Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh: Bảo vật quốc gia cho muôn đời sau

19/05/2021 - 06:04

PNO - Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Trẻ, với tên gọi ban đầu là tủ sách 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, từ năm 1999 tới nay đã xuất bản 51 quyển, hai lần nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (năm 2009 và 2015). Hành trình 22 năm ấy, với những người trong cuộc luôn đầy ắp cảm xúc.

Thừa kế một chí lớn phải bằng một chí lớn

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, người khởi xướng việc thực hiện tủ sách Di sản Hồ Chí Minh nhớ lại: “Hồi đọc một bài viết của chú Trần Bạch Đằng, tôi ấn tượng và nhớ hoài đoạn kết của ông: “Thừa kế sự nghiệp và hoài bão của Bác, thừa kế một chí lớn phải bằng một chí lớn. Chỉ với chí lớn, những người tiếp bước những gì thực sự chứa đựng trong các danh từ Tổ quốc, Nhân dân, Dân tộc, hiểu hai tiếng Việt Nam, hiểu thời đại của chúng ta, và sau cùng, mới hiểu được mấy chữ có tầm cỡ khái quát cao rộng: Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Sau đó, tôi cứ nằng nặc đòi chú tập hợp các bài viết, mà sẽ lấy tựa sách là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã in cuốn này trong bộ sách 30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1999). Sau đó tôi tiếp tục “thâm canh” thành tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, ra đời đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 5/6/2011.

Trong hành trình thực hiện tủ sách, khi bắt đầu tiếp cận được với các chứng cứ lịch sử, những trang viết của Bác Hồ, chúng tôi đã vỡ òa, sao mà nhiều tài liệu hay quá. Phải chọn những đầu sách nào để thật sự phù hợp với các bạn trẻ trong khi nguồn sách về Bác rất nhiều? Ngay lúc đó, tôi biết mình có nhiệm vụ phải đưa những cuốn sách giá trị này đến với công chúng. Không chần chờ gì nữa, chúng tôi bắt tay vào làm”.

 

Anh Đào Đức Thiện (phải) và An Huy, hai trong những biên tập viên theo suốt hành trình tủ sách  Di sản Hồ Chí Minh - Ảnh: Phùng Huy
Anh Đào Đức Thiện (phải) và An Huy, hai trong những biên tập viên theo suốt hành trình tủ sách Di sản Hồ Chí Minh - Ảnh: Phùng Huy

Ngày ra mắt tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, nữ tiến sĩ nghẹn ngào chia sẻ với các bạn trẻ TPHCM: “100 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành mạo hiểm rời quê hương để thực hiện cuộc hành trình đơn độc, nhọc nhằn nơi xứ người, với quyết tâm ra đi và sẽ mang về…

Lịch sử dân tộc đã chứng minh Nguyễn Tất Thành có sự chọn lựa và hành động đúng, thuận dòng tất yếu của lịch sử hiện đại, khi gửi trọn hoài bão lý tưởng của tuổi trẻ cho tình yêu quê hương, và đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Giới thiệu bộ sách này, chúng tôi mong muốn tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể, dù nhỏ, với tinh thần dấn thân và khát vọng cháy bỏng tình yêu Tổ quốc và đồng bào như chàng trai Nguyễn Tất Thành năm xưa”. 

Theo biên tập viên An Huy - một trong những người chăm chút khâu “hậu cần” của từng quyển sách, trong những ngày đầu hình thành tủ sách đến nay, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh ban đầu gồm các tác phẩm của Bác Hồ như: Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tiết kiệm & chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Về vấn đề học tập; Sửa đổi lối làm việc; Đời sống mới; Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Vừa đi đường vừa kể chuyện; Bản án chế độ thực dân Pháp. 

Trên đà thành công của tủ sách, trong các năm tiếp theo, NXB Trẻ có những ấn phẩm được viết “độc quyền” cho NXB Trẻ như: Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ của tác giả Mai Văn Bộ; Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế của Nguyễn Đắc Xuân; Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký của Trần Văn Giang; Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh của Trần Bạch Đằng, Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng của Hà Minh Hồng; Bác Hồ với sự nghiệp trồng người của Phan Hiền… 

Đây cũng là đơn vị đầu tiên in lại Di chúc của Bác Hồ theo kích cỡ passport và ghi kỷ lục chưa đầy hai năm, sách đã tái bản ba lần với số lượng 11.000 quyển...

Năm 2020, tủ sách có thêm các tựa mới như Hồ Chí Minh bàn về Đảng; Hồ Chí Minh bàn về cán bộ của phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Tình; năm 2021, xuất bản sách Bác Hồ với Chính phủ Việt Nam do phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng biên soạn; từ Hồ Chí Minh toàn tập, biên tập viên Đào Đức Thiện đã sưu tầm các bài viết của Bác Hồ, xuất bản hai tựa sách mới là Thư gởi thanh niên, Trẻ em như búp trên cành. Đến nay, Tủ sách vẫn đang từng ngày được bổ sung. Theo kế hoạch, ngày 5/6/2021 tới đây, biên tập viên Nguyễn Phan Nam An lại công bố Bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ... 

Bảo vật ấy phải được trao truyền!

Ông Dương Thành Truyền - Quyền Giám đốc NXB Trẻ, tác giả quyển Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo, một trong 51 tác phẩm thuộc tủ sách - cho rằng việc thực hiện tủ sách Di sản Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị của NXB Trẻ, mà còn là chọn lựa đúng đắn khi thực hiện sứ mệnh “mang tinh hoa văn hóa nhân loại đến cho độc giả”. 

Ông nói: “Trong suốt 22 năm qua, NXB Trẻ không ngừng theo đuổi việc đem đến cho độc giả những tác phẩm di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, với hình thức trình bày gần gũi, dễ nắm bắt và hấp dẫn. Bộ sách đúng như tên gọi của nó là di sản quý báu của Bác Hồ dành cho dân tộc. Trong số các di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có những tác phẩm quan trọng, không chỉ về tư tưởng, mà còn quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam, cách mạng Việt Nam.

Vì thế năm 2020, chúng tôi quyết định cho ra đời bộ sách - tập hợp năm tác phẩm của Bác được công nhận là “Bảo vật quốc gia” (theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012), với tâm niệm bảo vật ấy phải được trao truyền cho đời sau. Đây thật sự là những viên ngọc quý, những tài sản, “bảo bối” của Bác mà chúng tôi biết mình có sứ mệnh trao truyền. Đó là tác phẩm Đường kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua bộ sách, chúng tôi muốn góp phần vun đắp lòng yêu kính Bác Hồ, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho người trẻ. Đầu tiên là yêu ngôn phong giản dị, lối viết cô đọng, trong sáng, gần gũi, dễ hiểu của Bác Hồ. Ví dụ tác phẩm Đường kách mệnh in nguyên văn bản in năm 1927. Toàn bộ lịch sử phong trào công nhân và đường lối cách mạng vô sản được tác giả chắt lọc trong một tập sách mỏng chỉ có 98 trang viết tay. Nếu quan sát và đối chiếu, độc giả sẽ thấy được cái tài của Bác khi biến những vấn đề phức tạp thành ra đơn giản và ngắn gọn, để người nghe, người đọc ai cũng hiểu, cũng nhớ và áp dụng được.

Đồng tình và tâm đắc với quan điểm này, phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng - tác giả của rất nhiều đầu sách thuộc tủ sách Di sản Hồ Chí Minh cho rằng: “Thật ra khi viết về Bác Hồ, chúng tôi phải suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán nhiều năm rồi mới dám đặt bút viết. Cái quan trọng là phải học Bác để viết như thế nào. Bác viết rất ngắn, rất chân thực. Những tác phẩm của Bác dù bàn đến vấn đề lớn lao cỡ nào, thì ai cũng đọc được, hiểu được. Trước khi tham gia viết tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, tôi đã đến nói chuyện với NXB Trẻ, giới trẻ và nhiều người dân ở thành phố này một số chuyên đề về Bác như: Bác Hồ với tuổi trẻ, Bác Hồ với Đảng, Bác Hồ với Dân tộc…

Thông qua các buổi nói chuyện đó, tôi hiểu nhân dân cần gì, muốn học gì ở Bác, từ đó tôi mới bắt đầu tập trung tìm tư liệu. Viết về Bác, tôi phải tìm tư liệu chính thống, phải đọc lại Hồ Chí Minh toàn tập của NXB Chính trị Quốc gia, săm soi từng câu chữ, để xem Người viết, Người nói như thế nào. Vừa làm, tôi vừa đọc Bác để học thêm từng ngày. Và trong từng ngày đó, tôi phát hiện biết bao chi tiết trong những bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ khiến tôi cảm động ứa nước mắt. Sự rung động, cảm thông với những điều Bác làm đã thôi thúc tôi ấp ủ thêm nhiều đề tài mới. Tham gia thực hiện tủ sách, tôi thấy mình đang sử dụng cách thiết thực nhất để học và làm theo Bác. 

Ông tâm đắc: “Những cuốn sách của Bác mỏng, không quá đồ sộ, nhưng tư tưởng chứa đựng trong đó thực sự vĩ đại, kể cả những lời văn giản dị nhất của Người cũng có giá trị tư tưởng riêng…Cho nên với tủ sách Di sản Hồ Chí Minh, từ hình thức (khổ, mỏng, nhỏ, dễ bảo lưu, mang theo, in ấn đẹp đẽ, rõ ràng, trân trọng), cho đến cách thể hiện, giới thiệu cùng công chúng của NXB Trẻ, đã thật sự học theo di sản Hồ Chí Minh. Trong những buổi nói chuyện, trao đổi với mọi người về học và làm theo Bác, nhiều người hỏi tôi: “Liệu chúng ta có học và làm theo Bác được không?”. Tôi khẳng định là có thể. Tập Di sản Hồ Chí Minh của NXB Trẻ, theo tôi đã hiển hiện câu chuyện thực tế, về những điều có thể học được, làm được theo phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhắc đến câu chuyện làm bộ sách Di sản Hồ Chí Minh, ông Dương Thành Truyền đau đáu: “Trong quá trình thực hiện tủ sách này suốt hơn 20 năm qua, NXB Trẻ không hề tiếc công sức, so đo thiệt hơn, chúng tôi chỉ tâm niệm là làm hết sức mình cho bộ sách ngày càng hoàn thiện. Có thể nói rằng, đây là tủ sách thành công cả về mặt tuyên truyền lẫn doanh thu, cũng như nâng cao thương hiệu của NXB Trẻ. Nhờ sự ưu ái của bạn đọc, tủ sách đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng chúng tôi biết rằng khó khăn vẫn còn ở phía trước, việc quảng bá trước những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm về Người, để cung cấp thông tin chính thống cho thế hệ trẻ, nhằm chống lại những luận điệu xuyên tạc, phải là một công việc thường xuyên và lâu dài”. 

Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI