Trường THCS Hồ Văn Long (Q.Bình Tân, TP.HCM): Giáo viên tố hiệu trưởng không công khai tài chính

08/05/2020 - 08:04

PNO - Không công khai tài chính theo đúng quy định, không đấu thầu căng-tin, bãi xe; thu nhập tăng thêm giảm khoảng 50%... là những bức xúc mà giáo viên trường này phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Không đấu thầu căng-tin, bãi xe

Nhiều giáo viên (GV) Trường THCS Hồ Văn Long cho biết: có nhiều khoản thu - chi không rõ ràng nhưng hiệu trưởng nhà trường không công khai tài chính theo đúng quy định khiến GV càng nghi ngờ. Trong đó, các khoản thu như tiền tăng tiết, học phí buổi hai, hướng dẫn tự học… là những con số không nhỏ. GV đã thống kê và bất ngờ trước những khoản thu hàng trăm triệu đồng từ hơn 1.700 học sinh (HS). 

Trường
Trường  THCS Hồ Văn Long

Cụ thể, khoản thu tăng tiết học kỳ I năm học 2019-2020, các GV cho biết đây là dịch vụ áp dụng tại các lớp không tổ chức bán trú. Khối Sáu có bảy lớp học tăng tiết, khối Bảy có bảy lớp, khối Tám có chín lớp, khối Chín có bảy lớp. Tính ra, 30 lớp có học tăng tiết, tương đương với khoảng 1.200 HS. Mức thu dao động từ 128.000-480.000 đồng/tháng (tùy tháng, lớp) thì tổng thu trong học kỳ I lên đến hơn 900 triệu đồng. Trong khi đó, trường chi trả cho GV trực tiếp dạy là 153.000 đồng/tiết. Như vậy, với hơn 2.200 tiết, số tiền trường chi cho bộ phận trực tiếp là khoảng 343 triệu đồng. 

Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 5/5, ông Phạm Vĩnh Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, cho biết: trường chi trả đến 65% trên tổng thu từ tiền tăng tiết cho GV trực tiếp dạy. Trước đó, trường có thỏa thuận với GV, đồng ý với mức thù lao thì mới được dạy. 
Thế nhưng, nhiều GV cho rằng, tính toán ra thì con số chi trả cho GV trực tiếp đứng lớp chỉ chiếm hơn 30%, số còn lại không biết sử dụng như thế nào.

Đối với học phí buổi hai đang áp dụng ở sáu lớp Sáu và năm lớp Bảy với khoảng 450 HS, với mức thu 120.000 đồng/tháng thì tổng thu khoảng 216 triệu đồng. Thời gian học khoảng 900 tiết. Mỗi tiết dạy, GV được trả 153.000 đồng, tương đương hơn 130 triệu đồng. Số tiền còn lại được sử dụng ra sao - là câu hỏi lớn của GV. 

Ngoài các tiết học chính thức của buổi hai, trường còn xếp lịch một tiết cuối của buổi sáng hoặc tiết đầu của buổi chiều ở các lớp bán trú với hình thức dò bài, sau này là hướng dẫn tự học, mỗi tháng thu 120.000 đồng (riêng tháng 10 thu 150.000 đồng). Theo GV, tổng thu cho 450 HS trong học kỳ I là hơn 200 triệu đồng. Trong tháng 8 - 9, trường trả cho GV 100.000 đồng/tiết, tháng 10 - 11 - 12 là 140.000 đồng/tiết; chi trả cho GV chỉ hơn 117 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 111 triệu đồng được sử dụng vào việc gì? 

Về vấn đề này, ông Phú cho biết, đến học kỳ II mới thực hiện tiết dò bài. Tuy nhiên, trong phiếu đóng tiền của HS, vào tháng Tám đầu năm học (học hai tuần), trường đã thu số tiền này 60.000 đồng. 

Ngoài ra, GV cũng cho biết, trường thu học phí tiếng Anh bản ngữ 220.000 đồng/tháng, trong đó tháng 12 chỉ học hai tuần nhưng vẫn thu tiền đủ. “Người phản ánh chứng tỏ không phải là người đóng tiền. Mình thu đủ tháng 12, tháng Một có học hai tuần rồi nghỉ tết thì bù tiền đã đóng qua mà không thu thêm tháng Một”, ông Phú nói. Thế nhưng, thực tế phiếu báo học phí của HS lớp Bảy vẫn thu tiền tiếng Anh bản ngữ tháng Một là 110.000 đồng cho hai tuần học. 

Theo các GV, từ lúc ông Phú về trường đến nay, GV - nhân viên không biết được nguồn thu bãi giữ xe, căng-tin là bao nhiêu, do đơn vị nào phụ trách bởi không công khai đấu thầu. Ông Phú khẳng định: không trường nào được làm đấu thầu căng-tin, bãi xe, làm vậy là sai; chỉ là thông báo mời đơn vị bên ngoài làm. 

Công khai tài chính theo kiểu có như không

Các GV còn cho biết, trong ba năm học ông Phú làm hiệu trưởng, cán bộ - GV chưa thấy hiệu trưởng công khai đầy đủ các nguồn thu - chi tài chính. Ông Phú giải thích: tài chính quận kiểm tra trường công khai theo Thông tư 90, công khai theo quy chế dân chủ được UBND quận kiểm tra hằng năm. Phản ánh này lần đầu tiên mới nghe, nếu có ý kiến trong cuộc họp hội đồng sư phạm hoặc phản ánh trực tiếp với hiệu trưởng mà không công khai thì mới không đúng. Theo ông, bản công khai tài chính được dán trên bảng. Mấy năm nay, trường không có mua sắm lớn. Nếu không công khai thì đã bị quận xử lý. 

Thế nhưng, điều đáng nói là trong bản công khai ông Phú đưa cho chúng tôi xem cũng như bản mà ông dán trên bảng phần lớn đều trống trơn thông tin. 

Trong khi đó, việc công khai tại các cơ sở giáo dục là điều bắt buộc, thủ trưởng và các thành viên liên quan có trách nhiệm phải công khai các nội dung theo đúng quy định của pháp luật trước tập thể hội đồng sư phạm, phụ huynh HS… Theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định phải công khai: dự toán, quyết toán thu - chi tài chính, các khoản chi theo từng năm học; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị... 

GV trường này còn “than” rằng thu nhập tăng thêm năm 2019 giảm khoảng 50% so với năm 2018. Một GV có chủ nhiệm khoản thu nhập tăng thêm sáu tháng đầu năm 2018 khoảng 11.900.000 đồng, sáu tháng cuối năm 2018 là hơn 12.300.000 đồng. Nhưng đến năm 2019, chi một lần duy nhất là hơn 12.600.000 đồng vào cuối năm. Một GV khác, không có chủ nhiệm, năm 2018 có thu nhập tăng thêm khoảng 20 triệu đồng nhưng đến 2019 chỉ còn hơn 11.700.000 đồng.

Ông Phú cho rằng, thu nhập tăng thêm giảm là do hoạt động nhiều, ngân sách và nguồn thu là để chi cho hoạt động, dôi dư mới có thu nhập tăng thêm nên không có chuyện thu nhập tăng thêm mỗi năm phải như nhau. Theo quy định, các hoạt động cho HS không được lấy từ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh nên phải sử dụng kinh phí của nhà trường, cụ thể là mua sắm bàn ghế mới cho HS.


Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI