Văn chương và nguồn cảm hứng từ những đứa trẻ trong nhà

07/07/2023 - 07:01

PNO - Có không ít sáng tác khởi nguồn cảm hứng từ con cái, những đứa trẻ trong gia đình. Nhiều tác phẩm được trao giải thưởng, bạn đọc yêu thích, lan tỏa và trở thành những tác phẩm có giá trị của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Lưu giữ ký ức cho con 

Trong một buổi giao lưu mới đây, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc chia sẻ xúc động khi nói về con: dù đã xuất bản hàng chục đầu sách nhiều thể loại nhưng với anh, sự ra đời của con mới là điều ý nghĩa nhất. Con gái anh (bé Mì, Lê Minh Quốc Ấn) trở thành nguồn cảm hứng sáng tác mới, đầy cảm xúc mỗi ngày cho ông bố - nhà thơ đã ngoài tuổi 60. Chào thế giới bây giờ con đã đến, tập thơ nhờ có con mà trang viết của Lê Minh Quốc đã được trao giải C - giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020. Cuốn sách Từng ngày ba mẹ thở theo con phát hành gần đây của anh cũng là những trang viết tràn ngập tình yêu thương dành cho con, cho gia đình nhỏ.

Một số tác phẩm khởi nguồn cảm hứng từ “những đứa trẻ trong nhà” được trao giải thưởng văn chương thời gian qua
Một số tác phẩm khởi nguồn cảm hứng từ “những đứa trẻ trong nhà” được trao giải thưởng văn chương thời gian qua

Từ khi có con, nhà văn Văn Thành Lê (tác giả của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi: Trên đồi, mở mắt, và mơ; Bên suối, bịt tai nghe gió…) bắt đầu sáng tác thơ cho con với những cảm xúc, vần điệu rất dễ thương, ý nghĩa. “À ơi con ngủ giấc mềm/ Trong mơ có nắng bên thềm nở hoa/ Ngoài kia muôn nẻo gần xa/ Chờ chân con bước vỡ òa nhịp vui”, “Từ trang sách nhỏ/ Mở ra đất trời/ Nắng mưa vẫy gọi/ Gió từ biển khơi…”, “Như dòng sông thì chảy/ Về với biển mênh mông/ Những giấc mơ cầu vồng/ Sẽ theo Lim mà lớn…”. Nhiều bài thơ anh sáng tác đã in báo, được nhạc sĩ Hoàng Lương phổ nhạc: Ông mặt trời đi học, Từ trang sách nhỏ…

“Nghĩ về con và viết cho con cũng là cách tôi trò chuyện với con và tập làm cha, tập trưởng thành hơn, một cách gián tiếp. Tôi hình dung viết như là cách ghi nhật ký hay lưu lại những khoảnh khắc bằng ngôn ngữ để có “album chữ” cảm xúc và trong veo. Sau này con có thể lật giở và nhận ra, à, mình đã được sinh ra và bắt đầu lớn lên như thế” - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ. 

Giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TPHCM năm 2022 trao cho tập truyện Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào của nhà văn Võ Thu Hương. Tác phẩm gồm nhiều mẩu chuyện về thế giới tuổi thơ, gần gũi với trẻ nhỏ. Nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ một phần chất liệu sáng tác tác phẩm này được chắt lọc từ những câu chuyện đời thường của con gái chị - bé Bống - và bạn bè của con ở xóm, ở trường. 

“Tôi thích trò chuyện với trẻ con, với những thầy cô giáo và cả những bố mẹ thích kể chuyện con mình. Đó quả là kho báu đề tài, cảm hứng cho người viết, bởi tôi tự thấy tưởng tượng của mình không hay ho bằng những câu chuyện từ cuộc sống mà mình lắng nghe được từ thế giới trẻ thơ” - nhà văn Võ Thu Hương bày tỏ. Trước đó, chị cũng có tập tản văn Cảm ơn một khúc bình yên với những trang viết cảm động về các con và những câu chuyện về sự sẻ chia, tình yêu thương trong gia đình. 

Giá trị vượt thời gian 

Nguồn cảm hứng từ những đứa trẻ trong nhà trong tác phẩm của các nhà văn không đơn thuần chỉ là những câu chuyện kể theo cách viết trần thuật hay chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Các tác phẩm chuyển tải và gửi gắm nhiều thông điệp, giá trị lớn lao hơn thông qua những diễn ngôn của văn chương; cũng như những trang viết giàu mỹ cảm, bay bổng với sự hư cấu, sáng tạo của người cầm bút. 

“Quan sát đời sống văn học có thể thấy nhiều người viết lấy cảm hứng từ chính con mình, song mỗi người lại có những cách tiếp cận, thể hiện khác nhau. Đọc những trang viết ấy luôn khiến tôi xúc động; bởi nhà văn dù có trí tưởng tượng phong phú nhưng những cảm xúc chân thành từ tình cảm gia đình, được viết về chính những người thân yêu của mình luôn truyền những cảm xúc đặc biệt hơn, gần gũi, ấm áp hơn và gửi gắm nhiều tình yêu thương. Những tác phẩm ấy mang lại sự đa dạng cho văn học thiếu nhi và hình thành nên một mảng đề tài thú vị, không kém phần hấp dẫn” - nhà văn Phong Điệp nhìn nhận. Chị cũng có tác phẩm lấy cảm hứng từ con gái: Nhật ký Sẻ Đồng (gồm các tập: Nhật ký Sẻ Đồng: Chào em bé!, Những rắc rối ở trường mầm non Bố là bố thôi). Với chị, đây là tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt vì đã lưu lại những ngày tháng đầu đời của con bằng những trang sách. 

Những cuốn sách viết về trẻ nhỏ trong nhà không chỉ là chuyện kể trong gia đình mà trở thành những tác phẩm có giá trị cho văn đàn. Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (giải B - giải thưởng Sách Quốc gia năm 2021) của nhà văn Nguyễn Quang Thiều là một trong số đó. Câu chuyện tưởng như là riêng tư trong gia đình nhà văn lại gợi bao điều về giềng mối gia đình, quan hệ xóm làng, văn hóa dòng họ, tình yêu dành cho quê hương, đất nước… 

“Không khó để dẫn ra những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng thế giới được bắt đầu, khởi đi từ những cô bé/cậu bé trong nhà của những nhà văn tên tuổi. Chẳng hạn như Pippi Tất Dài của nhà văn Astrid Lindgren. Ở Việt Nam cũng không hiếm, nổi bật có thể kể đến các sáng tác cho thiếu nhi của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tôi nghĩ, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể là hình tượng nhân vật trong một tác phẩm văn học nào đó và bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể trở thành tác giả, quan trọng là họ có muốn viết ra hay không và viết như thế nào mà thôi” - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI