Truyện ngắn: Có cơn bão vừa ngang qua đây

24/03/2021 - 17:23

PNO - Sau mười năm ở trọ, chị mua được căn hộ trả góp. Số tiền tiết kiệm bấy lâu trả trước một phần ba, còn lại chia đều trong mười năm, mỗi tháng nộp ngân hàng mười lăm triệu đồng.

Từ phòng trọ chuyển qua “nhà của mình”, con gái chị vui lắm. Vừa lau dọn bày biện, ca hát, con gái vừa hỏi: “Má định mua tủ gỗ hay tủ nhựa? Tủ lạnh màu gì, sofa màu gì nhớ hỏi con trước nha! Trên mạng dạy cách phối màu hay lắm, để con chọn màu hợp tông”.

“Xài đồ cũ thôi con. Nhà mình còn phải trả nợ ngân hàng”, chị nói. Như chợt nhớ ra, con gái cười cười gục gặc: “À, con biết mà”, rồi chuyển qua thủ thỉ: “Trong buồng ngủ thì mình xài đồ cũ cũng được nhưng phòng khách thì mua bộ bàn ghế mới nghen má”.

Sợ chị rầy la, con gái nói thêm thật nhanh: “Mình bớt tiền đi chợ. Mấy đứa bạn nói con dạo này phát phì, má đừng ép con phải ăn này ăn kia nữa, mập ú xấu lắm”.

Nhìn cái kiểu háo hức đợi đến lúc rủ bạn bè tới chơi khoe nhà mới, chị cũng lây niềm vui của con. Tuổi mười lăm hay so sánh, nhiều khi buồn vui cũng vì so sánh. Nếu tiền bạc rủng rỉnh, chị sẵn lòng mua mọi thứ trên đời cho con được vui trọn vẹn.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

*
Sao anh biết mà tặng bộ sofa đúng màu con gái chọn làm quà tân gia?

Biết chị hay ngại và từ chối, anh đưa địa chỉ cho cửa hàng giao thẳng tới nhà, còn nhắn tin: “Anh đã chốt với bên bán rồi. Nếu em không nhận thì họ cũng không trả tiền lại đâu”.

 Thật tình chị không có ý trả lại vì con gái vui thích ra mặt và quà tân gia là một lý do chính đáng. Con gái khen: “Nhìn chú vậy mà cũng có gu quá!”. Chị cười cười: “Chắc chú cũng hay đọc trên mạng như con”. Nói xong chị hơi hối hận, mấy khi con gái chịu khen anh mà chị lại dội một gáo nước lạnh, nhưng lời nói đã lỡ buông ra rồi.

 Nhớ lần chị dò ý: “Con thấy chú được không?”, con gái tỏ ra chững chạc: “Trên mạng nói tuổi hai mươi kết hôn với ai cũng không sợ khổ vì còn cả cuộc đời dài để xoay chuyển số phận, nhưng tuổi trung niên đi bước nữa thì hãy cẩn thận, vì khi đó người ta cần một điểm tựa hơn là chỉ có tình yêu”.
- Con thấy chú có thể là một điểm tựa không? 

Con gái bặm môi:
- Sao con biết được! 

Trích dẫn trên mạng thì hay ho lắm, nhưng khi phải tự trả lời thì luôn là: “Con không biết”.

Không biết mà lại hay ý kiến ý cò.

Người ta thường nói hãy đi bước nữa khi con còn nhỏ, chứ khi con đã lớn thì khó lắm. Nhưng biết làm sao khi chị gặp người ta lúc con đã lớn. Cái tuổi ẩm ương. Nhớ buổi họp phụ huynh, chị vui sướng nghe cô giáo khen con gái mình vừa học giỏi vừa ngoan, phụ huynh ngồi bên phải thì thầm hỏi chị: “Bà dạy con sao mà hay quá vậy; chứ con nhà tui lười học, ham chơi, mẹ cha nhắc nhở là cãi leo lẻo, lý sự cùn. Điên cả người”.

Người ngồi bên trái thở dài: “Tuổi dậy thì nổi loạn, đứa nào cũng vậy bà ơi, không trước thì sau. Cãi leo lẻo mà mình còn nhìn thấy nó là may, chứ nếu nó nín thin thít lê la ngoài đường mới đáng sợ…”.

Chị đâm ra lo lắng, đến bao giờ con gái mình nổi loạn và nổi loạn kiểu gì. Chị nhớ lại ngày xưa của mình, dậy thì hồi đó chỉ là mơ mộng chép thơ vô sổ tay và ngẩn ngơ ngắm nhành hoa tigon đong đưa ngoài song cửa… Dậy thì bây giờ sao khác quá. Tờ báo cuối tuần mở diễn đàn dành cho những bà mẹ có con tuổi ẩm ương ý kiến rằng con cái cãi lại còn là may mắn vì ít ra mình biết nó đang nghĩ gì, chứ cái kiểu đóng kín cửa phòng từ chối mọi đối thoại thì vô phương. 

Chị càng đọc càng thấy rối mù. Ờ, cũng tại cuộc sống bây giờ khác trước quá mà. Chị cứ tự hỏi và tự trả lời như vậy để trấn an mình. Suốt chục năm làm mẹ đơn thân, khổ tâm và khổ xác đến mấy chị cũng chịu được, chỉ sợ con hư. Diễn đàn từng có ý kiến rằng nếu phụ huynh thiếu hiểu biết và không khéo léo, kiên nhẫn thì có thể sẽ mất luôn con khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Nỗi sợ này khiến chị dùng dằng, không dám gật đầu với anh vì sợ biết đâu anh lại trở thành cái cớ cho sự nổi loạn. Chị chưa bao giờ nói ra điều này, nhưng bằng cách nào đó anh hiểu được và đáp lại bằng lời hứa sẽ chỉ đem đến niềm vui và sự bình yên cho hai má con.

Người đàn bà có thể vừa yêu con với tất cả trái tim mình đồng thời yêu một người đàn ông cũng bằng tất cả trái tim mình? Chị tự hỏi và tìm câu trả lời trên trang báo hôn nhân nhưng chỉ thấy những tâm tình khuyên nhủ thực tế mà cũng rất mơ hồ. Có vẻ như trái tim người đàn bà phải chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn đựng một mẩu tình riêng. Như vậy chẳng khác nào cân đong đo đếm, như tình cảnh hiện tại của chị. Thật mệt mỏi. 
*
Căn hộ mới và bộ sofa mới như tiếp thêm động lực khiến con gái chăm chỉ học hành, siêng năng lau dọn nhà cửa và luôn tỏ ra ngon miệng với những bữa cơm chỉ có trứng luộc và rau hoặc nồi cá kho mặn ăn trong hai ngày. 

Trả góp mười lăm triệu đồng mỗi tháng, chị phải cố hết sức, nhưng bù lại, chị có được sự yên tâm chứ không như phần lớn các bà mẹ có con tuổi ẩm ương thường phải lo lắng khi con vắng nhà, bởi chị biết rõ giờ này giờ kia con gái đang học trên trường hay đang học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ… 

Nỗi sợ thường trực trong chị bùng nổ thình lình vào đúng sinh nhật con gái. Thường thì chị mua một bộ váy áo, một đôi giày mới và nấu một bữa thịnh soạn cho con gái mời nhóm bạn thân tới vui chơi. Nhưng năm nay… Hằng tháng gom góp đủ tiền nộp ngân hàng là chị đã gồng hết sức mình. Anh nói hãy cho phép anh góp một tay nhưng chị lắc đầu. Không phải chị sợ anh mà là sợ cuộc đời. Quá khứ là một bài học quá lớn. Nếu sau này cuộc đời có tàn nhẫn đến mấy thì chị và con cũng có căn nhà này làm nơi nương náu mà không phải chịu ơn ai.

Một ngày trước sinh nhật con, chị nói với con như đùa mà rất thật: “Sinh nhật này mình đóng cửa lại ăn cơm với trứng luộc, dưa leo rồi má con mình xem một bộ phim tình cảm thật hay nghe con”.

Con gái mở to mắt nhìn chị chăm chăm rồi bật ra: “Chú không nói với má là con mời chú rồi à?”. Chị bất ngờ và xúc động đến nỗi không nói nên lời. Bỗng con gái òa khóc. Lời lẽ tuôn như thác đổ: “Con có đua đòi phung phí gì đâu, cả năm chỉ có một lần. Tại má. Hồi đó ly hôn sao má không đòi chia tài sản? Má ra đi tay trắng để má phải khổ rồi con cũng khổ theo. Má thỏa mãn lòng kiêu hãnh với người ta mà con phải thiếu thốn, nín nhịn…”.

Chị sững sờ. 

“Bây giờ thì con không nín nhịn nữa đâu”, con gái hét lên và lao ra cửa. Chị chụp vai con lại: “Con định đi đâu?”. Mặt mũi con gái bừng bừng: “Con đi gặp ba. Má không đòi thì con đòi. Con có quyền đòi ba phải có trách nhiệm nuôi con. Má cản con được lúc này thì con cũng gặp ba lúc khác. Má cản con hoài được không?”.

Chị choáng váng, trước mặt chị là phiên bản của chồng cũ… Quá khứ rùng rùng thức giấc, hiện ra đêm khuya đó, điện thoại reo vang, giọng phụ nữ rúc rích nũng nịu và chồng cũ trả lời: “Ừ, anh đến ngay đây”. Chị níu vai chồng lại: “Giờ này mà anh đi đâu?”. Chồng cũ lạnh lùng: “Em cản anh hoài được không?”. Hôm đó, mẹ chị từ quê lên thăm con cháu. Chị thiếu điều muốn quỳ lạy van anh hãy đợi mẹ về quê rồi muốn làm gì thì làm. Chồng cũ cười giễu cợt: “Anh đưa cô ấy về ở chung em chịu không?”.

Chị không khóc mà mẹ chị khóc. Bà khóc cho con gái mình, cho cháu ngoại mình và cho chính mình bị con rể sỉ nhục không chút nể nang. 
*
Điện thoại chói tai và giọng chồng cũ giận dữ: “Cô thâm hiểm quá sức tưởng tượng của tôi đó. Mười năm im lặng để thiên hạ khen cao thượng rồi cô gom lại lấy một cục hả? Có người đàn bà nào dùng chính con mình làm vũ khí như cô không?”.

Bao nhiêu năm qua, có biết bao sự thay đổi, vậy mà người đàn ông đó chẳng khác chút nào. Trước đây, anh ta luôn đổ thừa mọi điều cho chị và giờ cũng vậy. Cũng may là chị đang quá lo lắng nên lời lẽ không khiến chị đau đớn như xưa. Chị chỉ lắng nghe để dò đoán con gái đã nói gì với ba nó và kết cục ra sao. 

“Không có chuyện quy ra tiền một cục đâu. Cô khôn quá! Tôi cũng biết làm toán mà. Cô nuôi nó mười năm giờ ngán rồi thì cho nó về đây, tôi nuôi lại mười năm, coi như huề”, anh ta lạnh lùng.

Chị sợ hãi tự hỏi con gái có đang đứng gần ba nó không, có nghe những lời lẽ cay nghiệt đó không. Lạy trời là không. Hãy cứ để con gái nghĩ tại má kiêu hãnh. Hãy cứ để con gái nghĩ lỗi tại chị.

Cú điện thoại cắt đột ngột như khi vang lên.

Chị nín thở đợi con gái về, sẵn sàng dang tay ôm con vào lòng và ôm luôn cơn nức nở. Nhưng mà… lỡ con không về? Lỡ con đi lang thang trên đường và rồi… Chị rùng mình nhớ lại những bộ phim mà nhân vật trẻ rơi vào tay bọn xấu chỉ vì buồn. Chị nhớ rằng con gái thích có dịp thực hành những thứ “hay ho” trên mạng…

Chị chụp lấy điện thoại, muốn hỏi chồng cũ xem con bé đã về chưa, nếu chưa thì hãy giữ con lại đợi chị tới đón. Từng hồi chuông dài vang lên không hồi đáp.

Chị hối hả lao ra đường. Chị căng mắt nhìn giữa những con phố dọc ngang nườm nượp người và xe…
*
Trời tối dần. Buồn, mệt, âu lo, sức lực cạn kiệt, chị quay về trong nỗi kinh sợ sự trống vắng nơi căn nhà của mình. 

Vậy nhưng, đón chị là mùi thơm của món trứng chiên và mùi cơm vừa chín tới. Con gái nhoẻn cười như chưa từng xảy ra chuyện gì: “Má đói bụng chưa?”.

Có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ mình được gặp lại con gái như thế này nhưng rõ là sự thật. Con gái đang gắp rau cải luộc từ trong nồi ra dĩa, cái nồi còn bốc khói nghi ngút.

Chị gật đầu, vờ tỏ ra như chưa từng xảy ra chuyện gì: “Ờ, đói bụng quá, dọn cơm đi con, để má dằm chén mắm ớt”.

Bữa cơm trôi qua như một vở kịch mà hai diễn viên đều diễn tận lực, để rồi nửa khuya, chị qua phòng con gái, đứng cạnh giường lắng nghe hơi thở đều đều. Bất chợt con gái vươn tay cầm lấy vạt áo chị, nấc nghẹn: “Con xin lỗi. Con chỉ nghĩ lấy được tiền đem về cho má bớt khổ”. Chị nhớ lại mình đã nghĩ con gái là phiên bản của chồng cũ nên cảm thấy hối hận vô cùng. Chị nằm xuống bên cạnh con, thì thầm: “Ngày mai má nấu mấy món, con rủ bạn bè tới cho vui”. Con gái lắc đầu, tiếng mái tóc loạt xoạt trên gối: “Con đã nói rồi mà, con chỉ mời một mình chú thôi!”.
*
Sinh nhật con gái, anh đem đến bó hoa mười sáu bông cúc tím và cái bánh kem ba tầng cắm mười sáu cây nến hồng. Trong ánh sáng ban ngày khó nói thành lời mà nỗi xúc động giữa khuya dễ dàng thốt ra, con gái chỉ lí nhí cảm ơn anh rồi nhìn chị bằng ánh mắt như lặp lại: “Con đã nói rồi mà…”.

Chị thở phào, bối rối xen lẫn cảm giác ấm áp. Anh tinh tế cảm nhận được mọi điều, vậy anh có biết cơn bão vừa đi ngang qua đây?

Nếu biết, chắc anh chỉ cười nhẹ và đổ thừa cho tuổi nổi loạn. Anh thường nói: “Em đừng quá lo, hồi đó khi mười lăm mười bảy, anh cũng làm cha mẹ đau đầu lắm…”. 

Nguyên Hương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI