Văn hóa “check-in”

30/06/2020 - 07:16

PNO - Check-in là một nhu cầu chính đáng và cần được đáp ứng, biểu hiện của nhu cầu đi đây đi đó, khám phá, học hỏi, chiêm ngưỡng và quảng bá, với một chút khoe khoang cái đẹp ở những nơi mình đến.

Ở một khía cạnh nào đó, check-in cho thấy mức độ phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa: người ta có đủ của ăn, của để thì mới đi du lịch. Thay vì cất bạc vào kho, thỉnh thoảng đem ra phơi và vuốt râu tự mãn như các cụ địa chủ ngày xưa, hoặc thay vì chọn cách tiêu tiền vào một căn hộ mới hay một chiếc xe hơi mới, người ta chọn chu du thiên hạ để mở mang kiến thức. Check-in, vì vậy, là thú vui có văn hóa hơn nhiều so với nhiều loại hình giải trí khác; đừng vội phê phán check-in là sống ảo. 

Năm 1996, tôi sang Ai cập, đứng sững sờ, choáng ngợp trước đại kim tự tháp Kheops. Nói ra thì cũng xấu hổ vì kiến thức hạn hẹp, nhưng đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được biết ở Ai cập không phải chỉ có mỗi cái kim tự tháp. Cái Kheops tôi vẫn thấy trong ảnh chỉ là một trong cả quần thể kim tự tháp Giza. Đến tận bây giờ, mỗi lần giở cuốn album cũ, cảm giác choáng ngợp đấy vẫn còn nguyên, rất thật, có chút tự hào lẫn chút muốn khoe khoang: nhìn đi, thấy chưa, kỳ quan cổ xưa nhất thế giới còn sót lại đấy!

“Tiểu Bali” giữa lòng Đà Lạt (ảnh minh họa)
“Tiểu Bali” giữa lòng Đà Lạt (ảnh minh họa)

Đến giờ, râu cũng bạc rồi, tôi vẫn thích check-in, chỉ khác một chút là thay vì chụp cái ảnh nào cũng phải có mặt mình trong đấy, thì tôi chọn đứng đằng sau ống kính và ghi lại những cái đẹp, cái lạ đang diễn ra trước mắt mình. Tôi biết một người bạn, vốn là dân chu du thiên hạ và chụp ảnh mọi thứ anh ấy thấy. Giờ, râu cũng bạc, anh ấy chọn cách đứng đấy và ngắm nhìn, chụp ảnh bằng đôi mắt, lưu trữ vào tâm hồn. Anh ấy bảo: “Tôi cũng check-in, chẳng qua bằng cách khác”. 

Nhà tôi ở bên kia sông Hồng, sáng chiều hai buổi đi qua cây cầu cũ Long Biên. Người check-in ở đấy nhiều vô cùng, đa dạng vô cùng. Dân check-in dường như không ngại khó, không ngại khổ, không ngại nguy hiểm. Họ trèo qua lan can, đi rón rén ra đoạn đường sắt giữa cầu, cười duyên, tạo dáng. Người đông đến nỗi khó có thể chụp được một tấm hình chỉ có mỗi mình ta trên cây cầu hun hút dài.

Tiếc là Hà Nội không có nhiều điểm check-in như thế. Vậy nên chẳng lấy làm lạ khi một cái hồ sen nhỏ cũng có thể trở thành điểm check-in nóng bỏng ở Hà Nội. Nhìn các chị, các mợ che ô đứng kín con đường bé tí ở hồ sen Quảng Bá, dưới cái nắng nóng đến ba mấy độ chờ đến lượt check-in, mà vừa thấy thương, vừa có chút buồn cười. Thế nhưng cái nhu cầu check-in - một nhu cầu chính đáng vô cùng, lại đang ngày càng tăng, rõ ràng là chưa được đáp ứng.

Cũng vậy nên nếu có ai đó tạo được một khung cảnh đẹp, lạ, độc đáo để người người đến check-in, hẳn là đáng quý: vừa tạo điểm nhấn cho một địa phương nào đó, vừa đáp ứng nhu cầu của nhiều người, vừa kích cầu du lịch, tạo nguồn thu, làm giàu cho mình, nộp ngân sách địa phương… Điểm cốt lõi là những điểm check-in mới này phải tuân thủ quy hoạch, xây dựng hợp pháp, và nếu có thể thì đừng dị hợm. Thực tế, làm được điều này không dễ. Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy cái biệt thự trăm mái ở Đà Lạt là đẹp, nhưng mà nó hợp pháp. 

Ở Việt Nam, nói đến check-in, người ta sẽ nghĩ ngay đến Đà Lạt. Thành phố đẹp như ảo mộng, mỗi lối mòn phủ đầy dã quỳ, mỗi góc rừng nắng sớm chiếu xuyên qua kẽ lá thông còn vương sương sớm, mỗi góc hồ lãng đãng khói, lãng đãng mây… đều là những điểm check-in lý tưởng.

Thời đại du lịch gần thiên nhiên lên ngôi, homestay mọc lên như nấm, nhưng nếu chỉ dựa vào khung cảnh thiên nhiên thì các homestay chưa chắc đã thu hút được khách. Mỗi homestay đều cố gắng tạo ra các tiểu cảnh để người yêu thích check-in có thể dừng lại, chụp ảnh, đăng Facebook. Làn sóng tạo tiểu cảnh có vẻ đang gây nên những ý kiến trái chiều về việc giữ gìn vẻ đẹp của Đà Lạt. Có người yêu Đà Lạt lo ngại những tiểu cảnh kia sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, vốn đã rất đẹp của thành phố. Có người cười: “Ơ kìa, sao lại cố làm cho Đà Lạt giống Bali? Trí tuệ Việt Nam đâu kém gì ai mà phải copy của xứ khác?”. 

Có lẽ cũng không cần khắt khe đến thế. Đẹp là do du khách đánh giá, cũng là do văn phòng kiến trúc sư trưởng đánh giá, dị hợm quá, chắc họ chẳng cho xây. Sao chép cái đẹp không có gì là xấu. Thế giới nhiều nơi có vườn danh thắng, sao chép đủ loại công trình nổi tiếng từ cổ chí kim để những ai không đủ điều kiện có thể đến đấy chiêm ngưỡng, mở mang kiến thức và tất nhiên là không thể thiếu check-in. Chỉ cần chủ homestay không nói “đây là sáng tạo của tôi”, hoặc người check-in không chụp ảnh ở Đà Lạt rồi đăng Facebook với dòng trạng thái “check-in Bali sáng nay, cảm giác thật yomost” thì mọi thứ đều là sống thật.

Nếu ta có thể chấp nhận một bông dã quỳ khổng lồ bằng kính và thép cao hơn mặt hồ Xuân Hương huyền thoại đến vài chục mét, sao lại phải khắt khe với một cái đu tre ẩn giữa rừng? Nếu ta vẫn tự hào về một châu Âu thu nhỏ trong lòng Đà Lạt, sao phải khắt khe với một góc Bali khiêm nhường nằm cách trung tâm thành phố đến 45 phút đi ô tô?

Đợt này vé máy bay đang rẻ, Hà Nội lại đang mùa nắng nóng như rang. Hay là ta cũng xách ba-lô lên và đi nhỉ? 

Trần Lê Trà (Chuyên gia bảo tồn)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI