Trung tá Vũ Thành Trung: "Chúng tôi chiến đấu vì niềm tin đất nước sẽ hoàn toàn giải phóng..."

30/04/2023 - 08:20

PNO - Tôi được sống thay cho những người nằm xuống nên không thể để linh hồn những người hy sinh thất vọng. Ý nghĩa đó theo tôi cả cuộc đời, giúp tôi giữ được mình, có được sự thanh thản. Đó chính là tài sản lớn nhất tôi có được.

Nước mắt và niềm vui (Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành) là tập hồi ký của trung tá Vũ Thành Trung viết về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Người lính trinh sát năm ấy bao lần đối diện với sinh tử giữa làn lửa đạn. Ngày trở về, ông mang theo những vết thương trên cơ thể và ký ức về những năm tháng không thể nào quên. Ông viết sách vì muốn để lại di sản ký ức ấy cho con cháu hôm nay và thế hệ mai sau.

Tác phẩm Nước mắt và niềm vui của trung tá Vũ Thành Trung
Tác phẩm Nước mắt và niềm vui của trung tá Vũ Thành Trung

Ngày 30/4/1975, người lính Vũ Thành Trung cùng đồng đội chiến đấu ở Chơn Thành (cách TPHCM khoảng 80km, thuộc tỉnh Sông Bé, sau này là tỉnh Bình Phước). Đó cũng là trận đánh cuối cùng của đơn vị. Khi nghe Đài phát thanh Giải phóng phát thông tin miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, những người lính miền Đông năm ấy ôm nhau mừng vui mà chảy nước mắt. Đến lúc đó, họ mới tin mình và đồng đội còn sống, sắp được trở về thăm quê hương xứ sở…

Trung tá Vũ Thành Trung sinh năm 1942 tại Bình Thuận. Ông hoạt động cách mạng bí mật từ năm 1958. Tháng 7/1961, ông thoát ly vào đội công tác Hồng Sơn. Tháng Mười một cùng năm, ông tham gia bộ đội địa phương tại đại đội 450 khu Lê Hồng Phong. Tháng 4/1962, ông hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1963, ông vào miền Đông Nam Bộ hoạt động đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng, trung tá Vũ Thành Trung công tác tại ngành công an tỉnh Sông Bé, với các chức vụ: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát và Trưởng phòng Cảnh sát điều tra. 

Nếu không viết ra, kỷ niệm sẽ mất theo mình 

Phóng viên: Vì sao mãi đến thời điểm này ông mới cho ra mắt hồi ký chiến trường, thưa trung tá Vũ Thành Trung?

Trung tá Vũ Thành Trung: Trước đây, tôi chưa từng có ý định viết hồi ký. Thế nhưng, khi đọc được nhiều hồi ký của bạn bè, tôi lại muốn kể lại câu chuyện về những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội. Tôi muốn con cháu mai sau biết thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu như thế nào. Có những chuyện đã từng trải qua, chỉ một mình tôi biết, những kỷ niệm chỉ riêng cuộc đời mình có. Nếu không viết ra, khi mình mất đi, kỷ niệm sẽ mất theo.

Nhiều năm trước, tôi từng nhờ một nhà văn chấp bút viết giúp nhưng khi bản thảo hoàn thành, đọc lại, tôi thấy câu chuyện không như mình hình dung. Bản thảo dày gần 400 trang nhưng tôi đọc có cảm giác khô khan nên chưa thật ưng ý. Sau đó, nhờ sự động viên của nhiều người, tôi quyết định tự mình ngồi viết. Tôi bắt đầu hồi ký bằng những trang viết trên giấy A4, sau đó nhờ người đánh máy lại. Cứ thế, hơn 1 năm, tôi mới hoàn thành bản thảo rồi gửi cho bạn bè, đồng đội xem trước. Mọi người đều cảm thấy những gì tôi kể trong sách rất thật. Nhiều người làm việc cùng tôi trong ngành công an còn không biết đời lính của tôi như thế nào, khi đọc hồi ký, họ nói rằng câu chuyện tôi kể đã cho họ hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu gian khổ. Tất cả chia sẻ của mọi người đều cho tôi niềm vui và sự vững tâm để xuất bản tập hồi ký này.

Trung tá Vũ Thành Trung (trái) trong ngày ra mắt hồi ký Nước mắt và niềm vui tại Hội Nhà văn TPHCM
Trung tá Vũ Thành Trung (trái) trong ngày ra mắt hồi ký Nước mắt và niềm vui tại Hội Nhà văn TPHCM

* Mở đầu hồi ký là câu chuyện ký ức về trận chiến sinh tử ở Bu Prăng, có phải đó cũng là kỷ niệm khó quên nhất trong đời lính trinh sát của ông?

- Đó là trận chiến mà trước khi ra trận, tôi đã xác định mình sẽ hy sinh. Trinh sát là lực lượng tinh nhuệ được chọn lựa qua thực tế chiến đấu trong các đơn vị bộ binh, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hiểm nguy, khi chui vào đồn giặc là cái chết đã cận kề. Sáng 27/12/1965, các lực lượng tham chiến chuẩn bị hành quân đến vị trí tập kết. Trước khi hành quân, tôi đem toàn bộ đồ cá nhân cho hết anh em cùng tiểu đội; chỉ mặc một bộ đồ trên người, đến điểm tập kết thì cởi bỏ luôn. Lính đặc công vào trận chỉ mặc trên người chiếc quần lót. Tôi đã xác định không trở về thì còn giữ đồ đạc cá nhân làm gì. 

Đến 21 giờ, chúng tôi bắt đầu cắt rào kẽm gai. 23 giờ, có mũi đã cắt xong rào, có mũi chưa cắt xong thì bị lộ. Một trái pháo sáng vụt lên thì tất cả hỏa lực của địch bắn xối xả vào các hướng tấn công của ta. Bộ đội ta chiến đấu hết sức dũng cảm. Chiếm được 2/3 cứ điểm, diệt được nhiều địch thì ta không còn quân dự bị để đưa vào cho các cánh mà số thương vong mỗi lúc một tăng cao. Trong lúc đó, anh em vừa chiến đấu vừa phải đưa thương binh, đồng đội đã hy sinh ra ngoài. Một quả đạn cối rơi trúng lưng đồng đội bên cạnh tôi. Tôi thấy toàn bộ bên trái người tê buốt, sờ xuống dưới nhận ra mình đã mất 1/3 đùi, máu tuôn xối xả… Sau đó, tôi bất tỉnh. 

Lúc tôi tỉnh dậy, trận đánh đã kết thúc. Dùng hết sức lực, tôi cố trườn ra bên ngoài. Tôi biết vết thương của mình quá nặng, chỉ có nằm chờ chết nhưng nếu hy sinh, tôi không muốn nằm chết trong đồn giặc. Lúc tôi bị thương, anh Lê Du - Tham mưu trưởng tiểu đoàn - biết được đã cho anh em trinh sát tới tìm…

Trên mặt trận Phước Long đầu năm 1975, anh Mười Trung là người đứng trên nòng pháo
Trên mặt trận Phước Long đầu năm 1975, anh Mười Trung là người đứng trên nòng pháo

Vì một niềm tin

* Tôi đọc hồi ký, cảm thấy người lính trinh sát Vũ Thành Trung năm ấy dù có bao lần giữa lằn ranh sinh tử vẫn chưa bao giờ sợ cái chết sẽ đến với mình…

- Trong chiến tranh, sống chết là lẽ thường tình. Ngày nào chúng tôi cũng phải đối diện với điều đó, có lúc chứng kiến đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mình. Có khi vừa cùng ăn với nhau bữa cơm, rồi ngay sau đó bạn bè mình đã không còn nữa. Địch ngày đêm càn quét, rải bom liên tục. Cái chết trở thành chuyện rất bình thường. Người lính ra chiến trường là đã xác định trước mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nếu không phải mình thì sẽ là đồng đội mình, tất cả đều đang chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. 

Có lần tôi gỡ một trái mìn con cóc (mìn M16E3) (loại mìn khi vướng phải thì quả mìn phóng lên khỏi mặt đất 80cm mới nổ, gây sát thương cao) về nghiên cứu. Tôi mang mìn ra cách đơn vị 100m để… nghiên cứu vì nghĩ nếu có nổ thì một mình tôi chết thôi. Nhờ vậy tôi hiểu rõ về đặc tính của loại mìn này và về báo cáo với anh em. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu nghiên cứu thành công thì mình có thông tin cho đơn vị. 

Sau ngày đất nước thống nhất, anh Mười Trung được sang Liên Xô học
Sau ngày đất nước thống nhất, anh Mười Trung được sang Liên Xô học

* Hành quân lên Tây Nguyên rồi về chiến trường Đông Nam Bộ, từng là thương binh nặng thuộc diện điều chỉnh ra Bắc điều dưỡng, điều gì khiến ông quyết tâm ở lại chiến trường miền Nam?

- Thời điểm ấy, tôi bị thương nặng ở bàn chân, đi nhiều là vết thương sẽ loét ra, chảy máu, rất đau đớn. Song, nếu ra Bắc nghĩa là tôi phải nằm trên võng cho đồng đội khiêng mình. Đường ra Bắc gian khổ, trèo đèo lội suối, tôi không thể nào chịu nổi tình cảnh mình thì nằm còn đồng đội phải thay nhau khiêng. Điều quan trọng hơn, tôi muốn được ở lại chiến trường, tiếp tục chiến đấu. 

Khi ở trại thương binh, nhận tin báo ban quân y sắp xuống kiểm tra phân loại, số thương binh nặng đưa ra Bắc điều dưỡng, số còn lại bố trí công tác tùy vết thương, tôi và 4 anh em nữa bàn cách ở lại bằng cách ráng tập luyện và đi lại cho ngon lành, để khi đoàn xuống kiểm tra, mình không nằm trong diện đi Bắc nữa. Đến lượt mình, tôi chỉ cho xem vết thương trên đùi và các vết thương ở phần mềm, giấu vết thương nặng ở bàn chân. Khi họ bảo tôi đi thử, tôi bấm bụng bước đi. Ngay khi tôi bước đi, vết thương trong bàn chân bị tét, máu tuôn ra ọc ạch trong giày. Tôi đau lắm nhưng cắn răng chịu đựng để được ở lại chiến trường. Chúng tôi quyết tâm ở lại chiến trường vì niềm tin một ngày đất nước sẽ hoàn toàn được giải phóng, mình sẽ được về thăm quê hương xứ sở…

Cùng đơn vị qua thác Mơ (Sông Bé) để triển khai đánh vào tiểu khu Phước Long ngày 4/1/1973.  Anh Mười Trung đứng ở bìa phải
Cùng đơn vị qua thác Mơ (Sông Bé) để triển khai đánh vào tiểu khu Phước Long ngày 4/1/1973. Anh Mười Trung đứng ở bìa phải

Chiến thắng bản thân mới là trận chiến khó khăn nhất 

* Những phẩm cách của người lính đã ảnh hưởng đến ông như thế nào khi chuyển sang ngành công an làm việc sau giải phóng?

“Với một người đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt, mang trong người di chứng những vết thương và nay đã 80 tuổi, viết là một công việc khó nhọc, không khác gì một trận chiến phải đối mặt, vượt qua bằng sự kiên trì, nhẫn nại từng chút một. Thế nhưng, tôi thấy anh thật hạnh phúc khi được chia sẻ hồi ký của mình đến với bạn đọc để thế hệ mai sau thấy được sự hy sinh gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của lớp người đi trước…”. 

Đại tá Nguyễn Đức Tấn - nguyên Trưởng ban Thông tin Khoa học quân sự Quân khu 7

- Nghề công an, với biểu tượng thanh gươm và lá chắn, có được quyền “bắt hay thả” trong tay. Trước muôn trùng cám dỗ, tôi thấm thía chiến thắng bản thân mới là trận chiến khó khăn nhất. Một chữ ký của tôi cũng có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của người khác. Có biết bao vụ án, có biết bao người muốn quà cáp, làm thân, mời tiệc… nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ thu vén lợi lộc gì cho mình và cũng không vì điều gì mà làm sai với đạo đức. 

Những ngày về hưu, được sống thanh thản trong tình yêu thương của đồng đội, đồng bào; đôi lúc tôi tự hỏi sức mạnh nào đã cho tôi chiến thắng ấy. Và tôi tự tìm thấy câu trả lời khi đi về chiến trường xưa, gặp lại những người dân đã cưu mang, che chở tôi, những đồng đội đã chết thay tôi; có những người đã cứu sống tôi nhưng rồi họ ngã xuống ở tuổi đôi mươi… Tôi được sống thay cho những người nằm xuống nên không thể để linh hồn những người hy sinh thất vọng. Ý nghĩa đó theo tôi cả cuộc đời, giúp tôi giữ được mình, có được sự thanh thản. Đó chính là tài sản lớn nhất tôi có được.

* Bây giờ trở lại chiến trường xưa, ông thấy những nơi ấy đổi thay như thế nào?

- Chiến trường Phước Long ngày xưa điêu tàn, tan nát hết. Bây giờ tôi trở lại, mọi thứ đều đã đổi thay. Khu vực sân bay Phước Bình ngày trước giờ đã trở thành phố xá, được quy hoạch thành khu dân cư. Mỗi con đường, mỗi nơi chốn đi qua đều có những câu chuyện kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Đông. Có chuyện gắn với mình, có chuyện gắn với đồng đội mình. Vì vậy mà tôi ráng ngồi viết, mong để lại chút gì cho con cháu…
* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

 “Ở tuổi 80, anh Mười Trung tự lái xe đưa tôi cùng đạo diễn Nguyễn Hoàng - đạo diễn phim tài liệu - về chiến trường xưa. Về Phan Thiết, tôi mới biết anh là con trai của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sửu - một bà mẹ chiến sĩ ở Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời chống Mỹ, bà mẹ ấy tiếp tục nuôi giấu cán bộ, dũng cảm gánh xương trâu bò bị cà-nông địch bắn chết, đi đấu tranh trực diện đòi bồi thường thiệt hại cho đồng bào. Người mẹ ấy dám dang tay cản xe tăng địch càn vào ruộng trồng hoa màu. Chiến tranh càng ác liệt, mẹ càng mong đợi anh em đi tập kết trở về, được gặp đứa con trai út Vũ Thành Trung mà mẹ yêu quý nhất. 

Trước mộ mẹ, Mười Trung nghẹn ngào: “Mẹ tôi mất năm 1961, khi tôi vào chiến khu mới vài tháng. Các cậu tập kết sau ngày hòa bình về không được gặp mẹ. Bà cũng không còn dịp để gặp lại tôi, không có dịp gặp con dâu và mấy đứa cháu nội. Hồng Sơn này có nhiều bà mẹ thầm lặng như mẹ tôi - cực khổ, hy sinh nhiều nhưng không kịp thấy ngày hòa bình…”. Nỗi mất mát không chỉ có thế. 3 người anh của anh là Võ Văn Giỏi, Võ Thanh Anh, Võ Thanh Hùng đã ngã xuống. Tôi cảm nhận cát biển dưới chân mình trắng vậy nhưng thấm máu bao thế hệ. 2 người chị của anh là Võ Thị Tới có chồng và 2 người con hy sinh. Người chị thứ năm của anh là Võ Thị Hoa cũng có chồng và 2 con hy sinh…”.

Nhà văn Trầm Hương

Lục Diệp (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI