Truyện ngắn - Vì yêu

03/05/2022 - 18:51

PNO - Thi thoảng Trinh ngưng tay bó rau, quệt mồ hôi, ngồi bên hè ngó ra sân trước, thấy chồng ngồi chỏng chơ bên chén rượu. Con khô đuối chỉ còn một mảnh thịt xơ xác, mỏng manh dính trên kẽ răng chồng.

Chợ vắng. Lúc thưa khách, mấy bạn hàng đùa nhau rằng ở chợ này, Trinh sướng nhất. Theo lời họ, Trinh là cô gái thừa hưởng chín phần nhan sắc, lấy được ông chồng đẹp trai, lưng dài vai rộng lại còn biết thỉnh thoảng chở rau cải ra ngồi chợ phụ bán với vợ là có phước lắm rồi. Còn một phần truân chuyên ẩn trong cái hồng nhan ấy, cô khéo léo gói ghém, che đậy bằng nụ cười suốt những buổi chợ dù hôm ấy khách đông hay thưa, ngày mưa hay nắng.

Những niềm vui giả vờ rồi cũng cạn queo và khô dần theo ngày tháng. Chỉ có chứng nghiện rượu của chồng cô ngày càng chảy nhão ra. Tấm thân anh cũng tơi dần, đến mức người chỉ một lần bắt gặp cũng ái ngại; kiểu như con khô đuối anh hay nhâm nhi cùng chén rượu cay. Con khô đuối vốn rất dai nhưng cuối đoạn đời nó cũng tanh bành dưới tay người. Thi thoảng Trinh ngưng tay bó rau, quệt mồ hôi, ngồi bên hè ngó ra sân trước, thấy chồng ngồi chỏng chơ bên chén rượu. Con khô đuối chỉ còn một mảnh thịt xơ xác, mỏng manh dính trên kẽ răng chồng. Mọi khi, cô còn vội chạy ra xốc nách chồng dìu vào nhà, sợ chồng trúng gió độc lăn quay ra thì khổ.

Lần này, lạ thay, cô vẫn điềm nhiên ngồi bó cho bằng hết mớ rau lang vừa hái sau vườn. Bó rau xong, cô còn phải quét dọn mớ lá rau già, rau bị sâu khoét lỗ thì mang cho bầy thỏ ăn. Bầy thỏ háu ăn. Những chiếc răng nhai ngấu nghiến, kèn kẹt suốt ngày. Tiếng nhai của bầy thỏ đã nhiều lần khiến chồng cô nổi điên, túm tai từng con quăng xuống ao. May mà ao cạn và cô về kịp. Chồng nói phải vậy bầy thỏ mới không trệu trạo trêu ngươi, khinh thường người đàn ông duy nhất trong gia đình. 

 

Từ khi phát bệnh, anh chỉ quanh quẩn trong nhà. Hôm nào anh không mệt thì chở rau ra chợ chồm hổm gần nhà, ngồi phụ vợ bán. Giữa buổi chợ đông, mấy lần anh nhăn nhó kêu mệt, khều vợ xin mấy đồng lẻ về mua rượu uống cho hết mệt. Cô nén tiếng thở dài, đưa chồng khi năm chục, khi tròn trăm, dặn mua thêm tô cháo lòng hay dĩa mì xào… chứ uống rượu không có ngày lủng ruột. Hôm anh đi khám bệnh về, cô hỏi, anh cười cười rồi đi cắm nồi cơm: “Bệnh của chồng chỉ có rượu ngon, mồi bén mới trị hết được đó vợ ơi!”.

Chồng cô bực bội với mấy con thỏ, cô cũng không thèm đếm bao nhiêu lần nữa. Lứa thỏ nào gần phá bầy, con nào con nấy mập mạp, lông mướt rượt cũng phải một lần nếm mùi tắm ao. Rồi cũng có lần cô nổi cơn, hỏi chồng có thù gì với mấy con thỏ mà phải ra tay hành hạ chúng. Chồng cô cười khẩy, khệnh khạng lê tấm thân dính đầy bùn đất vào nhà, thả mình lên bộ ván. Chỉ vài giây sau là nghe tiếng anh ngáy khò khò vang dội. Anh ngáy như còi tàu, rền, sầm sập… ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.

Cô giật mình ngạc nhiên nhận ra sao mình có thể chịu đựng được những âm thanh chói tai kinh khủng ấy triền miên, không hồi kết cũng như tại sao cô không còn cảm thấy khó chịu mỗi khi ngồi chung mâm cơm với chồng. Cô điềm nhiên nuốt cơm trong tiếng nhai thức ăn và tiếng húp rượu rột rẹt của anh. Nếu là trước khi quen anh, những âm thanh ấy có khi khiến cô nôn mửa thật sự. Trước kia, chỉ cần đi ngang quầy cơm rượu của bà già đầu chợ, hơi cơm rượu bốc lên cũng đủ khiến cô choáng váng muốn xỉn. Giờ, cô phải tập quen với những bữa cơm kèm dăm ba chén rượu. Anh ăn ít, uống nhiều. Có hơi men, anh không đập đồ, không đánh vợ chửi con như khối thằng đàn ông mạt hạng trong cái xóm đầy nhóc những tay bợm rượu này. Những khi đó, anh thật lành.

Vậy nhưng nhìn chồng ngày ngày nằm thõng thượt trong nhà, cô không phải là không có chút khó chịu. Trước đây, cô quen với việc chồng loay hoay ngoài công trình dang nắng trộn hồ, trộn vữa, vác xi măng leo mấy tầng lầu. Đó rõ là một tay đàn ông cơ bắp lực lưỡng, hừng hực sức sống. Cô còn muốn gì nữa! Ừ, cô muốn gì nữa khi vì cô mà anh từ một thanh niên trắng trẻo, đẹp như tài tử xi-nê đã thành một tay thợ hồ toàn thân rám nắng, quần quật suốt ngày? Cứ nghĩ như vậy là cô chìm ngay vào giấc ngủ, không lăn tăn nữa.

Rồi từ ngày chồng cô mang bệnh, thất nghiệp, thêm chứng nghiện rượu tăng nặng, cô nhiều lần thở dài nhưng cũng đâu có cớ để hờn giận anh lâu. Cô cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ một lần nhón chân về nhà nội tụi nhỏ, xin để anh trở về. Vài lần ông bà nội tụi nhỏ đi ngang chỗ cô bán, cô thấy, cúi đầu chào để rồi khi ngẩng lên, cô tưởng như mình vừa chào thinh không. Thậm chí một cái liếc xéo để thấy cô vẫn đáng cho họ bận lòng mà họ cũng không thèm ban phát. Cô đành nuốt tiếng thở dài trở ngược vào lòng. 
***
Đứa con gái bữa nọ giỡn chơi mà ai dè nói thật: “Mẹ cứng như một cái cây cổ thụ, còn ba thì cứ dặt dẹo như cọng rau héo”. Cô mỉm cười. Không. Cô muốn mình là một cọng rau non mướt, mềm mại - một cọng rau luôn thèm khát sự nâng đỡ, bảo bọc. Nhưng, cuộc đời này có nhiều nghịch lý. Đôi khi ta muốn được bảo bọc mà lại phải gồng lên bảo bọc cho người khác.

Chồng cô chỉ đủ sức hùm beo với bầy thỏ nhát hít của cô. Năm lần bảy lượt vậy mà cô cũng chỉ lẳng lặng xắn quần lội xuống ao vớt thỏ lên, tắm rửa, lau khô tụi nó. Cùng lắm, cô hăm ngày mai cắt rượu, cắt mồi. Cái lần mà cô hỏi anh có thù gì với bầy thỏ của cô, anh thấy cô phùng mang trợn mắt, ấm ức thật thương. Mà cặp mắt cô trợn lên nó ngộ lắm. Kiểu vừa giận vừa thương, bảy phần thương ba phần bất lực. Tối đó, dứt cơn say, anh lọ mọ xuống bếp lục cơm nguội. Mà lạ, nồi cơm cô vẫn cắm dây giữ ấm, cá kho tộ cũng còn nóng, tô canh chua cũng đang bốc hơi.

Và kìa, cô ngồi thu lu một góc. 

Anh sững sờ suýt đánh rơi tô cơm xuống nền nhà. Trong bóng tối, anh thấy vợ mình đang khóc. Thật đó. Cô khóc đó. Bao nhiêu năm qua vợ chồng cực khổ cùng nhau, đây là lần đầu anh thấy cô khóc nhiều như vậy. Nước mắt cô chảy như nhựa cây, ri rỉ. Anh cứ đứng sững như vậy thật lâu. Lát sau, như bừng tỉnh, anh rụt rè bước tới, ôm cô thật chặt…

Lúc cô cắc cớ hỏi anh có thù gì với bầy thỏ, anh còn hơi men nhưng cũng kịp mỉm cười. Mấy lúc này, sao mà cô thật đẹp. Anh không biết tả vẻ đẹp của vợ mình ra sao vì nó không đẹp theo chuẩn mực nào hết. Đó là một vẻ đẹp trong sáng như ánh trăng, càng nhìn lâu càng say. Cũng lâu rồi, những cơn đau khiến anh không còn tâm trí để ngắm vợ. Anh chìm trong men rượu cay. Chỉ mong đến một lúc nào đó, hơi men có thể nâng anh lên, khiêu vũ cùng nhau trên những tầng cao. Lúc nào đó, có thể anh sẽ được ngắm nhìn vợ mình lâu hơn, sâu hơn.

Nhiều năm trước, anh đã từ chối cô gái mà ba má mai mối, môn đăng hộ đối với gia đình. Vì chuyện đó, ba má nhất định từ mặt thằng con “đổ đốn, dại gái”. Thời buổi này, người ta tìm vợ chốn sang chảnh thượng lưu chứ ai tìm vợ chợ đông. Cô gái mà hôm anh miễn cưỡng đi hẹn hò theo ngày giờ sắp đặt, mới uống dứt cữ cà phê đã đòi anh đưa đi mua sắm. Anh không tiếc cái điện thoại đời mới nhất hay đôi giày hiệu hai mươi mấy triệu đồng. Có đáng gì đâu! Anh chỉ tiếc thời gian vàng bạc của mình. Anh tiếc cái chạm mặt ngay cửa chợ. Trinh biến sắc, mặt tái xanh, môi run rẩy không nói nên lời khi gặp anh đi cùng cô gái nọ. Lúc đó, trong anh nhói lên một dự cảm không lành. 

Anh mất mấy ngày trời mới tìm được Trinh khi cô đang đứng thất thần giữa bến xe. Gặp anh, cô chỉ biết khóc ròng.

- Em muốn đi thật xa. Em sẽ nuôi con khôn lớn, sẽ để anh không vướng bận. Mà ngặt nỗi… em quên mang theo tiền mua vé xe.

Anh chở cô về, luôn miệng mắng yêu:

- Em thiệt… tào lao quá đi! Bộ tưởng muốn đi là đi được hả? Bộ anh cho đi hả?

Hả… hả…? Cô không nhớ anh đã ghim vào mình bao nhiêu câu hỏi. Cô chỉ nhớ mình hỏi anh đúng một câu:

- Tại sao lại là em?

- Để trả nợ chứ sao! Kiếp trước chắc anh nợ em dữ lắm nên kiếp này phải trả.

Mà sau này, ngó lại, cô toàn phải trả nợ thay cho chồng. Nợ tiền mồi, tiền mua rượu, tiền thuốc… từ đầu trên xóm dưới đều réo tên cô. Cô muối mặt chắt mót tiền rau trả nợ, mà mấy bà bạn hàng còn ghẹo:

- Ai biểu dại trai, ham chồng đẹp, ráng đi!

Cái bữa cô khóc trong góc bếp, anh cũng ôm cô vào lòng, nói em ráng đi, nay mai anh hết bệnh, anh đi làm lại, lo cho mấy mẹ con; rồi hỏi, em có giận gì anh không; rồi cắc cớ: “Em thương anh vậy, nếu có kiếp sau, em còn thương anh nữa không?”.

Tự dưng cô nổi quạu. Thôi đi, kiếp này ráng mà sống cho ra sống, còn hai đứa con kìa, anh liệu mà, đừng có say xỉn nói bậy… Ở đó mà tính chuyện kiếp sau. Tào lao!

Giờ, nhớ chuyện tối hôm đó, cô đâm bực bội. Mình cực quá rồi mà. Vì sao và vì ai vậy? Nếu không vì anh ta? Còn anh ta, sáng mở mắt ra là đòi rượu, tối ngủ cũng rượu. Nếu cô lấy người đàn ông khác, biết đâu giờ này cô đang ngồi trong tiệm, chìa bàn tay bàn chân cho thợ sơn phết tỉa tót bộ móng bóng loáng ngon lành chứ đâu có chịu cảnh móng tay đen sì vì dính mủ rau muống, rau lang… Giờ này, cô có thể la cà đâu đó, ăn ngon mặc đẹp, chơi sang chứ đâu phải ngồi bó từng bó rau thảm não, tính từng hột cơm cho ba bốn miệng ăn… Đừng nói kiếp sau mà ngay kiếp này, nếu có đổi lại, chắc cô cũng…

Ủa, mà sao hôm nay anh xỉn không ngáy như sấm rền nữa? Lạ quá, sao nay chồng cô giỏi vậy! Cô buông mớ rau, bước ra chỗ chồng nằm ngoẹo đầu. Chồng cô thổ huyết. 

Chỉ vậy thôi, anh không kịp hùm beo với bầy thỏ của vợ thêm lần nào nữa. Hồ sơ bệnh án lưu trong bệnh viện khiến cô choáng váng. Ung thư gan tiến triển nhanh giai đoạn cuối. 
***
Thái nhả giọng lè nhè sau chầu nhậu với sếp lớn của công ty đối tác. Trai ba mươi, nhà, xe Thái có đủ, chỉ thiếu một người phụ nữ tựa cửa chờ mình. Những mối tình của Thái có đầy đủ bản sắc, từ cô gái cá tính con đại gia lấy quán bar làm chân ái cuộc đời đến cô giáo cấp III dịu dàng e ấp. Mà sao Thái cứ tuột khỏi mối quan hệ tưởng là chắc chắn đó. Thứ Thái thèm là một bữa cơm tối có bàn tay và bóng dáng người đàn bà của mình ở đó, không phải ánh đèn xanh đỏ, nhạc dập dìu hay những lời giáo điều khuyên bảo…

- Anh còn phải đợi đến bao lâu mới được em nấu cho bữa cơm, hở em?

Cô không nhìn anh ta. Sóng tình trong mắt chàng trai này có thể nhấn chìm bất cứ cô gái nào. Anh chàng có lúc tỏ ra kiêu hãnh vì điều đó. Tốt thôi. Thái có quyền kiêu hãnh vì những thứ anh ta có. Cô cũng vậy. 

Thái dừng xe, ngồi bệt bên vệ đường, rít thuốc. Lâu rồi, anh chưa có cảm giác run lên vì những cảm xúc dồn nén trước phụ nữ như khi cô nói lời từ chối anh. Nhẹ nhàng. Dứt khoát. Đứt ngọt như bị cỏ cứa ven đường.

Khuất sau kính xe anh, căn nhà nhỏ xíu của ba mẹ con cô chỉ còn là cái chấm nhỏ. Thái có cố ghép mình vào đó cũng không thể nào vừa vặn.

Cô khép vội cổng sau khi chiếc xe rời đi. Gì chứ? Sao Thái có thể mở miệng đề nghị cô cho hai đứa nhỏ về bên nội sống. Anh ta đã là gì của cô. Thật nực cười! Cô nhìn ảnh chồng. Gương mặt anh vẫn đẹp đến nao lòng. Cuối cùng thì anh vẫn là cây cổ thụ, cô chỉ là cọng rau dặt dẹo mỏng manh. Anh tự dìm mình vào những cơn say. Chỉ những cơn say mới đè được nỗi đau thể xác. Anh sợ nước mắt của cô khi nhìn anh đau, sợ hãi lắm! Cuốn sổ tiết kiệm mà anh đã bí mật ủy quyền cho vợ con đủ để cô không phải cúi mặt đưa con về nhà nội để nhận về thứ không phải tình thương. 

Cô bàn với các con, tháng sau ba mẹ con sẽ đi du lịch. Hai đứa nhỏ dạ rân. Lâu rồi tụi nó mới thấy mẹ mình có kế hoạch đi chơi “bài bản” vậy. Ừ thì - cô nói, kiểu gì mình vẫn phải sống cho trọn vẹn hết đời này, phải không con? 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI