Vạch mặt đường dây lừa đưa người đi lao động khổ sai: Cơ quan quản lý lao động nói gì?

25/10/2017 - 09:24

PNO - Theo điều tra của phóng viên, hai công ty Tâm Đức Lộc và Đức Hoàng từng liên tục bị người lao động tố cáo, bị đình chỉ hoạt động, nhưng đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại và sử dụng chiêu trò để lừa người lao động.

Nhiều vụ việc bị “chìm xuồng”

Theo điều tra của chúng tôi, Công ty (CT) Tâm Đức Lộc (tên đầy đủ là CT TNHH Giới thiệu việc làm và cung ứng lao động Tâm Đức Lộc, đóng ở thị trấn Nam Ban, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) và CT Đức Hoàng (CT TNHH Dịch vụ môi giới việc làm Đức Hoàng, đóng tại xã N’Thol Hạ, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã từng bị người lao động (LĐ) liên tục tố cáo lừa đảo, từng bị cơ quan chức năng xử phạt.

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Co quan quan ly lao dong noi gi?
Loạt phóng sự của phóng viên báo Phụ Nữ về công ty Tâm Đức Lộc và công ty Đức Hoàng lừa đảo người lao động.

Vào năm 2016, người đàn ông tên Tuấn đăng tin tuyển dụng làm hoa tại Lâm Đồng với mức lương 6 triệu đồng/tháng, nhưng khi đến Lâm Đồng, các LĐ bị đưa vào CT Tâm Đức Lộc môi giới đi làm việc mới mức lương chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. LĐ nào không đồng ý thì bị buộc phải trả 1,2 triệu đồng tiền môi giới và 500.000 đồng tiền xe mới cho về, đành phải gọi điện cho người nhà mang tiền đến chuộc thân, đồng thời tố cáo vụ việc với công an. 

Ngoài điều tra đối tượng “cò”, công an còn xác minh CT “ma” lấy địa chỉ trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng (số 4 Trần Hưng Đạo, TP.Đà Lạt) làm địa chỉ giao dịch để lừa đảo người LĐ. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua, CT Tâm Đức Lộc vẫn ngang nhiên tồn tại và cấu kết với người tên Tuấn để lừa người LĐ.

Trong khi đó, CT Đức Hoàng cũng là một doanh nghiệp môi giới LĐ nhiều tai tiếng. Năm 2011, CT Đức Hoàng đã môi giới em Đ.V.D. (16 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Định) đi hái cà phê cho ông Lê Văn Bảy (ngụ tại xã Ninh Loan, H.Đức Trọng). Trong thời gian làm việc, D. đã bị cha con ông Bảy đánh trọng thương, phải nhập viện. Công an H.Đức Trọng đã điều tra và yêu cầu tước giấy phép của CT Đức Hoàng.

Đến năm 2012, CT Đức Hoàng tiếp tục liên kết với “cò” LĐ về tỉnh Phú Yên tuyển LĐ lên tỉnh Đắk Lắk. Có 26 LĐ bị “cò” lừa đến CT Đức Hoàng để đưa đi làm việc nặng nhọc với mức lương bèo bọt. Khi người LĐ không làm nổi, xin về thì bị CT Đức Hoàng bắt trả 1,8 triệu đồng. Qua xác minh, công an xác định CT Đức Hoàng có dấu hiệu lừa đảo, nhưng đến nay, không hiểu sao các vụ việc này đều bị “chìm xuồng”. 

“Có chứng cứ, chúng tôi xử lý ngay”

Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn LĐ - Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng. 

- Những ngày qua, Báo Phụ Nữ TP.HCM liên tục nhận được phản ánh về việc CT Tâm Đức Lộc có dấu hiệu lừa đảo trong tuyển dụng LĐ, ông có biết gì về việc này?

Khi phóng viên trưng ra việc hai công ty Tâm Đức Lộc và Đức Hoàng ép người lao động viết giấy nợ với số tiền 2,3 triệu đồng dù chưa nhận được việc làm, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng rất ngạc nhiên, đồng thời khẳng định: “Đó là một hình thức bóc lột, chèn ép người lao động khi người ta cơ nhỡ. Nếu phát hiện có trường hợp đó, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với công an làm rõ, đề nghị truy tố ngay”.

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Cái này không biết họ phản ánh từ đâu. Mới đây, ngày 11/9, đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động CT Tâm Đức Lộc thì CT này có những thiếu sót như: chưa xây dựng lại thang lương và thông báo thang lương cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; chưa khai trình sử dụng LĐ cho cơ quan quản lý nhà nước khi thay đổi, tăng, giảm về LĐ làm việc tại CT; chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho hai nhân viên tư vấn của CT thuộc đối tượng tham gia bắt buộc theo quy định; CT lập sổ theo dõi tình trạng việc làm của người LĐ chưa đầy đủ thông tin, chưa đúng mẫu quy định; giấy đăng ký việc làm chưa ghi cụ thể công việc của người LĐ.

Tới bây giờ, tôi khẳng định, thông qua kiểm tra, không thấy có vấn đề gì. Chỉ có hiện tượng là các CT cạnh tranh không lành mạnh.

- Ông nghĩ sao về việc các CT môi giới ép người LĐ ký vào “giấy tạm ứng”, biến họ thành con nợ của mình?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trước đây, chúng tôi có văn bản cấm tuyệt đối kiểu tạm ứng và thu tiền người LĐ, cấm việc các trung tâm đưa LĐ vào, trả tiền xe, ăn uống rồi thu tiền không rõ ràng. Anh cho người ta mượn tiền thì phải có giấy cho mượn chứ không thể “tranh tối tranh sáng”, muốn thu của người LĐ bao nhiêu thì thu. Nếu phát hiện, chúng tôi thu hồi giấy phép ngay.

- Hiện tại, các CT này vẫn buộc người LĐ ký giấy ứng tiền dù trên thực tế, họ không nhận được đồng nào...

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Theo pháp luật, khi thành công giao dịch, anh mới được thu phí tư vấn, giới thiệu việc làm. Còn lại đều là hình thức lừa đảo. Nếu có hiện tượng đó, phải làm việc với công an hình sự. Chúng tôi rất ủng hộ việc xử lý những hiện tượng chèn ép như vậy.

Anh cứ đưa người LĐ lên xe rồi buộc người ta trả tiền là không được. Tôi hỏi tiền xe bao nhiêu? Tiền ăn bao nhiêu? Ở lại một đêm bao nhiêu? Chi phí tổng bao nhiêu, tôi chi trả đúng với khoản đó. Làm gì có chuyện ăn, đi lại mà hơn một triệu? Vô lý. Đó là một hình thức bóc lột, chèn ép người LĐ khi người ta cơ nhỡ. Nếu phát hiện có trường hợp đó, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với công an làm rõ, đề nghị truy tố ngay.

Vach mat duong day lua dua nguoi di lao dong kho sai: Co quan quan ly lao dong noi gi?
Trụ sở công ty Tâm Đức Lộc

- Khi vào các CT giới thiệu việc làm, người LĐ bị giữ giấy tờ tùy thân, việc này có đúng quy định không?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Chuyện này, chúng tôi đã xử lý nhiều trường hợp. Trước đây, CT Tâm Đức Lộc bị tạm ngưng hoạt động ba tháng vì khi giới thiệu việc làm lại giữ giấy tờ của người ta. Anh có chức năng gì mà giữ giấy tờ của người ta? Về mặt quản lý lưu trú, công an sẽ giữ, còn doanh nghiệp không có quyền giữ bất cứ giấy tờ nào của người LĐ cả. 

- Qua thâm nhập thực tế, hai CT này có dấu hiệu câu kết với một số đối tượng đăng tin tuyển dụng cài bẫy, lừa người LĐ, biến họ thành “con nợ”. Ông có biết việc này không? 

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Năm 2016, có trường hợp sử dụng địa chỉ “ma” để lừa tuyển LĐ, chúng tôi đề nghị công an truy tố luôn vì họ lấy địa chỉ của UBND tỉnh Lâm Đồng làm nơi giao dịch. Khi đề nghị công an vào cuộc, chúng tôi mới biết người đăng tin là một “cò” ở Sài Gòn.

Công an đã vào cuộc làm rõ mối quan hệ giữa “cò” đó với trung tâm môi giới nhưng người đó trốn biệt, điện thoại tắt hết. Sau đó, chúng tôi có văn bản yêu cầu các CT giới thiệu việc làm tuyệt đối không móc nối với “cò”, tư vấn không đúng sự thật, yêu cầu phải niêm yết công khai danh mục nghề nghiệp, tư vấn cho người LĐ đúng các công việc, ngành nghề. Từ đó, chuyện này vắng đi, không có nữa. 

Bây giờ, tình trạng này còn tồn tại hay không, phải cung cấp chứng cứ cho chúng tôi. Nếu có chứng cứ, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xử lý ngay. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ quản lý góc độ tư vấn, tuyển dụng. Nếu có hiện tượng này thì đó là một đường dây lừa đảo, về góc độ quản lý, chúng tôi bó tay. Cơ quan chúng tôi không có chức năng điều tra, nhưng sẽ đề nghị và phối hợp với công an làm rõ. 

- Từ khi hoạt động đến nay, qua thanh kiểm tra, hai CT này có từng bị xử phạt lỗi giam giữ người trái quy định hay chưa?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Cách đây ba, bốn năm, hai CT này từng bị xử phạt các lỗi giới thiệu việc làm không đúng quy định, CT không đóng các chế độ bảo hiểm đầy đủ cho nhân viên… Riêng lỗi giam giữ người trái quy định thì không có lần nào cả. Bắt nhốt người đâu có đơn giản. Giam giữ người LĐ trái phép là bị truy tố ngay.

- CT Tâm Đức Lộc đã thành lập hơn 10 năm nhưng vì sao mới được cấp phép kinh doanh vài năm nay?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trước đây, CT này có tên khác, khi đó họ vi phạm về LĐ nên bị xử phạt rất nặng, bị cấm hoạt động mấy tháng. Sau đó, họ ngưng hoạt động. Một thời gian sau, họ thành lập trở lại, lấy tên Tâm Đức Lộc. Từ ngày thành lập lại đến giờ, theo đánh giá của địa phương và nhiều lần kiểm tra liên ngành thì CT này hoạt động rất tốt, chấp hành mọi quy định (!?).

- Trong kết quả thanh tra CT Tâm Đức Lộc, chúng tôi thấy có điểm sai phạm là “ghi không rõ ngành nghề”, sai phạm này là thế nào?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Cái đó là họ ghi ngành nghề chung chung, nhưng hái cà phê thì khác đưa đi trồng rau hoa, họ ghi chung là nông nghiệp.

- Chính sự không rõ ràng, lấp liếm này nên mới xảy ra hiện tượng LĐ bị chèn ép, nhận việc một đằng, bị đưa đi làm một nẻo?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Cái đó báo chí phải vào cuộc để rõ ràng mọi chuyện. Cơ quan nhà nước thì làm gì cũng phải có chứng cứ. Nếu có chứng cứ thì đưa vào tội lừa đảo, do liên quan hình sự. Có sai phạm, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép ngay.  

- Khi bị lừa đảo, chèn ép, người LĐ có thể liên lạc qua số điện thoại nào để phản ánh?

- Ông Nguyễn Tiến Dũng: Qua số của cơ quan chúng tôi: 0633 834 226 hoặc liên lạc trực tiếp với tôi qua số  0913 659 191.

-  Xin cảm ơn ông! 

Có dấu hiệu phạm pháp hình sự

Căn cứ vào tài liệu mà Báo Phụ Nữ TP.HCM thu thập được, luật sư Trần Minh Hùng thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hành vi của CT Tâm Đức Lộc, CT Đức Hoàng và những người môi giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cụ thể là hành vi lừa đảo, được quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự của hai CT trên. 

Luật sư Hùng kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phải nghiêm minh xử lý các CT và những người liên quan đến vụ việc này, trả người LĐ về với gia đình, đồng thời yêu cầu hai CT trên phải bồi thường các thiệt hại cho người LĐ.

Nhóm Phóng Viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI