Vì sao nạn sách lậu không lên bàn Quốc hội?

19/06/2019 - 06:20

PNO - 'Tại sao chuyện Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm ở Cannes được mang ra tận nghị trường bàn luận, mà thực trạng sách lậu tồn tại nhiều năm nay lại chưa được chú ý?'- trăn trở của một chuyên gia trong ngành sách thật đáng để suy nghĩ.

Sách lậu đã là "quốc nạn"

“Nhiều đối tác nước ngoài đã hỏi tôi, tại sao Việt Nam lại để tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan như vậy. Họ bị sốc. Nhiều đơn vị e ngại khi chuyển giao bản quyền cho các đơn vị làm sách Việt Nam. Đó không còn là chuyện của cá nhân hay đơn vị xuất bản nữa, mà là câu chuyện, hình ảnh của một quốc gia”, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News - Trí Việt, nói. Tại buổi họp công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu trên Sendo, Lazada, Shopee sáng 18/6, ông Phước đã dùng cụm từ “quốc nạn sách giả” để nói về thực trạng vi phạm bản quyền ngày càng quy mô, hết sức tinh vi.

First News hiện giữ hơn 500 bằng chứng về việc bán sách giả, sách lậu của các công ty, sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong hơn một năm qua, First News cũng đã tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, xử lý, đổi hàng ngàn quyển sách thật lấy sách giả. Có những đại lý bán hết sách First News rồi lại đặt mua sách giả giá rẻ để trả lại đơn vị. “Chúng tôi đã nhiều lần gửi cảnh báo đến các sàn bán sách online, nhưng câu trả lời là họ chỉ cho thuê cửa hàng, thu 13%, không chịu trách nhiệm việc ai bán sách giả” - ông Phước nói.

First News có khoảng 1.000 tựa sách giá trị thì gần 700 tựa đã bị in lậu, làm giả. Trong đó, quyển Đắc nhân tâm (Dale Carnegie) bị in lậu đến 16 phiên bản. Một số tựa bestseller cũng liên tục bị làm giả: Quẳng gánh lo đi và vui sống, bộ sách Hạt giống tâm hồn, Hành trình về phương Đông, Đi tìm lẽ sống, Bí mật của may mắn… Sách giả hiện tinh vi đến độ, ngay cả người trong ngành xuất bản cũng không dễ phân biệt. Giá sách giả có khi cao hơn giá sách thật, để khi bán trên các sàn online, sẽ được giảm giá sâu, thu hút bạn đọc.

Vi sao nan sach lau khong len ban Quoc hoi?
Một lượng lớn sách giả, in lậu bị First News phát hiện, thu giữ

Không chỉ chất lượng kém, sách giả còn nguy hại về nội dung trong trường hợp sách sai chính tả, thiếu chữ. “Một số sách về sơ cấp cứu, sách thuốc, chữa bệnh… thì sai nội dung, dù chỉ một dòng, một chữ, cũng vô cùng nguy hiểm” - ông Phước lo ngại.

Có luật, sao còn bỏ ngỏ?

Bộ luật Hình sự của chúng ta quy định rất rõ và chi tiết về các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan cùng mức xử phạt tương ứng với từng hành vi, giá trị vi phạm. Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định cũng đưa ra đầy đủ các mức phạt lẫn những hình phạt bổ sung. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có vụ in lậu, làm giả xuất bản phẩm nào bị xử lý ở mức độ đủ răn đe.

Năm 2011, First News phát hiện cơ sở Huy Thi in lậu hơn 10.000 bản sách. Vụ việc được đưa ra Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử, nhưng cuối cùng, Huy Thi trắng án. Năm 2015, một xưởng gia công sách lậu của Công ty TNHH in Dương Khánh tại Hà Nội bị phát hiện làm giả hơn 7.000 bản sách Đắc nhân tâm, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý. Trong khi đó, sách giả từ khắp các “lò in lậu” vẫn tỏa ra khắp nơi, về các tỉnh, thành, đi thẳng vào các nhà sách và xuất hiện tràn lan trên các trang kinh doanh sách trực tuyến.

Trở lại chuyện bán sách giả của Sendo, Lazada, Shopee, luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM - cho rằng, trước mắt, khó áp dụng Bộ luật Hình sự, vì các sàn giao dịch thương mại điện tử không có kho chứa hàng riêng, chỉ là các đơn vị trung gian. Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, có thể xử lý dựa vào những quy định của Bộ Công thương khi cấp phép kinh doanh cho các sàn giao dịch điện tử. Biện pháp cao nhất là rút giấy phép nếu đơn vị kinh doanh tiếp tay cho những hành vi sai trái, tiêu thụ sản phẩm vi phạm bản quyền.

“Chúng ta có rất nhiều bộ luật, nhưng cái thiếu nhất là chưa có sự phối hợp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Tiếng nói của người làm sách trong vấn nạn sách lậu, sách giả còn quá đơn độc. First News có thể phát hiện những vụ in lậu nhỏ lẻ, nhưng trình độ vi phạm ở các sàn giao dịch lớn là rất cao, không chỉ phạm vi trong nước mà còn ngoài nước” - luật sư Châu Huy Quang nói.

Vi sao nan sach lau khong len ban Quoc hoi?
Hàng loạt đầu sách best-seller của First News bị in lậu

Có luật, có tiếng nói của phía bị hại (nhà xuất bản, đơn vị làm sách), nhiều vụ việc được phát hiện, sách lậu và sách giả vẫn ngang nhiên hoành hành. Sách giả đã là “quốc nạn”, nhưng lời kêu cứu của các đơn vị làm sách cứ như rơi vào thinh không. Không ít nhà xuất bản biết sách của mình bị in lậu, bày bán công khai, nhưng phải cho qua, vì “có kiện tụng cũng không đi tới đâu”. Trường hợp hy hữu là First News kiện ra tòa, nhưng cuối cùng thua kiện. Sách giả, sách lậu không chỉ giết sách thật mà còn đe dọa đến sự sống còn của cả ngành xuất bản. 

Thay đổi hành vi, nhận thức của bạn đọc

“Quyền của người tiêu dùng là tẩy chay sản phẩm không rõ ràng, vi phạm bản quyền” - luật sư Vũ Tuấn nói. Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của người sở hữu sách được xem là biện pháp tích cực trong việc cùng chống lại vấn nạn sách giả. Nhưng điều đó cũng khó khả thi khi chính bạn đọc, dù không muốn mua sách giả, cũng khó phân biệt được đâu là sách giả, đâu là sách thật.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI