Vẫn xuất khẩu được trái cây dù Trung Quốc quyết 'tự túc'

05/03/2019 - 12:00

PNO - Trung Quốc hiện đang ồ ạt trồng thanh long, dưa hấu và nhiều loại cây vốn trước đây họ từng nhập trái từ Việt Nam, đặt ra bài toán cạnh tranh cho nông dân và doanh nghiệp Việt.

“Nhìn họ trồng thanh long mà sợ”

Đó là chia sẻ của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại tỉnh Bình Thuận khi nói về việc cạnh tranh với thanh long Trung Quốc. Ông này cho biết, trước đây, hầu hết thanh long tiêu thụ tại Trung Quốc đều nhập từ Việt Nam nhưng hiện nước này đã tự trồng. Vùng trồng của họ chỉ cách đường biên giới Việt Nam khoảng vài trăm cây số, do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư bài bản.

Van xuat khau duoc trai cay du Trung Quoc quyet 'tu tuc'
Những quy định mới từ Trung Quốc khiến trái cây Việt Nam khó duy trì đường tiểu ngạch

Ông cho biết, diện tích vùng trồng của họ  hàng ngàn héc-ta, áp dụng công nghệ hiện đại, mùa vụ thu hoạch của họ khá trùng với mùa vụ thanh long tại tỉnh Bình Thuận và Long An của Việt Nam, giá tại vườn tính ra tiền Việt cũng chỉ 26.000 - 27.000 đồng/kg. Nếu họ tiếp tục mở rộng diện tích trồng, thanh long Việt khó mà cạnh tranh nổi.

Không chỉ thanh long, nhiều loại trái cây khác như chuối, xoài, dưa hấu… cũng trong tình thế tương tự. Gần một tháng trước, để tránh phải giải cứu dưa hấu trong những mùa vụ tới, Bộ Công thương nước ta đã thông tin trước về diện tích và sản lượng dưa hấu Trung Quốc tự trồng trong 5 năm. Theo đó, có tới 22/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trồng dưa hấu với khoảng 2 triệu ha, chiếm 10% tổng diện tích cây ăn quả, rau màu của cả Trung Quốc, sản lượng bình quân khoảng 73 - 75 triệu tấn/năm.

Các vùng trồng dưa không phải nhỏ lẻ mà là những vùng lớn, có điều kiện tự nhiên phù hợp, áp dụng cơ giới và công nghệ cao. Mùa vụ thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng Tư đến khoảng tháng Chín hằng năm, không lệch nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Trung Quốc chỉ có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu từ tháng 11 năm trước đến tháng Tư năm sau.

Vẫn có “cửa” để xuất nông sản vào Trung Quốc

Đi kèm với chiến lược mở rộng các vùng trồng trong nước, tiêu chuẩn nhập khẩu các loại trái cây vào Trung Quốc cũng ngày càng khắt khe hơn. Theo ông Trần Thanh Hòa - Phó cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Từ ngày 1/1/2019, trái cây, rau quả vào thị trường này bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật. Từ ngày 1/5 tới, các xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản, sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc; tất cả các vật dụng bằng gỗ, kể cả bao bì, máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng. Từ ngày 1/10/2019,  thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.

Van xuat khau duoc trai cay du Trung Quoc quyet 'tu tuc'
Một trang trại trồng thanh long theo quy mô lớn tại Trung Quốc

Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đối với sản phẩm trái cây và rau quả, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng tìm hiểu mùa vụ tại Trung Quốc để tránh trường hợp “được mùa, mất giá”.

Ông Shi Xin Biao - Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.Ltd, doanh nghiệp Trung Quốc có hơn 10 năm nhập khẩu trái cây từ Việt Nam -  nhận định, trong 10 năm tới, lượng nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ chững lại, trong khi yêu cầu về chất lượng lại được nâng lên. Giá cả sẽ có mức dao động lớn hơn, nhưng phẩm chất của các loại quả phải ngày càng cao hơn.

Ông Shi Xin Biao cho rằng, trước những biện pháp giám sát chặt về chất lượng của phía nhập khẩu, các doanh nghiệp và vùng trồng tại Việt Nam nên thay đổi cách làm. Chẳng hạn, Trung Quốc là một thị trường mở, rất nhiều thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam để thu mua các loại rau, hoa quả và các công ty, cá nhân người Việt Nam cũng có thể sang thẳng các chợ bán buôn tại Nam Ninh, Quảng Tây, Gia Hưng, Thượng hải, Quảng Châu, Bắc Kinh, Sơn Đông của Trung Quốc để bán hàng chứ không nhất thiết phải tập kết ở biên giới rồi bán cho thương lái. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc không chỉ có nhu cầu với các loại quả tươi mà còn có nhu cầu nhập khẩu nước ép hoa quả, hoa quả đóng hộp.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho hay, trước đây, Trung Quốc nhập khẩu chuối từ Việt Nam nhiều do những tháng mùa đông, băng tuyết bao phủ nhiều nơi khiến họ không trồng được. Trong điều kiện thời tiết bình thường, Trung Quốc chỉ thiếu chuối trong 4 tháng, từ tháng Hai đến tháng Năm hằng năm. Nếu tính toán kỹ về mùa vụ, Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu chuối vào Trung Quốc. 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng đã nhìn ra những “ngách” mới ngay cả khi Trung Quốc tự trồng loại trái cây này. Chẳng hạn, họ thấy Trung Quốc chủ yếu trồng thanh long ruột trắng, trong khi nhu cầu tiêu thụ thanh long ruột đỏ, ruột vàng tại Trung Quốc vẫn rất lớn. Do đó, các nhà xuất khẩu vẫn có thể khai thác tốt thị trường này. 

Thư Hùng

Từ khóa cva
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI