Vết sẹo của "Thế hệ COVID"

26/07/2020 - 06:01

PNO - Có một khái niệm mới có lẽ chẳng ai mong đợi nhưng được cho là sẽ định hình nên tương lai của thế giới - “thế hệ COVID”. Họ chính là những người trẻ ở độ tuổi sẵn sàng đóng góp, cống hiến nhưng lại đối diện với tâm lý suy sụp, lực bất tòng tâm ở thời điểm cả thế giới bị tấn công bởi dịch COVID-19.

Tổn thương sâu sắc và lâu dài

Từ tháng Ba đến nay, Syrenite Hewson (18 tuổi) chưa có một đêm ngon giấc. Mỗi đêm, cô nằm yên và cố gắng đối diện với những câu hỏi mà bản thân cô chẳng thể trả lời. Mọi thứ vô định. Cô kể: “Tôi nằm đấy, nhìn chằm chằm lên trần nhà suốt mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi mỏi mắt thì chìm vào giấc ngủ chập chờn”. Cảm giác cô đơn và bất lực bủa vây khiến Syrenite không ít lần hoài nghi chính bản thân. Trước khi dịch bệnh xảy ra, Syrenite có một kế hoạch tưởng chừng hoàn hảo cho cả năm 2020: tốt nghiệp phổ thông và hoàn thành chương trình học nghề làm tóc năm thứ hai, có chút vốn liếng gom góp để hướng đến mục tiêu mua một căn nhà nhỏ trong vài năm tới.

Ở Australia, tỷ lệ mất việc đối với nhóm từ 15-24 tuổi là 44%
Ở Australia, tỷ lệ mất việc đối với nhóm từ 15-24 tuổi là 44%

Giờ đây, Syrenite có cảm giác mình đang bị mắc kẹt. Có thời điểm cô hoang mang, lo lắng tột độ: “Tôi sợ mình sẽ nhiễm bệnh, tôi sợ mình trở nên vô dụng vì chẳng kiếm nổi việc làm...”. Tâm trạng tiêu cực đã ảnh hưởng đến việc học của Syrenite. Lo lắng về công việc tương lai là nỗi ám ảnh nhất đối với người trẻ Australia được ghi nhận bởi nhóm thực hiện dự án “Thế hệ COVID” từ tập đoàn truyền thông ABC của Australia.

Trong mùa dịch Covid-19, người ta nói nhiều về độ tuổi dễ bị tổn thương nhất: người già, người có bệnh nền. Thế nhưng, chịu tổn thương sâu sắc và lâu dài nhất lại là thế hệ trẻ. Giáo sư Janeen Baxter, nhà khoa học xã hội hàng đầu của Đại học Queensland, cho biết trải nghiệm lần này là điều chưa từng có trong lịch sử. Đây là cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế, chính trị và cả xã hội. Thế hệ trẻ đang đối diện với cuộc khủng hoảng mà họ bị tước đi những cơ hội lớn lao. Tỷ lệ mất việc đối với nhóm từ 15-24 tuổi là 44%.

Theo giáo sư kinh tế học Jeff Borland (Đại học Melbourne), có hai nhóm chính ở người trẻ phải chịu thất nghiệp. Thứ nhất là những người làm việc bán thời gian do vừa học vừa làm và nhóm thứ hai là những người đã tốt nghiệp, đang cố gắng tìm kiếm công việc phù hợp. Cả hai nhóm này đều bị đẩy vào đường cùng khi họ không thể chủ động được sự lựa chọn cho chính mình. Cơ hội của nhóm một nhiều hơn nhóm hai. Theo kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trước đây, phải mất vài năm tình hình mới cân bằng lại. Liệu người trẻ đã tốt nghiệp có thể chờ đợi, có thể bắt kịp xu hướng công việc ở thời điểm tình hình kinh tế, xã hội phục hồi hay không nếu suốt quãng thời gian trống, họ không có việc làm? Nguy cơ một vết trượt dài khiến họ bị hất văng ra khỏi guồng quay của xã hội là rất lớn. Khi ấy, vết thương do dịch bệnh gây ra cho tinh thần người trẻ có thể tính bằng thập niên. 

Emily Goode (24 tuổi) không may thuộc cả hai nhóm trên. Cô kỹ sư trẻ này đang trong quá trình thu thập dữ liệu cho việc học lên tiến sĩ ở thành phố Bendigo. Cô kể: “Tôi cố gắng thu thập số liệu cho nghiên cứu nhưng quá vất vả, những nơi tôi liên hệ làm việc đều đóng cửa”. Ngoài nghiên cứu, Emily còn tham gia giảng dạy. Đây là thu nhập chính của cô. Dịch bệnh khiến việc giảng dạy gián đoạn, giờ lên lớp bị cắt giảm. Kế hoạch cố gắng cân bằng giữa việc học và dạy bỗng chốc tan thành mây khói. Emily rơi vào tình thế chẳng biết phải làm gì và chẳng biết đến khi nào mọi thứ quay trở lại nhịp cũ.

Ngoài nỗi lo cho bản thân, Emily Goode còn nỗi lo cho các sinh viên nữ mà cô giảng dạy
Ngoài nỗi lo cho bản thân, Emily Goode còn nỗi lo cho các sinh viên nữ mà cô giảng dạy

Là người trẻ, Emily hiểu nỗi khổ của những người trẻ cùng thế hệ mình. Cô chia sẻ: “Ngành kỹ sư không có nhiều sinh viên nữ. Các em đến trường chính là có thêm cơ hội để tương tác, có những kết nối để tìm sự hỗ trợ cho mình trong học thuật. Các giáo sư không mấy quan tâm lắm đến việc họ phải dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên nữ. Trong lĩnh vực này, các sinh viên nữ luôn cảm thấy mình bị cô lập nên họ phải nỗ lực rất nhiều. Tôi từng như các em nên tôi hiểu”. 

Tạo cơ hội cho chính mình

Một trường hợp khác là Jacqui Fahry, quản lý hồ bơi trường học ở Sydney. Jacqui Fahry đang phải chịu hệ quả của một chuỗi kế hoạch chệch hướng ngoài mong đợi. Cô dự định mua nhà cuối năm nay nhưng mức thu nhập sụt giảm nghiêm trọng khiến cô không thể thực hiện kế hoạch này. Jacqui Fahry từng luôn ưu tiên công việc trên tất cả mọi thứ.

Dịch bệnh lần này như một “cơn địa chấn” đánh thẳng vào tâm trí của cô, khiến cô tự hỏi đâu mới là điều quan trọng nhất với bản thân mình. Cô cảm thấy mất phương hướng khi nhìn lại những mục tiêu mình đã theo đuổi bao nhiêu năm qua. Giờ đây, những thứ ấy trở nên vô nghĩa trong khi cô cảm nhận mình đang thật sự cô đơn, không có lấy một mối quan hệ thân thiết để có thể dựa vào trong thời điểm khủng hoảng này. Jacqui Fahry nghĩ rằng đây là lúc cô nên suy xét lại mọi việc và chọn cách sống mới.
Sự hỗ trợ xã hội cùng hỗ trợ tài chính sẽ quyết định thời gian để người trẻ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nếu sự hỗ trợ ấy không đủ, vết thương sẽ tồn tại vĩnh viễn. Giáo sư Baxter khuyến khích những ai đang bế tắc với việc định hướng tương lai tìm kiếm một phương án thay thế, dù không đúng với kỳ vọng ban đầu nhưng có thể giúp họ tránh bị 
mắc kẹt. 

Syrenite Hewson nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới cho mình
Syrenite Hewson nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới cho mình

Đó cũng chính là cách Syrenite đang hướng đến. Ba tuần trước, cô tìm được một salon mới để thực hành, hoàn thành chương trình học nghề của mình. Cô dành hơn một tháng gõ cửa khắp các tiệm làm tóc để tìm cơ hội. Ở thời điểm này, Syrenite có thể thở phào bởi cô đã bước ra khỏi vùng an toàn để tìm cơ hội mới. Nhưng cô hiểu tất cả chỉ là bắt đầu, bước tiếp theo sẽ là nỗ lực tự tạo cơ hội cho bản thân. Cô nhận ra: “Mọi thứ quá mong manh, chỉ một sự kiện ngoài ý muốn có thể thay đổi cả cuộc đời. Nhưng chúng ta đang đối diện cùng một sự kiện, chúng ta không thể từ bỏ, buông xuôi. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều, học được nhiều điều”. 

Lối thoát nào cho “thế hệ COVID”?
 “Người trẻ cần nghĩ đến những hỗ trợ ngắn hạn có thể nhận được từ người thân, bạn bè hoặc mạng lưới có liên quan đến chuyên môn công việc, định hướng của mình. Bên cạnh đó, họ cần nghĩ đến việc tái đào tạo chính mình, trả lời được câu hỏi mình sẽ nhập cuộc trở lại bằng cách nào sau dịch bệnh. Nếu không nghĩ đến những điều ấy, nhiều khả năng họ khó bắt nhịp trở lại”.
 Giáo sư Baxter

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI