Truyện ngắn - Tiệm bánh tình yêu

20/12/2022 - 09:13

PNO - Mỗi sáng Chủ nhật, từng hồi chuông giáo đường đổ dồn. Giữa lòng phố buổi sớm lộng gió, những con chiên có quá nhiều thứ thu hút trong ngày cuối tuần ngắn ngủi. Nhưng anh thì luôn có nỗi lòng nặng trĩu.

Anh không thể nói với cô con gái đang ở độ tuổi lên 3 có cặp mắt trong veo, mái tóc xù và thân hình tròn thơm như cục bông về điều buồn tẻ của mình ở nơi giáo đường ấy. Anh - một người ngoại đạo - vẫn chưa quên niềm tin trong trẻo của mình trong ngày tân hôn tại nơi này. Anh như một con chiên lạ lẫm gia nhập vào đàn chiên ngoan đạo, với hoa thơm, bánh ngon, trái ngọt và niềm tin tuyệt đối vào sự tác hợp của đấng thiêng liêng trước thánh đường: “… loài người sẽ không được phân ly”. 

Ngày Tiên - vợ anh - rời đi, cô ấy chẳng mảy may đoái hoài đến những lời hứa hẹn trong lễ cưới. Hụt hẫng, chơi vơi, đau đớn nhưng anh không có ý định níu kéo Tiên ở lại khi nhận ra mối quan hệ của họ không cân bằng. Trong khi anh chỉ cần có Tiên thì Tiên lại cần thứ khác, có thể ngoài cả anh. Hôm Tiên xách vali đi, anh ngước nhìn tháp chuông giáo đường, cảm thấy bị tổn thương như một đứa trẻ bị niềm tin của chính mình phản bội. 

Mỗi sáng Chủ nhật, anh thức dậy sớm, thay đồng phục cho con gái, chọn bộ áo quần chỉn chu nhất rồi hai cha con cùng đến giáo đường. Ngôi nhà thờ gần nhà có khoảng sân rộng thênh thang. Trẻ con chỉ cần tuột khỏi xe của cha mẹ là tung tăng chạy nhảy, hòa lẫn vào nhau dưới ánh nắng sớm mai trong vắt. Chỉ trong tích tắc, anh đã không còn nhận ra đâu là bé Bánh trong số những “cục bông” trong bộ đồng phục đầm trắng không thể đứng yên một chỗ trong sân. Thế nhưng, Bánh dễ dàng nhận ra ba. Vui chơi vậy thôi chứ cô bé không hề rời mắt khỏi ba. Vì vậy mà nhất cử nhất động của ba, Bánh nắm hết. 

Một lần, Bánh hỏi: “Sao ba không vô nhà thờ mà lại ra quán cà phê ngồi?”. Bị con gái bắt “tại trận” mình trốn lễ, anh quê nhưng vẫn tìm ra lý do thích hợp để xoa dịu một đứa nhỏ. Anh nhận ra nói dối trẻ con thật dễ. 
Anh cũng là đứa trẻ lớn lên từ những lời nói dối. Cả những câu chuyện cổ tích mà anh mê mẩn về một cuộc sống huy hoàng dành cho những đứa trẻ tốt bụng, biết yêu thương, giúp đỡ người khác… cũng là giả dối. Nếu không, tại sao anh chưa có hạnh phúc trọn vẹn?
***
Tiên từng nói với anh: “Sẽ chẳng ai hạnh phúc được khi không có một cơ ngơi đủ ổn định”. Tiên nói điều đó vào giữa tuần. Tiên còn báo thêm rằng cô ấy sẽ không ở nhà trong ngày cuối tuần. Chẳng may, trong lúc thơ thẩn chờ con trước giáo đường vào sáng Chủ nhật, từ xa, anh đã kịp thấy chiếc xe hơi bóng loáng đậu trước cửa nhà và người bước lên xe là Tiên.

Chiếc xe lăn bánh. Đến ngang tầm nhìn, anh còn kịp nhận ra người cầm lái là Duy. Tiên cũng từng kể về Duy với anh bằng thái độ bình thường, như khi Tiên kể về những người đàn ông vây quanh cô ấy trước đây. Giờ thì anh biết tại sao Tiên hay nói anh ngây thơ quá, ai nói gì cũng tin. Thuở ban đầu, Tiên nói anh là người hiền lành, thật thà, dễ dụ… Những ngôn từ ấy mang ý nghĩa tích cực trong thời điểm đó. Nhưng, theo thời gian, nó không giữ nguyên được ưu điểm như lúc ban đầu. 

Rồi Tiên nói xa xôi rằng người hiền lành ở đời này chỉ thiệt thòi và dễ bị người khác ăn hiếp; rằng anh coi kìa, những đứa ngoan hiền, giỏi giang trong lớp học, ra đời có làm nên trò trống gì đâu. Chỉ mấy đứa lanh lợi, khôn khéo, biết dùng chiêu trò này kia mới làm giàu được…

Mãi sau Tiên mới nói toạc với anh: “Anh tính bám tiệm bánh nhỏ xíu đó tới khi nào? Bây giờ người ta làm theo công nghệ, bán online chốt đơn không kịp, anh cứ làm thủ công theo lối truyền thống thì khi nào mới giàu nổi?”. 

Khi đó, anh nhìn những cục bột trơ trọi trong gian bếp, thấy chúng đáng thương quá. Trưa đó, anh không ngủ mà mải mê với thau bột trong gian bếp thơm tho mùi bánh. Bé Bánh cũng không chịu ngủ, quẩn quanh bên chân ba. Ở tuổi lên 3, cô bé líu lo đủ thứ chuyện. Anh ôm chặt con vào lòng, nước mắt cứ muốn trào ra. Anh định hỏi con xem con có hạnh phúc không khi sống cùng ba nhưng nhận ra bé Bánh chỉ mới 3 tuổi - quá nhỏ cho một câu hỏi lớn như vậy. Anh thấy mình ngập ngụa trong nỗi mặc cảm ghê gớm, rằng một ngày nào đó bé Bánh cũng bỏ anh mà đi khi nó bỗng nhận ra: “Sao nhà ba không to như nhà của bạn con? Sao xe ba không có mái che; không êm ái, mát mẻ như xe nhà bạn con?”… Anh co rúm người lại vì ý nghĩ đó. 

Ôm Bánh thật lâu, anh mới hỏi con: “Con thích gì nhất nè?”. Bé Bánh thôi nghịch cục bột trên gian bếp, mặt mũi tèm lem, quay lại nhoẻn miệng cười với ba: “Con thích được ăn bánh ba làm”. Có vậy thôi mà anh vui đến chảy nước mắt. Anh nhận ra thứ mình đang có trong tay chính là hạnh phúc.
***
Sáng nay Chủ nhật, anh dậy từ rất sớm. Mẻ bánh ngon lành sáng nay anh dành tặng cho các bé thiếu nhi đi lễ trong nhà thờ. Bé Bánh hân hoan với thông tin này từ tuần trước, khi anh chủ động vào gặp các xơ ngỏ ý được ủng hộ mẻ bánh cho các em nhỏ dùng bữa sáng, sau thánh lễ.

Bánh lên 4, đã biết tự chải tóc trước giờ đến giáo đường. Hôm nay, con kể: “Có bạn của con rất thích ăn bánh ba làm. Mỗi khi đem bánh theo, con đều cho bạn ăn chung đó ba”. Trong ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên có điều gì đó lắng lại. Bánh ngập ngừng hỏi: “Nhưng mà ba ơi, bạn hỏi sao mẹ không làm bánh mà là ba làm? Khi nào mẹ mới đi công tác về vậy ba?”. 

Anh cũng chợt khựng lại. Không biết giờ này Tiên có hạnh phúc với sự lựa chọn của cô ấy? Tháng ngày trôi qua, bằng cách nào đó, nỗi đau trong anh đã lắng dần. Suy cho cùng, người ta đã sinh ra trên cuộc đời này đều phải bước về phía trước. Anh không còn buồn bản thân mình hay trách giận Tiên. Anh nhận ra rằng mỗi người đều có quyền lựa chọn điều tốt đẹp nhất cho mình. Tiên cũng vậy thôi! Những lời thề thốt của cả hai khi ấy không có gì sai vì ít nhất trong thời khắc đó, cả hai đã chân thành với nhau. Thì thôi, cứ sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại để dù người đi hay ở, ta cũng đã chân thành nhất với người, với bản thân, là đủ.

Anh gói ghém tâm tư lại khi vạt nắng đã lên cao khỏi đỉnh chuông giáo đường. Anh hình dung ra những khuôn mặt háo hức cầm bánh, bẻ ra hít hà mùi thơm phức, béo ngậy của nhân bánh, thấy niềm vui vun đầy trở lại. 
Vị xơ già đón anh từ cổng, chỉ cho anh vị trí bàn ăn của lũ trẻ. Đó là khoảng sân rộng bên hông nhà thờ. Nền sân sạch tinh tươm, mát mẻ. Những chiếc bàn, chiếc ghế nho nhỏ xinh xinh đã được sắp sẵn, chuẩn bị để bọn trẻ ngồi ăn khi tan lễ. 

Tan lễ, đám trẻ trong bộ đồng phục trắng ùa ra kín sân, nô nức nói cười. Trong đám trẻ con ấy, chợt có một bàn tay bé tí chạy lại ôm lấy chân anh, hai bím tóc lúc lắc. Anh ngồi xuống cho vừa tầm, vòng tay ôm con. Ở đám đông, Bánh không thích được ba ôm như ở nhà nên chỉ một lát, Bánh rời anh, hòa cùng đám bạn. 

Anh chợt nhớ người bạn Bánh hay nhắc. Anh cũng muốn biết mặt cậu bé ấy. Vừa lúc có người phụ nữ dắt một cậu bé lại gần anh, nụ cười thể hiện sự tự tin trong giao tiếp: “Thì ra anh là chủ tiệm bánh mà con tôi rất thích ăn”. Anh nhìn xuống cậu nhóc, thấy Bánh cũng vừa chạy tới. Nhận ra ngay đó là cậu bạn mà Bánh hay nhắc, anh vui vẻ cảm ơn người phụ nữ trẻ. Anh nghĩ rằng mình cần nói gì đó với người phụ nữ ấy. Giọng anh có phần gượng gạo của người ít giao tiếp nhưng rất chân thành:
- Hôm nay tôi chỉ kịp làm một món bánh cho tụi nhỏ. Nếu có dịp, cô ghé cửa hàng tôi ở gần đây, sẽ có thêm những món bánh khác.

Người phụ nữ trước mặt đoán chừng thua anh vài tuổi. Cô ta có nét đẹp hiện đại nhưng vẫn gần gũi. 
- Ý của tôi là tôi rất vui nếu cậu bé thích những chiếc bánh do tôi làm.

Hình như câu đó vẫn chưa phù hợp với ngữ cảnh. Cả anh cũng không hiểu câu nói gợi mở ấy nhằm mục đích gì. Thật may, mẹ của cậu bé kia mỉm cười với anh.

Đó là một nụ cười đẹp - đẹp như đám trẻ nhỏ chạy nhảy trong khoảng sân ngập nắng vào buổi sáng Chủ nhật đẹp trời này. Nụ cười ấy có lẽ thay cho câu trả lời rằng cô ấy sẽ ghé.
***
Chủ nhật. Đúng ra tuần này Trà My hẹn sẽ cùng con trai cô ấy ghé tiệm bánh. Anh còn dự định chuẩn bị món bánh brownie có phủ lớp cà phê mỏng bên trên. Loại bánh này có thể nhâm nhi cùng một chút vang, anh nghĩ sẽ hợp với phong cách của Trà My. Tuy nhiên, có sự thay đổi lịch trình. Nhà thờ đưa các em nhỏ đi tham quan khu sinh thái, bé nào đi sẽ có phụ huynh đi kèm. Bé Bánh mỗi ngày đều nhắc để ba khỏi quên. Xem ra, con rất háo hức với chuyến đi này. 

Trên xe, rất ít trẻ ngồi với cha mẹ. Hầu hết chúng chọn ngồi cùng bạn bè hay các anh chị lớn hơn mà chúng quen. 
Xe rời khỏi thành phố, lao về phía trước. Chẳng mấy chốc, những lốc nhà cao tầng lùi xa, rồi những mái nhà thấp lè tè dọc quốc lộ đầy bụi bẩn cũng lùi xa. Cho đến khi hai bên đường chỉ là những mảng đất khô, những cánh rừng bạt ngàn, xanh mát hiện ra. Đám trẻ con được người lớn chỉ trỏ những thứ hay ho, khác với ở đô thị. Chúng ồ à lên đầy thích thú. Khác với người lớn, trẻ con luôn dễ dàng có được những niềm vui như vậy.

Xe chạy thêm một đoạn nữa thì có bầy trâu lừng lững đi trên đường. Đám trẻ reo lên thành tiếng. Anh quay sang thấy Trà My vừa tỉnh giấc, có lẽ bởi tiếng ồn của đám trẻ. 

Có một dạo, anh rất sợ nói chuyện, nhất là với phụ nữ vì sớm hay muộn, họ cũng có cách nào đó đề cập đến sự nghiệp, tài chính của anh. Điều đó như thể là một sự háo hức tò mò với họ, chẳng hiểu để làm gì. Mà anh đã từng bị tổn thương vì điều ấy. 

Song, lần này, Trà My hỏi một câu khác:
- Anh làm bánh ngon vậy, sao anh không mở lớp dạy?

Rồi cô ấy à lên thích thú:
- Hay là anh mở lớp dạy làm bánh cho trẻ em vào Chủ nhật? Đó sẽ là hoạt động thú vị, ý nghĩa cho tụi nhỏ trong ngày nghỉ. Anh nghĩ sao?

Anh bất giác cảm động vì trong tiềm thức của anh đã cài đặt câu hỏi khác, đại loại như: Anh kiếm được bao nhiêu tiền với tiệm bánh bé tí đó? Sao anh không chọn một công việc khác cho đỡ cực hơn mà lại kiếm được nhiều tiền hơn? Anh làm bánh như vậy, khi nào mới xây nhà, mua xe, đi du lịch nước ngoài như người ta?

Trà My hỏi một câu khác. Cô ấy như một vị thần với chiếc đũa thần kỳ trên tay vừa xua đi những nỗi mặc cảm ngự trị trong lòng anh. Anh hít một hơi thật sâu, thấy luồng không khí đưa vào phổi nhấc bổng đứa trẻ trong anh cao lớn, mạnh mẽ, tự tin hơn. 
***
Hôm nay, anh trở thành khách mời của một chương trình truyền hình chủ đề về niềm đam mê, tình yêu với ẩm thực. Hôm nay, anh nói chuyện trước đông đảo khán giả ở cương vị một đầu bếp, người thầy đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò làm bánh và truyền cảm hứng cho họ trong gian bếp.

Khi biên tập viên hỏi về điều tuyệt vời nhất đối với một đầu bếp bánh, anh nghĩ ngay đến Trà My. Về sự kết nối, đồng hành, sẻ chia và tin tưởng. Anh chia sẻ rằng đó là những sáng Chủ nhật cùng người thương quây quần bên gian bếp thơm tho mùi bánh cùng nhau nhấm nháp vị ngọt, béo, thơm ngon của những chiếc bánh vừa ra lò. Tình yêu thương từ gian bếp ấy mang lại nguồn năng lượng để anh hoàn thành những mẻ bánh hoàn hảo gửi đến những vị khách thân yêu của mình. Niềm hạnh phúc chỉ đơn giản vậy thôi!

Trong hậu trường, anh thấy Trà My cùng bé Thỏ và bé Bánh đang háo hức theo dõi buổi ghi hình. Lát nữa thôi, anh sẽ cùng họ tận hưởng giây phút hạnh phúc bên gian bếp yêu thương. 

La Thị Ánh Hường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI