TS-KS Võ Kim Cương: "Xây dựng ngầm rất tốn kém, không quy hoạch trước, sau này đục phá rất phức tạp"

05/01/2021 - 08:36

PNO - Nói về thực lực phát triển của TPHCM trong quá trình quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị, TS-KS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM có góc nhìn lạc quan và đầy tin tưởng. Ngoài những thuận lợi và khó khăn đã được xác định, việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm cần được hoạch định rõ ràng và có sự phối hợp của nhiều ngành.

 

TS-KS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM chia sẻ về việc phát triển không gian ngầm tại TPHCM
TS-KS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM chia sẻ về việc phát triển không gian ngầm tại TPHCM

* Phóng viên: Đầu tiên, để nhiều người hiểu hơn về không gian ngầm, xin ông cho biết, hiện nay tại nước ta và trên thế giới, không gian ngầm thường được sử dụng vào những mục đích nào?

-TS-KS Võ Kim Cương: Không gian ngầm có khoảng 4 mục đích sử dụng.

Thứ nhất, cất giấu hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm bao gồm: đường điện, nước; các loại cáp; cống thoát nước...

Thứ hai, phát triển các loại đường giao thông: đường bộ, đường sắt (metro). Những công trình ngầm dành cho đường bộ phải kể đến như đường hầm ở các ngã tư, hầm chui qua sông (hầm Thủ Thiêm), hầm chui dành cho người đi bộ (Tân Tạo), bãi đậu xe...

Thứ ba, xây dựng các công trình xã hội (thương mại, dịch vụ) phục vụ cho mục đích kinh tế xã hội. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất, nếu có nhu cầu cũng có thể đưa xuống dưới lòng đất để tránh chuyện tiếng ồn, ô nhiễm…

Thứ tư, công trình quốc phòng.

Đó là còn chưa kể không gian ngầm phục vụ cho tiêu thoát nước, xây dựng bể ngầm vừa điều tiết nước chống ngập vừa dự trữ nước. Một số nơi như Thủ Đức đang thử làm bể điều tiết nước.

Metro là công trình giao thông ngầm được chú trọng phát triển. (Ảnh: Maur)
Metro là công trình giao thông ngầm được chú trọng phát triển - Ảnh: Maur

* Thưa ông, hiện tại, nước ngoài chủ yếu dùng không gian ngầm vào mục đích gì trong 4 mục đích chính đã kể ở trên?

-Họ chủ yếu dành không gian ngầm để phát triển giao thông. Thực ra, nói mục đích giao thông ngay từ đầu thì cũng không hẳn, khi có tàu điện ngầm, họ mới nghĩ đến giao thông nhiều.

Ngoài khai thác không gian ngầm cho giao thông, một số không gian ngầm được mở rộng ra để làm các công trình văn hóa. Ví dụ, Mát-xcơ-va xây dựng nhiều ga tàu điện ngầm trở thành công trình kiến trúc, văn hóa rất đẹp.

Việc khai thác không gian ngầm cho mục đích dịch vụ thương mại cũng mới xuất hiện gần đây. Đặc biệt ở Nhật Bản, họ khai thác khía cạnh này nhiều. Ngoài không gian dùng để nối kết các ga tàu điện ngầm với các nhà cao tầng, không gian phía dưới được Nhật Bản khai thác cho mục tiêu khác ngoài giao thông. Họ làm đủ thứ, chủ yếu thương mại dịch vụ. Những công trình dịch vụ - thương mại ngầm mới được xây dựng cuối thế kỷ 20, đầu thế 21.

* Theo ông, TPHCM đang có những thuận lợi và khó khăn nào khi quy hoạch, phát triển không gian ngầm đô thị?

-Hiện nay, TPHCM rất thuận lợi ở chỗ, hầu như không gian ngầm là khoảng không gian trống. Các công trình cao tầng mà đưa móng sâu xuống lòng đất không có nhiều. Các nhà cao tầng làm móng chỉ sâu khoảng 40-50m, nhà dân thì chỉ khoảng chục mét.

Nếu TPHCM muốn quy hoạch hệ thống tàu điện ngầm thì hầu như không bị vướng víu không gian đã sử dụng phía dưới. Chỉ có một số vị trí đặc biệt như Nhà hát Lớn TPHCM, khi thi công phải rất cẩn thận để bảo vệ, còn những nơi có nhà cao tầng, trong quá trình xây dựng đều có điều kiện để tránh.

Tuy nhiên, phần không gian trên mặt đất và sát mặt đất hơi rối, hơi vướng. Các công trình của TPHCM thì mỗi ngành độc lập và đi một quy hoạch riêng. Cho nên, khi làm công trình ngầm, lâu nay, việc phối hợp chưa được tốt. Các thông tin về hệ thống công trình ngầm trên mặt đất rất thiếu.

Do trong quá trình sử dụng chế độ lưu trữ không tốt, qua chiến tranh sự phát triển cũng lộn xộn. Sự phát triển về sau này cũng hơi thiếu phối hợp, nên không cập nhật. Một số công trình lẽ ra phải đi trên vỉa hè thì buộc phải đi ở giữa đường. Đó là chuyện bất khả kháng khi thông tin trên vỉa hè không có, vướng cây cối…

Vừa rồi, khi làm một số công trình trên mặt đất, các bên phải họp lại mới biết được hướng để làm. Thế nhưng, những vướng mắc đó cũng không phải nhiều. Dù không gian trên mặt đất hơi phức tạp một chút, nhưng đã vượt qua.

Ở dưới sâu hơn, hiện nay mới có metro, còn không gian thương mại thì chưa có, các hầm lớn để phục vụ cho các nhà cao tầng chủ yếu phục vụ giao thông làm chỗ để xe, chứ chưa có không gian phục vụ thương mại. Một vài trường hợp đề nghị khai thác không gian phục vụ thương mại nhưng các dự án đó không khả thi.

Nhiều bãi đậu xe ngầm được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của người dân. (Ảnh: Lâm Ngọc)
Nhiều bãi đậu xe ngầm được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của người dân - Ảnh: Lâm Ngọc

*Trong khi metro sắp hoàn thành nhưng quy hoạch phát triển không gian ngầm TPHCM lại chưa hoàn thiện. Liệu việc này có gây lãng phí?

-Tôi nghĩ, nói lãng phí cũng chẳng phải. Quá trình quy hoạch là quá trình hiểu biết, nghiên cứu và đi cùng với sự phát triển kinh tế. Cho nên, ở mỗi nước, mỗi đô thị có hoàn cảnh địa lý - lịch sử, chế độ Nhà nước… khác nhau sẽ có những bước đi tiến tới quy hoạch riêng biệt.

Ví dụ, chúng ta thường đặt ra câu hỏi tại sao bây giờ nước ta mới đặt vấn đề quy hoạch công trình ngầm trong khi các nước đã làm quy hoạch đó cùng lúc với quy hoạch trên mặt đất? Thật ra, các nước đó đã phát triển.

Nếu tính vài trăm năm trước, họ chỉ tính toán làm tàu điện ngầm thôi, chứ không nghĩ đến không gian ngầm. Sau khi có tàu điện ngầm và hệ thống kỹ thuật ngầm ở dưới, người ta mới nghĩ nhiều đến không gian ngầm, chứ không phải ngay từ đầu đã nghĩ đến nó. Quá trình phát triển ngày càng hiện đại thì càng khai thác tốt hệ thống không gian ngầm. Đó là một quá trình rất lâu dài.

Khi làm bất cứ khu vực nào mà thiếu quy hoạch trước thì rất có khả năng để lại hậu quả. Trên mặt đất hay ngầm cũng thế nhưng lãng phí ở mức đó thôi, chứ không phải lãng phí không gian ngầm. Không gian ngầm không sử dụng thì nó vẫn còn đó, chẳng mất đi đâu.

*Từ bao giờ, TPHCM nghĩ đến việc quản lý và phát triển quy hoạch không gian ngầm?

-Tôi không nhớ rõ nhưng tôi có dự một hội thảo về quy hoạch không gian ngầm TPHCM từ lâu lắm, hàng chục năm về trước. Tôi không nhớ rõ mốc thời gian nhưng chuyện quy hoạch không gian ngầm đi liền với việc quy hoạch metro, hệ thống tàu điện ngầm.

*Lúc quy hoạch metro đã tính tới quy hoạch không gian ngầm, vậy vướng mắc chỗ nào mà đến giờ vẫn chưa rõ ràng?

-Lúc đó, người ta không phải quy hoạch không gian ngầm dành cho các mục đích thương mại - dịch vụ mà chỉ quy hoạch không gian sử dụng cho metro. Khi làm quy hoạch không gian cho metro, người ta nghĩ ngay đến việc không gian xung quanh ga ngầm đó như thế nào, muốn nối ga ngầm với tòa cao ốc thì phải làm thế nào…

Việc xây một công trình ngầm rất tốn kém, đòi hỏi kỹ thuật cao nếu không quy hoạch trước, sau này phải đục phá, rất phức tạp. Nếu có quy hoạch trước, cách xây dựng sẽ khác, có yếu tố chờ để nối vào không gian ngầm, sẽ thuận lợi hơn.

Nếu không đặt trước những yêu cầu về không gian mà cho xây dựng các cao ốc thì về sau sẽ rất vướng. Ngay chuyện metro chẳng hạn, hiện nay, metro mới đơn tuyến thì dễ, nếu phát triển nhiều tuyến chồng lên nhau thì phải có những không gian nối kết các tuyến lại với nhau, rồi việc nối kết đó lại liên quan đến quy hoạch không gian bên trên mặt đất.

Nếu không giữ đất cho không gian phía dưới, phục vụ cho metro thì sau này sẽ phát triển không được. Vì vậy, những việc đó phải thực hiện từ bước một, phải được nghĩ đến ngay.

Thực ra, không gian ngầm gần như xuất hiện cùng với quá trình khai thác, có thể hơi chậm nhưng không ai lại đi quá xa. Ví dụ, bây giờ ngồi hình dung không gian ngầm của 100 năm sau thì chẳng thể hình dung, thứ hai mình giữ đất ở đấy thì cũng không làm gì được. Cho nên, theo từng bước một, chúng ta sẽ có bước đi thích hợp.

Trung tâm mua sắm dưới lòng đất được xây dựng bên dưới công viên 23/9. (Ảnh: Lâm Ngọc)
Trung tâm mua sắm dưới lòng đất được xây dựng bên dưới công viên 23/9 - Ảnh: Lâm Ngọc

*Liệu TPHCM có đủ thực lực để phát triển không gian ngầm chưa, thưa ông?

-Tôi nghĩ từng bước họ sẽ làm. Thực lực của TPHCM có nhiều điều mình không ngờ đâu. Tôi có thể nói như thế này, nước Nga ở thời điểm khó khăn, chẳng có bao nhiêu tiền mà người ta vẫn làm được hệ thống metro mà cho đến nay được đánh giá tuyệt vời.

Thế thì, chúng ta cần xem cách của họ như thế nào, chắc chắn phải có cách huy động nguồn lực. Nghe hàng tỷ tỷ đôla nhưng so với nền kinh tế xã hội của nước ta thì nó không lớn. Nếu chúng ta biết cách huy động thì cũng có vốn để làm.

Cái khó của nước ta là điểm xuất phát phát triển kinh tế rất thấp, gần như số 0 do bị chiến tranh tàn phá kinh khủng. Cho nên, nước ta muốn phát triển thì phải vay vốn nước ngoài.

Chúng ta phải vay để giải quyết rất nhiều chuyện, kể cả hậu quả của chiến tranh, cuối cùng phải gánh nợ công lớn. Nếu không phải giải quyết hậu quả của chiến tranh mà chúng ta vay được tiền như thời gian vừa qua thì chắc chắn nước ta đã có metro. Cho nên, chúng ta đành phải chịu đi lùi lại. Nợ công cao, một số người hơi ác ý cứ bảo nếu anh vay nữa, con cháu anh phải trả nợ. Cho nên, người ta e ngại chuyện vay nợ.

Thế nhưng, tôi thấy, nếu tư duy theo kiểu kinh doanh thì các nhà kinh doanh rất bạo, người ta không sợ chuyện nợ, đã kinh doanh không sợ chuyện nợ nần, người ta mới làm được. Nước mình có dám làm kiểu đó không? Nếu biết chắc nước ta phát triển, sẽ trả được nợ thì mới dám vay. Nếu không, chúng ta phải cam chịu một thời gian đến khi nào đủ sức thì lại vay và làm tiếp, bây giờ cứ chuẩn bị sẵn đi.

Nhiều nước độc lập trước ta hoặc không có chiến tranh mà tại sao cũng không thể phát triển không gian ngầm. Bởi vậy, chúng ta nóng vội quá cũng không được, phải bình tĩnh. Có chăng chúng ta nóng vội ở chỗ giao thông bị tắc nghẽn nhiều quá, tất cả đều trông chờ có metro, có không gian ngầm để giải quyết chuyện đó.

*Từ chuyện nguồn vốn, đặt trường hợp nếu một tòa cao ốc muốn xây dựng đường ngầm nối từ tòa nhà đến metro thì ai sẽ là người bỏ tiền ra?

-Người xưa có câu “Thế gian hữu sự tất cầu”, anh có nhu cầu thì anh bỏ tiền làm. Cao ốc đó muốn hút khách vào ở thì anh phải bỏ tiền làm đường hầm… Ngược lại, tàu điện ngầm cũng muốn có nhiều khách để đi thì cần phải có đường hầm. Cả hai cùng có nhu cầu thì phối hợp với nhau. Nhà nước cũng có lợi ích, đỡ kẹt xe. Thế là, cả ba cùng làm. Để giao thông phát triển, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kích hoạt, chủ động quy hoạch, kêu gọi đầu tư, kích cầu để cùng tham gia.

Một không gian ngầm phục vụ cho thương mại của trung tâm mua sắm dưới lòng đất. (Ảnh: Lâm Ngọc)
Một không gian ngầm phục vụ cho thương mại của trung tâm mua sắm dưới lòng đất - Ảnh: Lâm Ngọc

*Việc người dân tự ý khai thác không gian ngầm trong lúc chưa có quy hoạch liệu có gây ra sự hỗn loạn?

-Hiện nay, theo luật đất đai của nước ta, không có quy định người dân hay Nhà nước làm chủ không gian ngầm. Cụ thể, nếu chủ sở hữu đất được phép xây dựng nhà thì có quyền khai thác không gian phục vụ cho việc xây dựng nhà. Không gian đó bao gồm đóng cọc xuống lòng đất mấy chục mét. Không gian bên dưới được sử dụng, Nhà nước không can thiệp. Cho nên, người dân muốn làm mấy tầng xuống dưới thì làm. Thậm chí, thời điểm tôi còn làm việc, Nhà nước còn khuyến khích người dân làm tầng hầm để tăng diện tích sử dụng.

Trong khi đó, các nước khác quy định rõ ràng hơn. Chủ sở hữu trên mặt đất thì coi như được sở hữu toàn bộ từ tâm trái đất lên đến vũ trụ, không phận và không gian ngầm đều có quyền sử dụng. Việt Nam chỉ cho chủ sở hữu sử dụng phần diện tích trên mặt đất, không gian ngầm dưới sâu thì chưa có quy định cụ thể, mà chưa có quy định thì tự hiểu phần không gian này thuộc Nhà nước quản lý.

Xin cảm ơn ông! 

Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI