Sinh viên sập bẫy lừa tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”

20/07/2020 - 06:09

PNO - Gần đây, xuất hiện không ít công ty “ma” rao tuyển sinh viên làm thêm với mức lương cao ngất ngưởng nhưng thực chất là nhằm chiếm đoạt tiền thế chân, đồng phục cùng các khoản phí “trời ơi” khác.

Mạo danh các công ty lớn để tuyển dụng

Những thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao, có việc trong ngày” đang xuất hiện đầy trên các cột điện hoặc dưới dạng tờ rơi phát tại các ngã tư. Khi đến các địa chỉ này ứng tuyển, không ít sinh viên đã sập bẫy lừa. 

N.T.N. - sinh viên Trường đại học Sư phạm TPHCM - kể, thấy tờ rơi ghi Công ty TNHH TMDV HTTP Hoa Sen tuyển nhân viên làm việc cho siêu thị Metro, Co.opmart, Big C với mức lương 30.000 đồng/giờ, N. đã liên hệ. N. được hẹn đến trụ sở công ty tại 46/16 đường số 18, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân dự phỏng vấn. Tại đây, nhân viên vẽ ra công việc nhàn hạ như quản lý camera, quản lý kho… rồi bắt N. đóng 480.000 đồng tiền quỹ trách nhiệm, sau đó đưa cho N. hai phiếu có tên “bảo lãnh nhân sự” và “phiếu thu tiền” nhưng không có thông tin rõ ràng hoặc dấu mộc của công ty. 

N. tiếp tục được giới thiệu đến một địa chỉ khác cũng nằm trên đường số 18, Q.Bình Tân và được yêu cầu đóng tiếp 200.000 đồng để làm thẻ nhân viên, 300.000 đồng mua đồng phục và viết giấy hẹn ba ngày sau đến Big C trên đường Tô Hiến Thành, Q.10 để làm việc. Đến hẹn, N. tìm đến siêu thị mới biết mình bị lừa. “Tôi quay lại chỗ cũ thì công ty này đã biến mất. Hỏi mọi người xung quanh thì được biết đó chỉ là nhà cho thuê” - N. trình bày với chúng tôi. 

Không ít đối tượng lừa đảo tuyển dụng còn lập ra các công ty, trang trên Facebook (fanpage) có tên gần giống với các công uy tín để tăng thêm niềm tin cho các nạn nhân, sau đó cố tình đưa công việc không phù hợp với mục đích ban đầu của ứng viên để ép họ từ bỏ công việc và mất luôn số tiền đã bỏ ra. 

Thấy fanpage của Nhà sách Fahasa (thực chất là fanpage giả mạo, sử dụng logo giống của Fahasa) đăng tuyển nhân viên bán hàng, thu ngân, nhà kho, bảo vệ với mức lương 30.500 đồng/giờ (hoặc 7,5-9 triệu đồng/tháng), P.T.K.T. - sinh viên một trường đại học ở TP.HCM - liên hệ ứng tuyển. “Tôi tin đây là fanpage của nhà sách vì thấy cập nhật nhiều hình ảnh nhân viên nhà sách, lượng thành viên theo dõi cũng 4.500 người” - T. kể. 

T. được hẹn đến 336/2 Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TPHCM để phỏng vấn với yêu cầu chỉ cần đem bản gốc giấy chứng minh nhân dân. Đến nơi, T. không được phỏng vấn gì, chỉ được yêu cầu đóng 900.000 đồng gồm 600.000 đồng tiền đồng phục, 300.000 đồng tiền thẻ ngân hàng, thẻ nhân viên và hẹn 10 ngày sau gọi điện cho một người tên Quân để nhận đồng phục. Trong các biên nhận, chỉ có phiếu thu 200.000 đồng tiền quỹ trách nhiệm có dấu mộc đỏ của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ chất lượng cao Yuki Sepre 24, có địa chỉ tại H.Bình Chánh, còn lại, 300.000 đồng chuyển khoản và phiếu thu 400.000 đồng không ghi thông tin gì. 

Sau 10 ngày, T. liên hệ với Quân thì được yêu cầu đến Công ty Hoàng Bảo Long, số 587 Nguyễn Oanh, P.6, Q.Gò Vấp để gặp người tên Hoa lấy đồng phục rồi về Lotte Mart Gò Vấp làm bảo vệ. “Em phỏng vấn và xin làm nhân viên bán hàng của Nhà sách Fahasa Tân Bình. Trong giấy thỏa thuận và cam kết chung mà Công ty Dịch vụ bảo vệ Yuki Sepre 24 viết đưa em, nơi làm việc cũng ở Q.Tân Bình. Do không phải công việc em đăng ký nên em xin phép về liên hệ lại bên phỏng vấn thì bị fanpage chặn mất. Số tiền 900.000 đồng đối với sinh viên bọn em không phải nhỏ, do cần việc nên mới bấm bụng đóng” - T. bức xúc. 

Các phiếu thu mà T. nhận chỉ có một phiếu thu có dấu mộc của công ty. Và giấy cam kết ghi công nhận được nhận tại Tân Bình nhưng lại điều động T. qua Gò Vấp làm
Các phiếu thu mà T. nhận chỉ có một phiếu thu có dấu mộc của công ty. Và giấy cam kết ghi công nhận được nhận tại Tân Bình nhưng lại điều động T. qua Gò Vấp làm

Công ty TNHH Việc làm Tiến Lâm Phát ở số 62/1A Quốc lộ 1A, P.An Phú Đông, Q.12, TPHCM cũng mượn danh nghĩa CyberCore Gaming - hệ thống phòng game có tiếng - để đăng tin tuyển dụng khắp nơi với mức lương 7-11 triệu đồng/tháng, không mất phí trung gian. Khi đến phỏng vấn, ứng viên phải đóng khoảng 700.000 đồng tiền cọc, sau đó mới biết mình bị lừa. 

Doanh nghiệp lớn không tuyển nhân sự qua “cò”

Theo đại diện Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Việt Nhật Yuki Sepre 24, hiện đang có hàng trăm công ty dịch vụ bảo vệ mang tên Yuki Sepre 24. Công ty Việt Nhật Yuki Sepre 24 chỉ tuyển nhân viên bảo vệ, không tuyển các loại nhân viên khác, khi tuyển dụng cũng không thu bất kỳ khoản phí nào. 

Đại diện Nhà sách Fahasa cho biết, có rất nhiều fanpage giả mạo nhà sách này. Fahasa chưa hề đăng tuyển dụng nhân viên trên fanpage và không tuyển qua trung gian. Tương tự, đại diện các siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte Mart, Metro… cũng khẳng định không tuyển dụng qua đơn vị trung gian hay tuyển qua mạng xã hội Facebook, chỉ dán bảng thông báo tuyển dụng tại siêu thị. 

Ông Nguyễn Khắc Hiếu - Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM - cho biết, hội nhận được rất nhiều phản ánh của sinh viên về việc bị lừa đảo khi tìm việc, bị bắt đóng đủ loại phí hoặc đưa vào các công ty bán hàng đa cấp, sau đó tìm cách thuyết phục sinh viên bỏ ra 8-10 triệu đồng để mua hàng về bán. 

Một điểm chung của các công ty tuyển dụng lừa đảo là thường nhắm đến các sinh viên cần việc bán thời gian, giờ giấc linh hoạt. Các vị trí tuyển dụng thường là nhân viên bảo vệ, quẹt thẻ giữ xe, giữ đồ tại siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, bán các mặt hàng mỹ phẩm cao cấp, sữa, cộng tác viên nhập dữ liệu, nhân viên bốc vác hàng nhẹ, nhân viên rạp chiếu phim. Thông tin rao tuyển không có gì ngoài tên công việc, mức lương, số điện thoại liên hệ, không có thông tin cụ thể nào. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng lừa đảo chỉ thuê phòng trong tòa nhà lớn để làm văn phòng. Sau khi lừa được kha khá sinh viên, họ sẽ trả văn phòng, đi tìm chỗ khác hoặc sau một thời gian, sẽ quay lại. 

Đặc biệt, số tiền mà các công ty tuyển dụng lừa đảo này thu từ sinh viên đều từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Do số tiền không quá lớn nên các nạn nhân khi phát hiện mình bị lừa thường ngại tố cáo với cơ quan chức năng. Với số tiền lừa đảo này, thủ phạm cũng khó lòng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự. 

Dấu hiệu phân biệt fanpage thật, giả

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - việc giả mạo fanpage của các tổ chức uy tín rất dễ. Facebook đã nghĩ ra “dấu stick xanh da trời” để cấp cho các công ty, tổ chức, cá nhân, đoàn thể đã đăng ký với Facebook thông tin về mình, được xem như một chứng nhận đây là trang chính thức của cá nhân, tổ chức. Do đó, nếu thấy fanpage nào lấy tên các tổ chức, công ty lớn tuyển dụng mà không có dấu stick xanh thì nên thận trọng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI