Vẹn tròn chữ hiếu

25/08/2013 - 07:35

PNO - PN - Trong căn nhà nhỏ của chị Lê Thị Nước (57 tuổi, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) có ba người phụ nữ sống nương tựa vào nhau. Dù nghèo, dù bệnh tật nhưng tình thương, lòng hiếu thảo của con dành cho mẹ, cháu đối với bà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giữa tháng 8/2013, 120 con, em gia đình cán bộ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi của huyện Củ Chi được Hội LHPN TP.HCM, phối hợp với Hội LHPN huyện trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai năm học 2013 - 2014. Trong số đó, em Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1992, con gái chị Nước) được nhiều người nhắc đến. Em là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó và lòng hiếu thảo với bà, với mẹ. Chị Nước sinh ba người con, Mai là út. Vợ, chồng chị không hợp nhau nên mỗi người một nơi. Bao nhiêu gánh nặng cơm áo, học hành của ba đứa con đè nặng vai chị. Nghề làm bánh tráng tuy cực nhưng giúp cả nhà chị đắp đổi qua ngày. Cứ tầm ba, bốn giờ sáng, mấy mẹ con đã thức dậy, lui cui xuống bếp tráng bánh. Mai vào cấp I, rồi cấp II một buổi đi học, một buổi ở nhà cuốn, phơi bánh phụ mẹ. Làm việc cật lực mà nhiều bữa mấy mẹ con không có cả tiền đong gạo. Thiếu thốn là vậy nhưng Mai lại học rất giỏi. Hỏi, thời gian đâu em học bài? Mai gãi đầu cười: “Thường thì em vừa ngồi làm với mẹ vừa để cuốn tập trước mặt học. Trên lớp, em tranh thủ giờ giải lao để làm bài tập”.

Thời đó, căn nhà của mấy mẹ con chỉ là túp lều, nhưng chị Nước vẫn phải nấn ná vì không có cách nào xoay ra tiền sửa. Sau này, chị bán mảnh ruộng, vay vốn của Hội Phụ nữ để chuyển sang nuôi heo. Sau khi bán hết đàn heo, chị Nước chuyển sang làm keo dán nhựa cho một cơ sở tư nhân. Cuộc sống dễ thở hơn và căn nhà mới khang trang được xây dựng trên nền đất cũ.

Ven tron chu hieu

Mai chăm sóc bà ngoại chu đáo

Đầu năm 2007, em Nguyễn Thanh Khương (SN 1990, con trai duy nhất của chị Nước) qua đời vì tai nạn giao thông. Cũng năm đó, mẹ chị - bà Lê Thị Chưng (80 tuổi) phát bệnh Alzheimer (chứng bệnh mất trí nhớ). Chị Nước kể: “Mẹ chỉ có mình tôi. Khi ba mất, tôi mới một tuổi. Từ đó, mẹ ở vậy, vừa nuôi con, vừa nuôi bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự ra đi đột ngột của Khương là cú sốc rất nặng đối với bà”. Việc chăm sóc bệnh nhân Alzheimer rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là tình thương. Đến nay, bà Chưng đã không còn nhận ra con, cháu. Hôm tôi ghé thăm, bà ngồi bó gối trên ghế, miệng lẩm bẩm những từ không rõ nghĩa. Mai kể: “Có bữa, ngoại xả vòi nước cho chảy lênh láng. Bữa khác, ngoại dùng quẹt lửa, bật đốt khắp nơi. Em thương và lo cho ngoại lắm. Phải có người bên cạnh chứ để ngoại một mình rất nguy hiểm”.

Mai đang là sinh viên năm thứ tư, khoa tiếng Anh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Từ ngày chị gái Nguyễn Thị Tuyết Trinh lập gia đình, nhà chỉ còn ba người phụ nữ, ngoại lại bệnh nặng nên Mai phải tự mày mò, tìm hiểu thông tin trên báo, internet để có cách chăm sóc bà tốt nhất. Ngoài đi học, Mai còn làm thêm đủ việc, bưng bê, pha chế nước uống. Gần đây nhất, Mai nhận dạy kèm tiếng Anh cho các em học sinh lớp 10 với mong muốn có thể đỡ đần phần nào cho mẹ chuyện cơm áo, thuốc thang. Mỗi ngày, cô đón ít nhất sáu tuyến xe buýt để đi học, đi làm. Về nhà, ngoài cơm nước, thuốc thang, Mai còn tắm giặt, làm vệ sinh cho bà ngoại. Mai bảo, cực khổ cỡ nào em cũng gắng gượng được, chỉ mỗi việc bà ngoại không còn nhận ra mình nữa làm Mai thấy xót.

Mai lo lắng nói: “Bà và mẹ cả đời tảo tần nhưng chưa bao giờ than khổ, than mệt. Hiện nay, ngoại bệnh, sức khỏe mẹ yếu, hay đau nhức khớp gối và mệt mỏi nhưng mẹ không dám đi khám bệnh vì sợ phát hiện ra nhiều bệnh”.

Chị Nước thổ lộ: “Hôm bữa nghe tin cháu Mai được trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, tôi rất vui. Đó là phần học bổng thật sự ý nghĩa, giúp con tôi rất nhiều trong những ngày đầu năm học. Dù tôi có đói, bệnh cũng thấy hạnh phúc và hãnh diện vì con học giỏi, ngoan hiền lại rất hiếu thuận với mẹ, bà”.

 Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI