Từ thường dân bước vào hoàng gia - Bài 4: Bà hoàng Monaco

12/01/2014 - 11:15

PNO - PN - Hơn ba thập kỷ sau khi bà từ trần, cái tên Grace Kelly vẫn như một biểu tượng của truyện cổ tích giữa đời thường; cuộc đời của bà là một đề tài luôn có sức thu hút đối với những nhà làm phim, những cây bút chuyên viết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tu thuong dan buoc vao hoang gia - Bai 4: Ba hoang Monaco

Bà hoàng Monaco và con trai Albert năm 1959 - Ảnh: Philippe Halsman

Duyên nợ từ Cannes

Grace Kelly không chỉ là một ngôi sao điện ảnh mà còn là một biểu tượng thời trang, một trong những mỹ nhân hàng đầu thế giới qua mọi thời đại. Bà quá đẹp, quá tài năng, quá hoàn hảo. Thế nhưng, khi cả thế giới điện ảnh đang tôn sùng tượng đài Grace Kelly (diễn viên có thu nhập cao nhất thế giới giữa thập kỷ 1950), bà lại đột ngột chia tay màn bạc. Đó cũng là một chi tiết quan trọng làm nên huyền thoại Grace Kelly. Bà chia tay điện ảnh để trở thành... bà hoàng Monaco.

Tháng 4/1955, Grace Kelly dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Liên hoan phim Cannes và được mời tham gia một buổi chụp hình tại lâu đài Monaco cùng ông hoàng Rainier III, người trị vì công quốc Monaco. Sau nhiều lần sắp xếp phức tạp, Kelly mới thật sự gặp gỡ ông hoàng Rainier III. Thời điểm đó, bà đang có quan hệ tình cảm với diễn viên Jean-Pierre Aumont. Về nước, Kelly vẫn tham gia bộ phim The Swan, nhưng mối quan hệ giữa bà và ông hoàng Rainier III lại được vun đắp dần.

Ông hoàng xứ Monaco sang Mỹ vào cuối năm 1955. Dù đã phủ nhận trên báo chí nhưng tin đồn ông sang Mỹ... kiếm vợ vẫn xuất hiện tràn lan. Kỳ thực, đấy còn là một nước đi trên bàn cờ chính trị. Theo một hiệp định được ký vào năm 1918, nếu Rainier không có người kế vị thì công quốc Monaco sẽ bị trả về cho nước Pháp. Vì thế, chẳng có gì lạ khi một Rainier ở tuổi 32 bắt đầu tìm người nối dõi tông đường. Thiên hạ cũng không phải chờ quá lâu để thấy tin đồn trở thành sự thật. Ông hoàng đến thăm Kelly cùng gia đình, ngỏ lời cầu hôn và xứ Monaco lao vào việc chuẩn bị cho “hôn lễ thế kỷ”. Lễ cưới diễn ra ngày 19/4/1956 giữa ông hoàng Rainier III và Grace Kelly thật sự là một lễ cưới bậc nhất thế giới trong thế kỷ XX.

Tu thuong dan buoc vao hoang gia - Bai 4: Ba hoang Monaco

Nữ diễn viên Grace Kelly - Ảnh: Sunset Boulevard/corbis 

Thể thao hay nghệ thuật?

Kelly sinh tại Philadelphia (bang Pennsylvania - Mỹ) ngày 12/11/1929. Cha bà, John Brendan “Jack” Kelly, là một doanh nhân triệu phú trong ngành xây dựng. Năm 1935, John Kelly (thuộc đảng Dân chủ) ứng cử thị trưởng Philadelphia nhưng thất bại. Mẹ bà, Margaret Katherine Majer, là huấn luyện viên đầu tiên của đội tuyển điền kinh thuộc Trường đại học Pennsylvania. Kelly là con thứ ba trong gia đình gồm bốn anh chị em.

Trước khi chuyển sang kinh doanh và tham gia chính trường, cha của Kelly là vận động viên chèo thuyền có hạng, từng đoạt ba huy chương vàng tại các kỳ Olympic 1920, 1924. Sau này, anh trai của Kelly - John Jr. Kelly, cũng thừa hưởng năng khiếu thể thao từ cha mẹ, liên tục tranh tài ở các kỳ Olympic 1948, 1952, 1956. Thế nhưng, tài năng và sở thích của Grace Kelley lại không nằm ở lĩnh vực thể thao. Bà nối gót hai bác ruột, đều là những nghệ sĩ có hạng, nên đi vào thế giới nghệ thuật từ rất sớm. Năng khiếu diễn xuất của Grace Kelly bộc lộ ngay từ những buổi trình diễn trong trường học. Người bác George Kelly, từng đoạt giải Pulitzer về biên kịch, đã khuyến khích và hướng dẫn cô cháu gái Grace Kelly vào thế giới điện ảnh chuyên nghiệp - bất chấp sự phản đối của bố mẹ Grace. Một người bạn thân của Grace Kelly cho biết, bố của bà từng cho rằng đóng phim là cái nghề “chẳng ra gì”, khi ngăn cản con gái lên New York City.

Vừa học vừa làm, Grace Kelly tiến dần từ vai nhỏ đến vai lớn. Thỉnh thoảng, bà còn chụp ảnh quảng cáo và xuất hiện trên trang bìa các báo. Không phải mọi chuyện đều diễn ra trơn tru. Một trong những người thầy của bà, đạo diễn Don Richardson, cho rằng Grace Kelly rất khó có một sự nghiệp thành công. Ông nhận xét: “Grace có cá tính và ngoại hình tuyệt vời, nhưng chất giọng thì... giống như ngựa”. Rốt cuộc, nhận xét của ông thầy có đúng hay không cũng chẳng quan trọng. Ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh bùng nổ sau Đệ nhị thế chiến và Grace Kelly đi đúng đường khi chọn Hollywood.

Tu thuong dan buoc vao hoang gia - Bai 4: Ba hoang Monaco

Một ngày sau “hôn lễ thế kỷ”, bà hoàng Monaco vẫy chào người dân - ảnh: Bettmann/CORBIS

Giã từ đam mê điện ảnh

Tổng cộng, Grace Kelly tham gia 11 bộ phim và 60 sản phẩm truyền hình, đoạt không ít giải thưởng danh giá. Bấy nhiêu chưa phải là một sự nghiệp đồ sộ, nhưng cần nhắc lại: khi kết hôn với Rainier, Grace Kelly mới 26 tuổi, sự nghiệp điện ảnh đang ở giai đoạn rực rỡ nhất. Trở thành bà hoàng dĩ nhiên phải chấm dứt sự nghiệp điện ảnh. Ông hoàng Rainier III cũng lập tức cấm chiếu ở Monaco tất cả những phim Grace Kelly từng đóng. Đến đây, có một câu chuyện mà chắc hẳn cả hai đều không muốn nhắc lại khi họ đã yên vị ở chốn cung đình. Số là vào năm 1953, Grace Kelly từng diễn một vai phụ trong phim Mogambo (bà đoạt giải Quả Cầu Vàng với vai phụ đó). Phim này lấy bối cảnh ở Kenya, có các ngôi sao Clark Gable và Ava Gardner. Dịp đó, Kelly có quan hệ tình ái với Gable. Sau đó, bà nói trên báo: “Quý vị nghĩ xem, tôi phải làm gì khi ở trong một túp lều, tại châu Phi, mà Clark Gable lại cũng có mặt ở đấy?”.

Grace Kelly có ba người con với ông hoàng Rainier là công chúa Caroline, hoàng tử Albert (nay là ông hoàng Albert II, nối ngôi cha trị vì Monaco) và công chúa Stéphanie. Năm 1962, đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock (người có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp điện ảnh của Grace Kelly) lại mời bà diễn vai chính trong bộ phim Marnie. Bà cũng muốn tham gia, nhưng cuối cùng đành từ chối vì phản ứng của người dân Monaco. Một đạo diễn khác là Herbert Ross cũng thất bại với ý định mời Grace Kelly trở lại màn bạc qua bộ phim The Turning Point, năm 1977.

Bà luôn tỏ ra xứng đáng với vai trò quốc mẫu ở Monaco, tham gia nhiều tổ chức từ thiện và các hoạt động văn hóa. Ngày 13/9/1982, khi đang cầm lái, với công chúa Stéphanie cùng ngồi trong xe, bà hoàng Grace Kelly bị nhồi máu cơ tim và lạc tay lái. Bà qua đời ngày hôm sau vì chấn thương quá nặng.

 MỸ HẠNH

Đón đọc kỳ tới: Cuộc “đổi đời” của cô tiếp viên Mariam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI