Tự ti vì chênh lệch thu nhập với anh chị em

23/05/2025 - 06:00

PNO - Tôi tin rằng, giá trị của một con người không nằm ở ví tiền, mà ở cách họ đối đãi với những người thân yêu.

Gia đình tôi có 5 anh chị em. Ba mẹ tôi là nông dân, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chúng tôi lớn lên trong một mái nhà cũ kỹ, cùng ăn những bữa cơm có khi chỉ toàn rau luộc với nước mắm. Không ai trong số chúng tôi có điều kiện tốt hơn người khác, nhưng thời gian trôi qua, mỗi người một ngã rẽ, cuộc sống bắt đầu hình thành những khoảng cách.

2 anh trai tôi đều thành đạt. 1 người kinh doanh, 1 người làm trong ngành xây dựng. 2 chị gái tôi theo chồng ra nước ngoài, cuộc sống ổn định, sung túc. Chỉ có vợ chồng tôi là công chức bình thường, mức lương không cao, loay hoay giữa cơm áo gạo tiền, ở nhà thuê, con học trường công, chiếc xe đi làm mỗi ngày đã nhiều lần hư hỏng.

Tôi từng cho rằng, chỉ cần sống tử tế, chăm chỉ làm việc thì sớm muộn cũng đủ đầy. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Sự chênh lệch trong thu nhập giữa vợ chồng tôi và các anh chị em dần rõ rệt qua từng năm, thể hiện đặc biệt qua mỗi dịp lễ tết, giỗ chạp hay ngày sinh nhật ba mẹ.

Khi cả nhà họp mặt, ai cũng rôm rả, rủ nhau góp tiền, khi thì tặng ba mẹ chiếc ghế massage, khi thì sửa lại căn bếp cũ hay đặt tiệc ở nhà hàng sang trọng. Còn tôi thì âm thầm góp phần nhỏ, thường là vài trăm ngàn đồng. Có khi ngồi vào bàn, tôi thấy mình chẳng khác gì người ngoài cuộc - ít nói, ít dám phát biểu, sợ bị hỏi “dạo này làm ăn sao rồi?”.

Tôi từng thấy tủi thân, từng trách bản thân không đủ nỗ lực để lo cho cha mẹ nhiều hơn. Tôi cũng từng so sánh: cùng một cha mẹ, cùng lớn lên từ một mái nhà, vì sao người thành đạt, người chật vật?

Tôi không ganh tị, nhưng tôi thấy mình nhỏ bé, thiệt thòi. Cảm giác ấy âm ỉ, không nói ra nhưng bào mòn lòng tự trọng của tôi.

Rồi một lần, khi mẹ tôi bệnh nhẹ, chị gái gọi điện về nhờ tôi chở mẹ đi khám. Tôi xin nghỉ làm, chạy xe máy chở mẹ vào bệnh viện, chờ đợi cùng bà, mua cho bà lốc sữa. Về nhà, mẹ xoa đầu tôi: “Tụi bay ai cũng thương má, nhưng má gần con nhất, nhờ được con là má mừng”.

Lúc ấy, tôi chợt hiểu ra một điều đơn giản: có những điều không thể đo bằng tiền.

Thái độ sống, sự chân thành và tình yêu thương mới là thứ gắn kết gia đình (ảnh minh họa)
Thái độ sống, sự chân thành và tình yêu thương mới là thứ gắn kết gia đình (ảnh minh họa)

Tôi bắt đầu học cách chấp nhận và nhìn đời nhẹ nhàng hơn. Thay vì nhìn vào những gì mình thiếu, tôi học cách nhìn vào những gì mình có: người chồng biết chia sẻ, 2 đứa con ngoan, 1 mái ấm nhỏ nhưng tràn tiếng cười. Tôi nhận ra, dù không thể giúp cha mẹ bằng vật chất, tôi vẫn có thể làm điều gì đó bằng tình cảm: hỏi han mỗi ngày, về thăm nhà thường xuyên, nấu những món mẹ thích ăn.

Tôi cũng học cách bỏ đi mặc cảm. Mỗi người có một hành trình riêng. Tôi không giống các anh chị, nhưng không vì thế mà kém cỏi. Thái độ sống, sự chân thành và tình yêu thương mới là thứ gắn kết gia đình, chứ không phải ai kiếm được bao nhiêu tiền.

May mắn là các anh chị tôi không bao giờ tỏ ra hơn thua hay coi thường tôi. Họ góp tiền nhiều, nhưng cũng ghi nhận phần của chúng tôi như một điều quan trọng. 2 chị gái gửi đồ về vẫn dặn: “Phần của em út là quan trọng nhất, vì có em ở gần cha mẹ”.

Lời nói ấy làm tôi ấm lòng, và tôi biết mình vẫn đang giữ một vai trò - dù nhỏ nhưng không thể thiếu - trong mái ấm gia đình.

Tôi nghĩ, sự chênh lệch thu nhập trong các gia đình không phải chuyện hiếm, quan trọng là cách chúng ta ứng xử với điều đó. Nếu chúng ta biết sống tử tế, biết trân trọng vai trò của nhau, thì tiền bạc không thể làm lạc mất tình thân. Mỗi người trong gia đình như một mảnh ghép - có lớn, có nhỏ, nhưng đều cần thiết để bức tranh trở nên trọn vẹn.

Chúng tôi không giàu, nhưng chúng tôi sống đủ - đủ trách nhiệm, đủ yêu thương và đủ tin rằng giá trị của một con người không nằm ở ví tiền, mà ở cách họ đối đãi với những người thân yêu.

Hoài Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI