.

Thứ ba, các bạn trẻ ở độ tuổi này thường chưa đủ chín chắn, chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Các bạn dễ bị lôi cuốn bởi những cám dỗ bên ngoài. Quan hệ hôn nhân dễ bị đổ vỡ và điều này ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ về sau.

Nam giới lớn tuổi sinh con có nguy cơ gì không?

Cho đến nay, khi nhắc đến việc làm sao để sinh con khỏe mạnh, người ta vẫn chỉ nghĩ đến vai trò của người phụ nữ mà không hề hay rằng, vai trò của người đàn ông cũng quan trọng không kém. Liệu khả năng sinh sản của đàn ông có trường tồn với thời gian? 

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, số lượng tinh trùng tổng thể đạt đỉnh điểm trong độ tuổi từ 30 và 35, trong khi số lượng tinh trùng tổng thể thấp nhất là sau tuổi 55. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy sự di động của tinh trùng tốt nhất là trước 25 tuổi và yếu nhất sau tuổi 55. Như vậy, khả năng thụ thai của nam sẽ giảm sau tuổi 55. Theo một so sánh, sức bơi của tinh trùng nam 50 tuổi giảm 50% so với nam giới ở tuổi 30. Điều này đồng nghĩa với việc nam giới càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản càng giảm.

Trong một nghiên cứu tiến hành tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) và Đại học California tại Berkeley, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, các khuyết tật di truyền trong tinh trùng gia tăng theo tuổi tác ở nam giới, có thể dẫn đến khả năng sinh sản giảm, tăng nguy cơ sẩy thai và tăng nguy cơ của một số dị tật bẩm sinh. 

Người bố lớn tuổi sinh con có đột biến di truyền liên quan đến bệnh tự kỷ, tâm thần phân liệt, mắc hội chứng Apert… Theo đó, các em bé sinh ra từ người cha trên 40 tuổi có nguy cơ bị tự kỷ cao hơn nhiều lần so với trẻ em sinh ra bởi các ông bố dưới 30 tuổi. Không những thế, chỉ số IQ của trẻ cũng thấp hơn những đứa trẻ khác.

Vì vậy, để cho ra đời các em bé khỏe mạnh và việc chăm sóc, nuôi dưỡng con được tốt, các cặp vợ chồng nên sinh con trước tuổi 30 và con thứ hai trước 35 tuổi.

Mức sinh của Việt Nam hiện đang giảm rất nhanh (đặc biệt từ thập niên 1990 đến nay), đến năm 2006 đã đạt được mức sinh thay thế. Năm 2006, bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 2,09 con. Mức sinh này được duy trì liên tục suốt 13-14 năm qua, xung quanh mức sinh thay thế.

Điều này được hiểu là mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh bình quân hai con (con số chính xác là 2,1 con). Bên cạnh đó, xu thế mức sinh cũng đang giảm xuống. Những địa phương có mức sinh thấp, thậm chí thấp xa so với mức sinh thay thế: TP.HCM, miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung và nhiều thành phố khác. 

Những nước đi trước chúng ta có mức sinh rất thấp và đã thấy hậu quả. Ví dụ như các nước phát triển ở châu Âu hoặc những nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây nhất là Trung Quốc… Các quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, phải nhập khẩu lao động và tình trạng già hóa dân số. Tỷ lệ người 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản xấp xỉ 30%, ở Hàn Quốc 15%-16% và đang tăng dần lên.

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI