Trước nguy cơ tạm dừng, chủ đầu tư đề xuất 3 phương án cho dự án xe buýt nhanh

30/11/2021 - 09:30

PNO - Sở Giao thông Vận tải TP kiến nghị UBND TP chấp thuận tạm thời hoãn thực hiện dự phát Phát triển Giao thông xanh TP (dự án buýt nhanh BRT Số 1).

Theo đó, ngày 19/11, Sở Giao thông Vận tải TP đã kiến nghị UBND TP về chấp thuận tạm thời hoãn thực hiện dự phát Phát triển Giao thông xanh TP (dự án buýt nhanh BRT Số 1).

Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM nêu các hệ lụy nếu tạm hoãn dự án theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải TP. Cụ thể, qua trao đổi với Ngân hàng Thế giới (WB), nếu TPHCM tạm hoãn thực hiện buýt nhanh Số 1, ngân hàng sẽ hủy dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Điều này đồng nghĩa không thể triển khai gói thầu tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt ở thành phố từ nguồn này. Việc chấm dứt vốn cho dự án cũng sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO cũng như chấm dứt ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch chung TP.Thủ Đức. Song song, chủ đầu tư cũng đánh giá việc tạm dừng dự án ảnh hưởng công tác đền bù, tái định cư của công trình...

Sơ đồ tuyến buýt nhanh số 1 tại TPHCM
Sơ đồ tuyến buýt nhanh số 1 tại TPHCM

Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho rằng giai đoạn 2021-2025, việc phát triển giao thông công cộng đặc biệt cấp thiết. Do đó, đơn vị này đã kiến nghị 3 phương án cho dự án buýt nhanh Số 1:

Phương án 1 là thành phố tiếp tục dự án Phát triển giao thông xanh cùng các nội dung, nguồn vốn đã thống nhất với WB và SECO. Theo phương án này, thành phố cần tập trung giải pháp, đảm bảo các điều kiện liên quan để đồng bộ với tuyến BRT Số 1, giúp dự án thành công khi khai thác.

Phương án 2, TPHCM sẽ dừng dự án Phát triển giao thông xanh và chấm dứt, thanh lý 12 hợp đồng tư vấn quốc tế, trong nước cùng các nội dung liên quan. Khi triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP Thủ Đức, thành phố sử dụng ngân sách khi đầu tư lại mạng lưới xe buýt.

Phương án 3, thành phố dừng tuyến BRT Số 1 trong dự án Phát triển giao thông xanh, nhưng thương thảo với WB và SECO, tiếp tục dùng vốn của nhà tài trợ để xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao (hoặc loại hình vận tải hành khách công cộng phù hợp), với lộ trình kết nối tương tự buýt nhanh Số 1 dự kiến hoạt động.

Phương án 3 này được Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM kiến nghị UBND TPHCM lựa chọn.

Khi thực hiện phương án trên, thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống buýt nhánh từ Rạch Chiếc qua các trung tâm đô thị ở TP Thủ Đức; tuyến buýt chất lượng cao kết nối TP Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất; tiếp tục triển khai các gói thầu tư vấn quy hoạch TP.Thủ Đức, tổ chức mạng lưới xe buýt... từ vốn của nhà tài trợ.

Dự án Phát triển Giao thông xanh TP có mục tiêu xây dựng và đưa vào phục vụ người dân TP tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 với chiều dài 26km (từ vòng xoay An Lạc đến nhà ga Rạch Chiếc) và kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn.

Dự án này có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại vốn đối ứng TP. Để triển khai hiệu quả công trình này, TP bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sĩ thông qua tổ chức SECO, với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD.

Dự án được kỳ vọng tái cấu trúc hệ thống xe buýt TP, xây dựng thẻ vé thông minh và trung tâm thanh toán bù trừ cho các loại hình giao thông công cộng TP; huấn luyện và đào tạo nhân lực; nghiên cứu quy hoạch đô thị TP Thủ Đức…

Hiện, dự án đã được trình thẩm định các gói thầu xây lắp, dự kiến thi công từ tháng 7/2022 và khai thác cuối năm 2023.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI