Ức vì con gái giành ba, xem mẹ như người thừa

04/11/2021 - 09:00

PNO - Cô ấy đã có lúc mếu máo, bật khóc trước phản ứng của con gái. Rồi dần dần cô ấy hành xử như... người bị bỏ rơi, chỉ thậm thụt hỗ trợ đằng sau và nhường sân cho hai ba con.

Chị Hạnh Dung ơi,

Em đang khó xử vì cô con gái nhỏ cứ bám ba, kiên quyết không chịu mẹ. Vợ em vẫn cùng em chăm con, hai vợ chồng đi làm thì cũng mang con về nội gửi. Hai vợ chồng san sẻ chuyện chăm con rất ổn. Nhưng khổ nỗi con bé càng lớn càng bám ba và đẩy mẹ ra xa.

Ban đầu con thể hiện ở việc lựa chọn: ngủ với ba, đi với ba, ngồi gần ba hơn. Nhưng bây giờ con còn có cả màn hắt hủi mẹ, không cho mẹ lại gần ba, và thể hiện rất quyết liệt.

Con gái bám ba, các bà mẹ dễ có tâm lý bị bỏ rơi... - Hình minh họa - XFRAME
Con gái bám ba, các bà mẹ dễ có tâm lý bị bỏ rơi... - Hình minh họa - XFRAME

Chuyện này tưởng chỉ hài hước thôi, nhưng vợ em lại tổn thương. Cô ấy đã có lúc mếu máo, rồi bật khóc trước phản ứng của con gái. Rồi dần dần cô ấy hành xử như... người bị bỏ rơi, chỉ thậm thụt hỗ trợ đằng sau và nhường sân cho hai ba con.

Em cũng giải thích, động viên đủ kiểu mà không ổn. Chị Hạnh Dung có cao kiến gì, xin chỉ giáo giúp em!

Tiến Đạt (Phú Nhuận, TPHCM)

Tiến Đạt mến,

Câu chuyện em kể rất ngọt ngào, gợi ra một khung cảnh gia đình đầm ấm, vợ chồng hướng về nhau và về con. Chuyện chỉ hơi trục trặc ở đoạn... thành viên nhí.

Câu chuyện bé bám ba cũng khá phổ biến, và những bà mẹ thấy tủi thân khi bị ra rìa cũng khá nhiều. Tuy nhiên, khi em và cả vợ đều đang thấy không ổn thì có thể điều chỉnh lại một chút.

Điều đầu tiên cần quan tâm là tâm lý của vợ em. Ngoài sự thiên vị của con gái thì còn điều gì khiến cô ấy buồn phiền không?

Trong cuộc sống hàng ngày, cô ấy có chịu buồn tủi gì, có căng thẳng gì, hay có gặp khó khăn trong mối quan hệ nào khác không?

Đặc biệt, ngoài sự san sẻ gánh nặng, vợ chồng em có giao tiếp chất lượng với nhau không? Giao tiếp chất lượng có nghĩa là giao tiếp như một cặp đôi, có tương tác riêng tư, có chia sẻ như những người bạn đời, chứ không phải chỉ nói về các vấn đề trách nhiệm, con cái, nhà cửa, nội ngoại...

Vợ em cần có một sự cân bằng trong các mối quan hệ nói chung, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng, để cô ấy có sự vững vàng, tự tin. Như thế thì cô ấy sẽ không bị những từ chối hồn nhiên của cô con gái nhỏ làm cho buồn tủi.

Thứ nữa, em cũng có thể tác động vào cô con gái nhỏ. Cô bé còn nhỏ và hành xử hồn nhiên bằng ý muốn, cảm xúc và sự yêu quý đơn thuần của mình. 

Bám ba, giành ba không có nghĩa là con không yêu mẹ. Nhưng trẻ con hồn nhiên và bản năng nên thường chỉ giải tỏa ý muốn lớn nhất trong từng thời điểm.

Ví dụ con đang thích gần ba, và muốn ba chỉ tập trung vào con - thì con chỉ chú tâm giải tỏa ý muốn đó chứ không quan tâm đến mẹ hay bất kỳ một người nào khác. 

Em đang là một người "có uy tín" với con gái. Vậy nên hãy giúp con cân bằng bằng cách nhắc con về sự hiện diện của mẹ. Hãy đánh thức tình yêu mẹ, ý muốn làm mẹ vui và cả bản năng bảo vệ mẹ trong cô bé.

Đứa trẻ nào cũng có những hạt mầm yêu thương này. Em hãy chủ động làm "quản trò", dần dần tạo ra những không gian dành cho ba người chứ không phải chỉ chiều theo ý muốn của con.

Hãy nói những câu đơn giản nhất để con hiểu rằng cả ba và mẹ đều ở đó để yêu thương con, và cả nhà đều yêu thương nhau, không cần phải tranh giành gì cả.

Mặt khác, người lớn ở ta hay nói trẻ con những câu đùa như là "mẹ giành ba rồi" hay "ba bế em bé khác nhé"... Chuyện này tưởng vô hại nhưng lại gợi cho trẻ sự bất an, và tâm lý phải tranh giành, chiếm hữu được người mà con thương quý. Vậy nên em cũng lưu ý điều này để tránh cho con nhé!

Hạnh Dung tin rằng với sự tinh tế và tình cảm của em, mọi chuyện sẽ sớm vui thôi!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI