Vẫn còn đây nửa mặt người…

10/04/2017 - 20:24

PNO - Vũ Bằng để lại một gia tài văn chương báo chí đồ sộ mà người ta thường hay nhắc nhiều nhất là siêu phẩm "Thương nhớ mười hai".

LTS: Những giằng dưa chưa có hồi kết về bản gốc các ca khúc một thời, đang khiến lòng người phân tâm do căn bệnh phán quyết kiểu hành chính về nghệ thuật. Nhưng đôi khi thà như thế còn hơn là im lặng trong minh định về một số phận, để kẻ trong cuộc phải sấp ngửa đau thương.

Có những chuyện đã qua rồi, nhưng niềm đau còn đó, như gió bấc rin rít trong từng ống xương; không còn là nước mắt, chỉ có những quầng sáng tối giao nhau, như bàn tay vừa níu vừa buông. Tâm tình của con trai nhà văn, nhà tình báo chiến lược Vũ Bằng về bố mình, dùng dằng một nỗi u hoài…

Van con day nua mat nguoi…
Ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai nhà văn Vũ Bằng

“Xin lỗi, có phải nhà bác Vũ Hoàng Tuấn không?”. “Chính moa!”. Câu trả lời như chực chờ, vừa thân thiện vừa lành lạnh, gọn và… hẹp như mảnh sân chưa đủ một sải bước. Tiếng chó sủa dài từ nhà vọng ra, gay gắt. Ông quay lại quát: “Mày có im đi không? Tao đã…”. Vĩ ngữ tôi không tiện dẫn ra, không phải nó bất nhã, mà là cay đắng như những mẩu đối thoại trong văn Nam Cao, hoặc sau này của Nguyễn Huy Thiệp.

Ông nặng nề ngồi xuống. Phòng khách chỉ rộng chừng 5m2, chiếc tủ gương lớn vô thiên lủng đồ dùng như choán hết. Ông hút. 82 tuổi rồi, bệnh tim, không đúng, có đến bốn bệnh, vẫn thuốc lá, hình như nó là liệu pháp để cưỡng lại những cơn gió bấc phương Bắc xa xôi âm thầm và cay nghiệt rúc luồn bao đêm trong ông. Tôi  ngó ông và  phóng cái nhìn theo hành lang sau lưng chiếc tủ. Ngổn ngang và ám tối. Hình như chỉ có chỗ này thôi là sáng.

Gương mặt ông, kính cận dày cộp được phủ bởi tóc bạc không còn chỗ để bạc, đường nét  hình như giống mẹ, bà Nguyễn Thị Quỳ mà tôi có dịp ngó qua ảnh, hơn là giống ông bố Vũ Bằng, và dù không cố phải vận vào, nhưng nhìn nghiêng, một mảng tối hắt lên lúc ẩn lúc hiện, tôi chờn chợn. Lại nhớ ngay bức chân dung Vũ Bằng do Tạ Tỵ vẽ trong Mười khuôn mặt văn nghệ với một con mắt, thòng theo đường kéo cong như nước mắt chảy từ khóe đuôi, phần trên trái bỏ trống, nửa tỏ nửa mờ.

Tất nhiên ký họa mà, nhưng ở những tay vẽ có hạng, chỉ cần một nét là nhốt được thần thái... Sao tất cả ở họ và không gian này, như là mảnh phim được ghép âm bản lẫn dương bản? “Tôi biết nói gì với anh bây giờ?”. Sách, báo, diễn đàn, cả đau đớn lẫn tôn  vinh, chia sẻ lẫn ca tụng về nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng đầy oan khiên, khá nhiều. Ông Tuấn cũng viết không ít về bố mẹ mình. Nhưng, thà  tôi gặp bóng tối, hoặc quầng sáng tâm tư,  đằng này… 

Van con day nua mat nguoi…
Nhà văn Vũ Bằng và vợ là bà Nguyễn Thị Qùy.

“Anh uống nước đi, à, mà tôi đã rót nước chưa nhỉ, tuổi già chán quá, anh có nhớ Honoré de Balzac nói rằng cái tai tôi giờ ai cho tiền thì nghe, còn vay tiền thì không? Tôi giờ thế đó, lúc nhớ lúc quên”. Ông cười nhẹ, rồi tiếp rằng ông cụ ngày xưa tiếu lâm lắm, anh có biết phương Tây bây giờ nó thích chọn người thông minh và khôi hài không? Đó là mẫu người hiện đại. Ông lại cười, thoắt ôm ngực “tôi xin lỗi, lạnh quá”. Đang nắng nóng.

Hai giờ ngồi với ông, bốn lần ông như thế, tay giữ lấy ngực. Bệnh tim. Nó thình lình, nhưng có lúc nổi lên sau những trường đoạn ông nói về bố mẹ, nỗi cay đắng mà đến khi đầu bạc, ông vẫn như cố kìm. Lại bốn lần ông nói một câu tiếng Pháp rồi dịch, rằng, có những sự thật không bao giờ nói ra, thôi anh ạ, cũng chẳng được gì, và ngay cả lúc tiễn tôi ra cổng, ông lại nhắc.  

“Năm 1981, bác vô gặp ông cụ, lúc đó ra sao?”. Tôi đọc người ta viết về Vũ Bằng, nhưng nhớ nhất vẫn là Tạ Tỵ viết rằng, dưới chân cầu Tân Thuận, để nuôi gia đình, cứ 3g sáng là ông đi hứng nước đổ vào bể chứa để giặt giũ, nấu cơm, một mình một bóng viết Bốn mươi năm nói láo. Trưa, ở cây xăng Cống bà Xếp, ông ngồi giữa mùi xăng và dầu mỡ, lại viết, mà mỗi lần nhớ, tôi lại hình dung mồ hôi lã chã trên trang giấy, lem nhem vào chữ, thỉnh thoảng ông lại đưa tay quệt, tựa phu dịch đang kéo xe giữa trưa. “Nhà văn An Nam khổ như chó” (Nguyễn Vỹ). 

Van con day nua mat nguoi…
Nét vẽ khắc họa chân dung Vũ Bằng của Tạ Tỵ và thủ bút của nhà văn.

- Lúc đó, biết bố có vợ và sáu người con sống nheo nhóc bên Khánh Hội, tôi kinh ngạc, kiểu này làm sao bố sống nổi chứ? Ông Tô Hoài đến chơi, nói nhà của ông Vũ Bằng trơ như đít bụt! 

- Giống Vũ Trọng Phụng, như Vũ Bằng thuật lại, rằng, lúc sắp chết ước nếu bây giờ ai cho tôi một miếng thịt bò thì tôi còn sống thêm được… 

- Ừ, khổ kinh khủng. 

- Hẳn, đằng đẵng lúc bố con ông gặp nhau sau 26 năm kể từ bữa chia tay trên cảng Hải Phòng mà từ đó gia đình ông bắt đầu giông gió đọa đày, niềm riêng giữa bố và con chắc là chất chồng?

- Không, bố tôi không nói gì về nghề văn lẫn  nhiệm vụ tình báo. Xưng hô bố con là “moa” và “toa”, cụ chỉ nói rằng “Moa cảm ơn mẹ toa đã nuôi nấng toa trưởng thành. Moa thương toa, mà thôi, đó là số phận”. Tôi cố gạn lần nữa. “À, cụ nói “văn dĩ tải đạo”. Cái đạo này là dân tộc, trời đất, quốc gia, nhân dân, tuyệt nhiên không vì chính trị. 

- Nhưng cụ làm tình báo?

- Điều này phải minh định cho rõ. Cụ là tình báo chiến lược, chịu lắm cay đắng, nhưng xin lưu ý Vũ Bằng là nhà văn cô đơn, lãng mạn và phiêu lưu. Điều ông sợ nhất là thiên hạ nói ông xu thời, vì thế những năm ở Sài Gòn, cụ sống ngay thẳng, dù chơi đủ hạng người. 

- Có mâu thuẫn giữa nhà văn vốn sống chết vì sáng tạo và con người chính trị?

- Không, những nhà văn lớn, tinh thần dân tộc là trùm lên tất cả. Thế hệ bố tôi, tôi chưa gặp Nguyễn Công Hoan, còn lại, lúc  kháng chiến, tôi đã gặp hết, phần lớn họ chỉ nghĩ đến dân tộc, theo cách mạng cũng vì dân tộc. 

Văn đàn thế giới đã ghi nhận không ít người kiêm nghề tình báo, mà Hemingway là ví dụ, ông làm tình báo cho Nga rồi Mỹ, với mác phóng viên chiến trường, và cũng chính vì thế, khi tham  gia nội chiến Tây Ban Nha, ông gom tư liệu để viết bộ Chuông nguyện hồn ai

Phải chăng cái nghề lấy tin, tiếp cận hang ổ thông tin, sẽ giúp lắng lại trong họ thêm cái nhìn sâu sắc với đời, để nó đi vào trang văn, chiết xuất thành niềm đau và  yêu đời hơn? “Cụ tôi là người tử tế, tôi dám nói như vậy, dù thời nào, làm gì, như người ta nói nhân vật Hoàng trong đôi mắt Nam Cao là ông, thưa, dứt khoát không phải, cụ là chàng trai Hà Nội, lịch lãm, đàng hoàng, còn cái gọi là hoàn cảnh điển hình tính cách điển hình mà lý luận văn học một thời hay nói, anh lạ gì, nó bắt vít đóng đinh người viết, người đọc lắm khi thô thiển. Vào Nam, bạn bè rủ đi nước ngoài, ông không đi, cũng chẳng sống luồn cúi, viết báo là chửi thẳng…”.

***

“Bánh mì đây”. Tiếng rao vẳng sau vách tường. “Xin lỗi, chờ tôi mua ổ bánh mì ăn trưa. Không ngờ cuối đời phải áo cơm thế này”. Ông  chậm chạp ra cửa. Buồn như ly trà nguội đang ngước nhìn tôi. Văn chương cũng như phận người, đa phần ở đời là bạc. Tôi nói ý đó, khi ông quay vào. “Ừ, đời nó khinh bạc lắm”.

Vũ Bằng mất năm 1984, đến năm 2000 mới có chứng nhận từ Bộ Quốc phòng rằng ông làm tình báo. Nhưng năm cuối đời, có xác nhận của ông đại tá Trần Văn Hội là chỉ huy của ông, ông bèn đưa xuống phường, người ta gạt đi. “Cụ ức, rồi mất không lâu sau đó”. 

Ở đây, tôi có lời xin lỗi ông Tuấn, vì ông dặn thôi chi tiết này anh đừng đưa vô, nhưng tôi không thể dừng. Sự lạnh lùng, vô cảm, dửng dưng, sức công phá không thua bom mìn.

Cắn răng âm thầm trong đau thương rồi chết trong cơ cực đói nghèo như ông Vũ Bằng, như bà Quỳ vợ ông bị quy có chồng dinh tê phản động, chết năm 1967 trong chiều mưa Hà Nội mà thèm chanh muốn con mua vài quả để ăn lần cuối con cũng không đủ tiền để mua, mang xuống tuyền đài nỗi đau không lời cắm sâu hoắm trong tim không dám nói chồng theo cách mạng bởi nguyên tắc tình báo; như ông Tuấn con trai, vì có bố là “phản động” nên không được bố trí công tác đúng với năng lực, không được vô Đảng, dạt từ tỉnh này sang bộ nọ, trường này qua lớp nọ; như nhà của gia đình họ tại số 11 phố Hàng Da, Hà Nội bị tước đoạt…

Tất cả sưng tấy, vỡ mủ, rồi khô nhưng không kín miệng, nó lặng đi, lúc đỏ lúc đen, lúc chìm lúc nổi, dày vò chát đắng, sụt sùi đòi đoạn, dìm chết cả một gia đình, hai thế hệ, lê thê, đến  khi “được vạ thì má đã sưng”.

Dù Nhà nước đã ghi công bằng huân chương kháng chiến, rồi Vũ Bằng nhận giải thưởng Nhà nước về VHNT, nhưng nếu như không có chuyện ông Tuấn, ông Trần Văn Hội và vài người nữa cũng là văn nhân lúc đó quyết rửa tiếng oan, truy tìm cho ra hành tung xác thực của ông Vũ Bằng trong những ngày tháng âm thầm ở Sài Gòn trước 1975, thì oan khiên này kéo dài đến bao giờ?

Vì thế, ở những khuất lấp từ phận đời của những ai đã dấn thân cho đại nghiệp mà bóng mờ đang che phủ, hơn tất cả những tuyên xưng, thì hãy có trách nhiệm “trả lại tên cho em” nhanh nhất, đó là cách ghi công họ lớn nhất, an ủi linh hồn họ, mà quan trọng hơn, là rọi lên mảng sáng ở gương mặt người còn sống, bởi liệu bây giờ đã hết chưa những ai như Vũ Bằng và bi kịch đớn đau như gia đình ông ở một đất nước mà 20 năm chia cắt là mảnh vỡ đôi bờ đôi ngả đến giờ còn rướm máu? Lịch sử vốn sòng phẳng, nhưng lịch sử cũng do người làm nên, sự sòng phẳng chỉ có được ở những người sòng phẳng…

Căn phòng, ngó kỹ lại, không xám lạnh. Trên tường, bên phải là bức ảnh hồ Gươm mờ trong sương sớm do nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp, ký tặng. Ngay sát vách trên trái từ cửa bước vào, là bức thư pháp chữ Tâm, và kỳ lạ là ngay bên dưới treo một thanh gươm vỏ xám kiểu gươm cổ.

“À, cây kiếm đó học trò mang từ nước ngoài  tặng, tôi treo nó dưới chữ Tâm, hàm ý rằng, nhà này có chết cũng phải bảo vệ nhân cách”. Lại một phút lặng trôi qua. Tôi ngó đôi mắt ông, lúc đó bừng lên, không hẳn là phẫn nộ, mà như một tuyên bố. Nó như là gạch nối tiếp, gọi tên cho nỗi cô đơn dậy sóng trong lòng ông, một thầy giáo dạy văn, vốn mang trong máu nghiệp dĩ văn chương của bố.

Ở tuổi qua bát thập, mọi sự lẽ ra như mây vân cẩu, bể dâu, như trò đùa của phận đời, thế nhưng không thể khác, cơn gió “vạn lý đau thương” vẫn vần vò trong lồng ngực, trong giọng nói đã quá mệt mỏi của ông. Nửa đời còn lại, ông gắn bó với Sài Gòn, như bố ông vậy, và  ông nói, vẫn không thôi nhớ thương Hà Nội.

Bao năm rồi, hàng trăm hàng triệu thương nhớ chứ không phải “mười hai” thương nhớ, dành cho quê xứ xa xôi, mà bây giờ về lại Hà thành, theo ông, lại không có nơi nào đón đợi, chỉ có cô đơn, bơ vơ. 

Vũ Bằng để lại một gia tài văn chương báo chí đồ sộ, mà người ta hay nhắc nhiều nhất là siêu phẩm Thương nhớ mười hai. Phải chăng “có những niềm riêng làm sao nói hết” mà ông Tuấn cứ căn dặn  tôi, là thứ thương nhớ mười ba, mười bốn,  là  âm ỉ buốt đau ngày dài đêm thâu rúc liên hồi trong lồng xương ống máu ông?

Đừng giảm nhẹ cơn đau, hãy gọi đúng tên của nó, bởi đó là cách tốt nhất để không phải tạo  nên những cơn đau khác. “Tôi xin anh giúp một việc, là làm sao giúp tôi bán bản quyền của bố tôi, còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, để tôi giữ lại một ít ma chay trong nhà, rồi chia cho các em bên Khánh Hội, cực lắm…”. 

Tôi ra cửa, nhớ Tạ Ty hạ câu cuối trong bài “Vũ Bằng, người trở về từ cõi đam mê”, khi nói về cái đói khổ của ông, cái khổ của người đã mài máu mình mà viết, mà sống: “Đó là cái khổ của Vũ Bằng, cũng là cái may cho văn học Việt Nam”…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI