Nhà văn Trần Tùng Chinh: "Tôi thích kể những câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên"

04/07/2023 - 18:58

PNO - "Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Tùng Chinh. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi viết về giảng đường đại học.

Nhà văn Trần Tùng Chinh (hiện là giảng viên Ngữ văn, Trường đại học An Giang, ĐHQG TPHCM) là một trong những cây bút nổi bật của An Giang, bên cạnh các nhà văn Võ Diệu Thanh, Lê Quang Trạng... Anh từng xuất bản nhiều tác phẩm văn học có bối cảnh văn hóa quê nhà và cũng từng được trao nhiều giải thưởng văn chương: giải Nhất truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long, giải C của Liên hiệp Văn học nghệ thuật toàn quốc...

Các tác phẩm đã in của nhà văn Trần Tùng Chinh: Mùa thu vàng mưa nắng, Mùa mưa ở lại, Thủ Khoa, Bâng quơ trên núi, Trại mùa xuân, Phố Hiền, Bên giếng nước, Chuyến xe ngựa về Bảy Núi, Bộ truyện Ba kể con nghe, Ba trái tim của bé Bạch Tuộc…Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào (nhà xuất bản Kim Đồng) là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Tùng Chinh. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi của văn học Việt hiện nay viết cho lứa tuổi sinh viên với những câu chuyện về giảng đường đại học.

Gắn bó với giảng đường cùng các thế hệ sinh viên đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ bút nhóm Đồng Xanh, nhờ thế nhà văn Trần Tùng Chinh đã có nhiều chất liệu, cảm xúc cho trang viết dành cho lứa tuổi này. Những câu chuyện được viết trong tác phẩm được khai thác chất liệu thật, chân thực, giàu cảm xúc cùng với sự chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương mà nhà văn đã dành cho lứa tuổi đẹp nhất đời người.  

Nhà văn Trần Tùng Chinh:
Nhà văn Trần Tùng Chinh: "Tôi thích kể những câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên của một lứa tuổi đẹp nhất đời người" - Ảnh: NVCC

* Phóng viên: Chúc mừng nhà văn Trần Tùng Chinh vừa ra mắt tác phẩm Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào! Tựa sách gợi nhiều cảm xúc về tuổi thanh xuân mơ mộng, còn với nhà văn, cảm xúc của anh thế nào khi viết tác phẩm này?

Nhà văn Trần Tùng Chinh: Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào tập hợp các truyện ngắn tôi viết ở nhiều thời điểm khác nhau trong môi trường học đường mà tôi đang giảng dạy. Điểm chung là mỗi câu chuyện đều là những cảm xúc trong veo dành cho học trò mình, cho 2 cô con gái đang tuổi teen, và tất nhiên có cả những ký ức tươi đẹp của một thời thanh xuân đã qua của tôi.

* Đọc tác phẩm cảm giác như đây cũng là cách mà người thầy thay học trò mình lưu lại ký ức trên trang viết. Phải chăng những câu chuyện trong sách cũng đều là những câu chuyện có thật từ học trò anh?

Tất cả các câu chuyện đều là từ cuộc sống thật với góc nhìn của một thầy giáo, một chủ nhiệm Câu lạc bộ văn thơ của trường, một người bạn lớn của sinh viên. Tôi làm việc cùng các bạn, tổ chức và tham gia các hoạt động nơi giảng đường cùng các bạn. Và niềm vui được nhìn ngắm, quan sát cách các bạn học tập, vui chơi, sinh hoạt bút nhóm, học Quốc phòng, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh…

Tôi cảm nhận cách các bạn bộc lộ cảm xúc về tình thầy trò, trường lớp, tình bạn, tình yêu với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Rồi cứ thế, tôi đặt bút lên trang viết để kể câu chuyện của các bạn mà thôi.

“Trở thành sinh viên, bạn tự do thể hiện, tự do lựa chọn con đường phía trước, tìm kiếm tình yêu và bộc lộ cảm xúc. Dù đúng hay sai, khi thành thật với trái tim mình, sẽ chẳng bao giờ bạn phải hối tiếc” - trích bìa 4 tác phẩm. Ảnh: Đinh Lê Vũ
“Trở thành sinh viên, bạn tự do thể hiện, tự do lựa chọn con đường phía trước, tìm kiếm tình yêu và bộc lộ cảm xúc. Dù đúng hay sai, khi thành thật với trái tim mình, sẽ chẳng bao giờ bạn phải hối tiếc” - trích bìa 4 tác phẩm - Ảnh: Đinh Lê Vũ

* Lãng mạn, dễ thương, trong trẻo… là những gì có thể cảm nhận được khi đọc Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào. Nhưng có vẻ như nhà văn đã đặt “điểm nhìn” màu hồng mà bỏ qua một chiều kích khác về những điều mà tuổi trẻ hôm phải đối diện, phải vượt qua?

Khi viết về các bạn trẻ hôm nay, tôi cũng có suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Với lợi thế của một thầy giáo viết văn, tôi có môi trường học đường để gần gũi, quan sát và thấu hiểu các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên với đủ mọi vấn đề đa dạng và cả phức tạp.

Cuộc sống nói chung và trong phạm vi trường học nói riêng có rất nhiều vấn đề như vậy, nhưng thay vì tập trung vào những mảng màu tối, những mặt trái của đời sống học đường, tôi lại thích kể những câu chuyện trong trẻo, hồn nhiên của một lứa tuổi đẹp nhất đời người với những tình cảm trong sáng, đáng yêu. Đơn giản vì đó là sở trường và ý thích cá nhân.

Tôi nghĩ sẽ có những nhà văn viết tốt về điều đó hơn, vậy nên tôi quay về với góc nhìn và cách thể hiện mà mình tự tin nhất. Hơn nữa, cuộc sống cũng cần những mảng màu tươi sáng để khơi gợi, để đánh thức những xúc cảm đẹp nhất của tâm hồn con người - nhất là những người đang có một thời học trò tươi xanh và cả những ai đã từng có những tháng ngày thanh xuân lãng mạn dễ thương, nhưng vì áp lực của “giai đoạn trưởng thành”, họ đã đánh rơi phần hồn nhiên trong trẻo của mình đâu đó trên đường đời tấp nập…

Gắn bó, chia sẻ và thấu hiểu học trò của mình, nhà văn Trần Tùng Chinh đã đưa vào trang viết những cảm xúc chân thật, dễ thương về tuổi trẻ
Sự gắn bó, chia sẻ và thấu hiểu học trò của mình đã cho nhà văn Trần Tùng Chinh nhiều cảm xúc, chất liệu để đưa vào trang viết - Ảnh: NVCC

* Nhiều ý kiến nhận định rằng, hiện nay có rất ít tác phẩm văn học Việt viết cho tuổi thành niên, học sinh - sinh viên. Với anh, viết về tuổi thanh xuân có điều gì thuận lợi? Và nếu nhìn rộng ra, anh nghĩ điều gì thử thách nhà văn nhất trong việc chinh phục bạn đọc trẻ với những câu chuyện về mái trường?

Câu hỏi của bạn thật hay và cũng thật khó… Có vẻ như các bạn tuổi thanh niên, học sinh - sinh viên vẫn đang mong đợi những tác phẩm hay, chạm đúng điều các bạn đang cần đọc, muốn đọc và thích đọc mà các nhà văn của mình vẫn chưa đáp ứng được điều này. Tôi nghĩ điều thuận lợi với mình khi viết về tuổi thanh xuân là mình có điều kiện sống và làm việc trong môi trường học đường, đắm mình trong không khí rất trẻ của các bạn trẻ…

May mắn là tôi được các bạn sinh viên tin cậy và yêu quý, nên khoảng cách thế hệ hầu như được rút ngắn. Biết lắng nghe, thấu hiểu, và luôn đặt mình vào vị trí của các bạn trẻ để chia sẻ, đồng hành; tránh phán xét và cái nhìn định kiến... cũng là cách để mình gần gũi hơn với thế giới của các bạn.

Ngoài trang sách, tôi là người thầy sẵn sàng cùng các bạn trẻ đối diện với các vấn đề thử thách thậm chí phức tạp, nhưng trên trang viết tôi lại muốn hướng đến những gì tươi sáng, trong trẻo, thiện lành, để gìn giữ những gì đẹp nhất của lứa tuổi đẹp nhất đời người này.

* Gắn bó với mái trường, với học trò cũng là chất liệu quý cho sáng tác. Anh có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục khai thác đề tài này, tạo dấu ấn riêng với những tác phẩm viết cho học sinh - sinh viên?

Gắn bó với mái trường, với học trò là một lợi thế để viết về lứa tuổi này; nhưng cũng là một khó khăn khi công việc trường lớp, giảng dạy, nghiên cứu và cả những việc ngoài chuyên môn quá nhiều, thậm chí “quá tải”. Vậy nên, viết văn chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi, kiểu như một công việc “tay trái”, điều này làm cho tôi cảm thấy tiếc vì chưa có sự đầu tư xứng đáng cho đề tài này, cho lứa tuổi này.

Hy vọng và cố gắng để đồng hành trên trang viết dành cho học trò là điều tôi luôn có ý thức khi cầm bút, nếu có được dấu ấn riêng như các cây bút đàn anh viết về đề tài này, thì thật là may mắn và hạnh phúc.

Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào cũng là món quà anh dành tặng cho con gái
"Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào" cũng là món quà anh dành tặng cho học trò và con gái của mình - Ảnh: NVCC

* Ở vai trò là một người thầy, một người đã đi qua “cơn mưa rào năm ấy” từ rất lâu, điều tâm đắc, ý nghĩa nhất cho hành trang vào đời mà anh muốn trao gửi đến bạn trẻ hôm nay là gì?

Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất đời người, các bạn hãy sống hết mình, thể hiện hết những gì mình có, dù có sai lầm hay thất bại thì đó cũng là một phần không thể thiếu của hành trình. Điều đó cũng có giá trị và ý nghĩa tương đương với sự thành công, với sự đúng đắn trong lựa chọn hướng đi.

Và bên cạnh các bài học mà các bạn trẻ có từ trường lớp, thì bạn hãy cố gắng hoàn thiện mình bằng lối sống lương thiện, tử tế, giàu tình yêu thương và sự bao dung. Cứ thế mà tự tin vào đời, bạn sẽ trưởng thành theo cách của mình.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Cầm Thi (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI