Vẫn còn người sập “bẫy” việc nhẹ, lương cao

24/06/2023 - 06:20

PNO - Dù các cơ quan công an đã liên tục cảnh báo, báo chí lên tiếng vạch trần thủ đoạn của các nhóm lừa đảo “việc nhẹ lương cao” nhưng thời gian gần đây, nhiều thanh niên ở miền Trung, Tây Nguyên vẫn nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo sang Lào, Campuchia làm việc. Và vẫn là bi kịch cũ: họ bị quản thúc, bị ép làm việc với cường độ cao, bị đánh đập và đòi tiền chuộc.

Bị giam lỏng, đánh đập dã man

Sáng 15/6, căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Bá H. ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh rộn rã tiếng cười. Bà con lối xóm cũng tới hỏi thăm, chung vui với gia đình ông H. khi hay tin 2 cậu con trai của ông là Đức A. (22 tuổi) và Quốc A. (19 tuổi) vừa được lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh giải cứu khỏi tay bọn buôn người ở Lào, đưa về nhà. 

Người thân, hàng xóm an ủi, động viên tinh thần Quốc A. khi cậu được giải cứu, đưa về quê sau 1 tháng bị giam giữ, đánh đập
Người thân, hàng xóm an ủi, động viên tinh thần Quốc A. khi cậu được giải cứu, đưa về quê sau 1 tháng bị giam giữ, đánh đập

Anh em Đức A. là 2 trong 5 nạn nhân vừa được các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị chức năng nước bạn Lào giải cứu thành công sau thời gian bị lừa sang Lào làm việc, bị đánh đập, bị ép gọi điện thoại về nhà đòi nộp tổng cộng 2,5 tỉ đồng tiền chuộc. 

Quốc A. kể, hơn 1 năm trước, khi vào mạng xã hội Facebook, cậu bị những lời mời chào “làm việc tại Lào, không cần bằng cấp, việc nhẹ lại lương cao” thu hút. Theo đó, nhóm lừa đảo rao tuyển người làm công việc chăm sóc khách hàng trên máy tính, lương 15-18 triệu đồng/tháng. Đọc các bình luận dưới bài rao, Quốc A. thấy nhiều người nhận xét công việc nhàn, điều kiện ăn ở tốt nên cậu đã liên hệ để được làm. Nhưng khi sang tới nơi, 2 anh em bị ép làm việc 12 giờ/ngày trong một tòa nhà khép kín, có người canh giữ nghiêm ngặt khắp nơi. 

“Mấy tháng đầu, họ trả lương đầy đủ. Sau đó, tụi em được chuyển sang một công ty mới. Được một thời gian thì công ty này bắt đầu giảm lương” - Quốc A. kể. Tháng 4/2023, Quốc A. cùng 4 người Việt khác bị cho nghỉ việc, bị tịch thu hết đồ dùng cá nhân rồi nhốt chung vào 1 phòng kín, bị giam lỏng hơn 1 tháng trời, bị đánh đập nhiều lần trong ngày.

Ngô Thị Kim C. - 21 tuổi, quê ở tỉnh Đắk Lắk - chưa hết hãi hùng: “Họ đánh bằng dùi cui điện, gậy sắt hoặc mọi thứ vớ được. Họ nói nếu người nhà không gửi tiền chuộc sang thì sẽ bán bọn em qua Myanmar”. Kim C. cho hay, mỗi lần gọi điện thoại về cho người thân để kêu gọi gửi tiền chuộc, cô đều bị họ đánh đập nhằm tạo tiếng la hét, gieo thêm nỗi sợ cho người thân. 

Theo chị C., trong hơn 1 tháng trời bị giam lỏng, cô sụt 10kg: “Mỗi ngày, em chỉ được ăn 1 bữa, đói thì uống nước lọc nhưng họ cũng chỉ cho mỗi người 1 chai. Có lúc em tuyệt vọng, muốn tự tử nhưng mọi cửa đều bị khóa, trong phòng còn có 2 người canh giữ”.

Ôm 2 cậu con trai vào lòng, ông H. rơm rớm nước mắt: “Gần cả tháng trời, tôi không ngủ được vì cứ đắn đo có nên gửi tiền chuộc hay không”. Khi con trai gọi điện về cầu cứu, ông H. vội vàng đi vay mượn khắp nơi để kiếm đủ 1 tỉ đồng theo yêu cầu. “Lúc đó, tôi nghĩ nếu chúng cố tình bắt người để kiếm tiền chuộc thì sẽ không làm hại các con, nên mình phải tìm cách kéo dài thời gian. Khi nghe trình báo, công an cũng khuyên không nên gửi tiền chuộc vì nếu gửi, chưa chắc chúng thả người” - ông H. kể. 

Mỗi lần nhận được điện thoại, ông H. đều viện lý do không vay được tiền hoặc đang làm hồ sơ thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng, cần có thời gian: “Mục đích của nhóm này là tiền. Lúc thì chúng yêu cầu 1 tỉ, rồi hạ xuống 500 triệu, có khi bảo có bao nhiêu gửi bấy nhiêu. Tôi tìm đủ cách trì hoãn để chờ công an điều tra. Tôi nói người nhà vừa gặp tai nạn để kéo dài thời gian”.

Cảnh giác với các lời rao hấp dẫn

Học hết lớp Mười một, Ngô Thị Kim C. nghỉ học, tới TPHCM làm thuê cho một số quán cà phê. Những lúc rảnh rỗi, Kim C. thường vào các trang, nhóm trên Facebook tìm công việc mới. Thấy lời mời chào sang Lào làm việc với mức lương gấp 3 lần công việc hiện tại, Kim C. chia sẻ thông tin này cho một số bạn bè ở quê. “Bạn bè đi nên em cũng đi, không ngờ sang đó lại bị lừa” - Kim C. rầu rĩ.

Ngô Thị Kim C. kể, khi bị giam lỏng ở Lào, cô phải uống nước lọc chống đói
Ngô Thị Kim C. kể, khi bị giam lỏng ở Lào, cô phải uống nước lọc chống đói

Gần 1 năm trở về quê làm công nhân cho một nhà máy phân bón, anh Phan Đình T. - 34 tuổi, ở Hà Tĩnh - nói: “Giờ làm ở quê, lương không cao nhưng cũng đủ nuôi vợ con. Gắng cày trả nợ chứ không dám mơ mộng ra nước ngoài nữa”. Anh T. từng bị bọn xấu giam lỏng 7 tháng trời ở Campuchia. Mỗi lần nhớ lại quãng thời gian đó, anh đều rùng mình sợ hãi.

Cuối năm 2021, khi anh T. đang chán công việc bấp bênh ở quê thì bị người quen dụ sang Campuchia làm việc, “đi không mất phí, lương 2.000 USD/tháng”. Anh đã cùng 8 người khác cùng quê vào miền Nam rồi vượt biên bằng đường bộ sang Campuchia. Nhưng khi đến nơi làm việc, anh được ông chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ lừa đảo trên các ứng dụng (app) do người Trung Quốc lập ra. Công ty dày đặc bảo vệ, cửa đóng kín mít. Khi đó, anh biết mình đã bị lừa.

Sau 7 tháng làm việc không lương, anh T. lấy lý do “người thân mất, cần về gấp” nhưng bị yêu cầu nộp 5.000 USD tiền chuộc. “Tôi năn nỉ mãi, họ giảm xuống còn 100 triệu đồng. Không còn cách nào khác, tôi phải gọi điện về kể thật với vợ. Không có tiền, vợ tôi thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng, nộp tiền chuộc, tôi mới được về” - anh T. kể.

Tuyển người ra nước ngoài làm việc bằng lời rao hấp dẫn, sau đó đòi tiền chuộc là chiêu lừa không mới, nhưng vẫn có người tiếp tục sập bẫy. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tương tác trên mạng xã hội, nhất là phải cảnh giác với người lạ, cảnh giác trước những lời rao tuyển nhân viên mà địa chỉ người rao lẫn công ty đều mơ hồ. Hiện nay, Lào có 4 đặc khu kinh tế do người nước ngoài thuê, kinh doanh nhiều lĩnh vực, môi trường phức tạp.

Thượng tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh - nói: “Cần cảnh giác để tránh bị lừa. Trong trường hợp bị bắt, bị đòi tiền chuộc thì người thân nên sớm trình báo cơ quan công an, không nên làm theo yêu cầu của bọn xấu”. 

Lãnh án tù nặng về tội buôn người

Ngày 30/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Tiến Dũng - 25 tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - và Nguyễn Ngọc Tuyền - 29 tuổi, trú tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - cùng mức án 15 năm tù về tội mua bán người.

Theo cáo trạng, cuối năm 2021, Dũng và Tuyền nhận đưa 9 người từ tỉnh Hà Tĩnh sang Campuchia làm việc nhưng sau đó, cặp đôi này lại bán các nạn nhân cho 1 người đàn ông Trung Quốc là chủ công ty game bài, cá cược ở Campuchia để thu về 221 triệu đồng. Đến nay, 9 nạn nhân trên đã nộp tiền chuộc, được giải cứu hoặc bỏ trốn về Việt Nam.

Tháng 4/2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Lê Bảo Tín - 29 tuổi, ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Tín được xác định là “cò mồi”, lừa đưa 11 người Việt Nam ra nước ngoài làm việc rồi bán cho “ông chủ” người nước ngoài để đẩy các nạn nhân vào làm việc trong đường dây đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng với giá bán 35 triệu đồng/người.

Phan Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI