Trên Biển Đông, chính nghĩa thuộc về Việt Nam

Trung Quốc sẽ tự đánh vào uy tín của mình nếu tuyên bố ADIZ trên Biển Đông

31/08/2020 - 06:41

PNO - Khi Trung Quốc càng ngày càng muốn đóng cái cột “thiên tử” xuống Biển Đông, thì ta càng kiên gan, bởi câu “Nam quốc sơn hà…” như một lời nguyền truyền nhau không dứt…

LTS: Gió Biển Đông vẫn thổi, căng nương theo đó là những cánh buồm của hậu duệ hùng binh Hoàng Sa một thời đến thuở “ban đầu dân quốc” 2/9/1945 rồi không một phút dừng tay chèo đến bây giờ và mãi mãi ngàn sau. Con cá để ăn, ngọn gió để thở và từng con sóng là những cột mốc xanh nhuộm máu bao thế hệ người Việt, thấm tận tâm can, lặn vào gen, bất biến. Cuộc sống của người Việt, dẫu đang chao lệch bởi đại dịch tàn phá, vẫn không tắt ngọn đèn ngóng biển, vẫn không ngừng dõi theo và chắn che những cơn gió ngạo ngược, xảo quyệt từ phương Bắc tràn xuống, không một phút giây lơ là. Khi Trung Quốc càng ngày càng muốn đóng cái cột “thiên tử” xuống Biển Đông, thì ta càng kiên gan, bởi câu “Nam quốc sơn hà…” như một lời nguyền truyền nhau không dứt… 

Sau “nước cờ” quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng thể hiện rõ ý chí tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển này. Theo nhận định của Hoa Kỳ, không quân Trung Quốc gần đây mạnh lên, được nâng cấp theo hướng có thể sẵn sàng triển khai kiểm soát vùng trời ở Biển Đông khi tuyên bố chính thức ADIZ. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua email với ông Carlyle A.Thayer - giáo sư Đại học New South Wales Canberra và Học viện Quốc phòng Úc - về ý đồ đã có từ năm 2010 của Bắc Kinh.

Giáo sư Carlyle A.Thayer
Giáo sư Carlyle A.Thayer

Phóng viên: Ông có thể cho biết quan điểm về động thái muốn tuyên bố và triển khai ADIZ tại Biển Đông của Trung Quốc?

Giáo sư Carlyle A.Thayer: Không có quy định nào trong luật pháp quốc tế liên quan đến cái gọi là ADIZ (vùng nhận dạng phòng không) cả. Thông thường, một quốc gia chỉ tuyên bố một ADIZ để giám sát các chuyến bay sắp ngang qua không phận của mình. Máy bay dân sự thường được yêu cầu liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu, tự xác định “danh tánh”, cung cấp chi tiết về kế hoạch bay và yêu cầu một sự phê duyệt để có thể tiếp tục hành trình. Trong trường hợp này, nếu có một máy bay nào đó không tự “khai báo” các thủ tục như đã nêu thì quốc gia tuyên bố ADIZ có thể sẽ điều chiến đấu cơ lên để “nhận dạng” bắt buộc hoặc thậm chí đánh chặn.

Theo tôi, nếu Trung Quốc tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông, họ sẽ phải xác định chính xác phạm vi khu vực muốn kiểm soát, các giao thức hoặc quy tắc nhận dạng. Về phía dân sự, các chuyên gia hàng không cho rằng, các hãng bay sẽ luôn tuân thủ nhằm đảm bảo an toàn cho tàu bay và hành khách của họ.

Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố một ADIZ trên Biển Hoa Đông, nơi chồng lấn với không phận mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Việc này đã gây ra căng thẳng vào thời điểm đó. Các hãng hàng không dân sự bay đến Trung Quốc đã tuân thủ và chưa có sự cố nào được báo cáo. Hoa Kỳ đã phản ứng bằng cách gửi “pháo đài bay” B-52 (không mang vũ khí) đi qua vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố và không cần thông báo bộ phận nhận dạng của Bắc Kinh. Trung Quốc khi đó chẳng có hành động đe dọa nào. Theo các tài liệu, họ đã không thi hành ADIZ trên Biển Hoa Đông.

Hiện tại, Philippines là quốc gia duy nhất có tuyên bố ADIZ trên một khu vực nhất định của Biển Đông mà thôi.

* Theo ông, phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á và các nước khác sẽ như thế nào?

- Nếu Trung Quốc tuyên bố một ADIZ trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, khu vực bị họ “kiểm soát” sẽ xuất hiện trên bản đồ dẫn đường bay. Điều này sẽ tùy thuộc vào các hãng hàng không dân sự tư nhân trong việc tuân thủ.

Còn các hãng hàng không quốc gia thuộc sở hữu nhà nước như Garuda Indonesia, Malaysia Airlines, Vietnam Airlines… sẽ làm theo hướng dẫn của chính phủ nước họ.

Ngoài ra, máy bay quân sự sẽ không tuân thủ vùng ADIZ này, dựa trên các căn cứ pháp lý cho phép các lực lượng đang thực hiện quyền tự do hàng không. Tóm lại, việc xác định có tuân thủ hay không sẽ tùy thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia.

* Theo ông, liệu Trung Quốc có tính đến một giải pháp quân sự trong tình huống triển khai ADIZ trên Biển Đông?

- Nếu Trung Quốc cố gắng áp đặt điều kiện đối với việc không chấp hành của máy bay quân sự thông qua ADIZ, họ sẽ phải có “phương tiện” để thực thi các đòi hỏi của mình. Hiện tại, Trung Quốc không có khả năng tuyên bố một ADIZ quân sự trên toàn bộ Biển Đông.

Họ cũng chưa có khả năng thiết lập chiến đấu cơ trên ba hòn đảo nhân tạo đã có đường băng và các cơ sở phụ trợ phù hợp. Nếu Bắc Kinh tuyên bố ADIZ, một số chuyên gia cho rằng, nó chỉ nhằm giới hạn không phận trên quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).

Thế nhưng, chắc chắn là bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm hạn chế không phận hoặc quá cảnh của máy bay quân sự trên Biển Đông đều sẽ khiến Trung Quốc ngay lập tức phải đối đầu với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Đây là những quốc gia hoàn toàn có khả năng thách thức Trung Quốc và đẩy “trách nhiệm” trở thành kẻ đầu tiên sử dụng vũ lực cho Bắc Kinh. Trung Quốc khó mà “khờ khạo” như vậy. Dù rằng, ngay cả khi không tuyên bố một ADIZ, Trung Quốc cũng đã thường xuyên “kiếm chuyện” với các lực lượng không quân của Hoa Kỳ. Đôi khi máy bay của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đã cố tình bay một cách nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp.

* Việt Nam cần có thái độ như thế nào trong hiện tại và tương lai, thưa ông?

- Việt Nam phải cẩn trọng chuẩn bị các phản ứng nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên bất kỳ phần nào hoặc toàn bộ Biển Đông. Chẳng hạn, nếu đường bay thông thường của Hãng Vietnam Airlines vẫn sử dụng bị ảnh hưởng, Việt Nam sẽ phải đánh giá về rủi ro nếu không tuân thủ ADIZ.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không đơn độc và có thể cùng các nước khác từ chối tuân thủ. Trung Quốc sau đó sẽ phải đối mặt với lựa chọn hoặc không làm gì, hoặc đối đầu với một liên minh quốc tế. Việt Nam có thể chuẩn bị trước bằng cách thảo luận vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao để được thông báo về việc các nước khác (cũng bị ảnh hưởng) sẽ phản ứng như thế nào.

Vấn đề tối quan trọng của một ADIZ mà Trung Quốc muốn áp đặt trên Biển Đông không phải là sự kiểm soát quân sự. Cố gắng của Bắc Kinh chỉ nhằm khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo và đá tranh chấp cũng như không phận của họ trên vùng biển này. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn về cơ sở pháp lý nếu các nước liên quan phản đối. Trung Quốc sẽ tự giáng một đòn mạnh vào uy tín của chính mình nếu không thể thực thi ADIZ trước những thách thức của Hoa Kỳ và các đồng minh.

* Xin cảm ơn ông! 

Giáo sư Ngô Vĩnh Long (Hoa Kỳ):

Trung Quốc không đủ khả năng để kiểm soát vùng trời rộng lớn như thế

Nếu Trung Quốc triển khai ADIZ trên Biển Đông, có nghĩa là Trung Quốc cố tình đe dọa các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cũng như thách thức tất cả các nước trên thế giới đã và đang sử dụng vùng trời ở đây. Do đó, tất cả các nước sẽ có phản ứng với hàng loạt các biện pháp khác nhau. Nói chung, bàn cờ chính trị thế giới sẽ không nghiêng về phía Trung Quốc như họ đang mong muốn. Ngược lại, các nước trong và ngoài khu vực sẽ phối hợp với nhau để đương đầu với hành động phi pháp và phi lý này của Trung Quốc.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận bằng tiến sĩ lịch sử Đông Á và ngôn ngữ Viễn Đông tại Đại học Harvard năm 1978. Từ năm 1985, ông là giáo sư tại Đại học Maine giảng dạy các vấn đề lịch sử và chính trị Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và quan hệ giữa các quốc gia trong các khu vực này với nhau cũng như với Hoa Kỳ. Những năm gần đây, ông tập trung đến vấn đề phát triển và vai trò của các chính phủ nói chung. Bên cạnh nhiều đầu sách xuất bản ở nước ngoài, ông là đồng tác giả cuốn Nông nghiệp và nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1997.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long 

Các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia… sẽ phối hợp để đương đầu với Trung Quốc. Nhưng trước đó, mỗi nước có thể phớt lờ đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc bằng cách tiếp tục sử dụng bầu trời khu vực Biển Đông như thường lệ. Trung Quốc không đủ khả năng để kiểm soát một bầu trời rộng lớn như thế. Mà nếu có đủ máy bay để kiểm soát đi nữa, Trung Quốc sẽ có thể làm gì được?

Chả lẽ Trung Quốc sẽ bắn rơi một máy bay của nước nào đó bay qua khu vực này sao? Chỉ cần một máy bay như thế bị bắn rơi, Trung Quốc sẽ rơi ngay vào thế “đơn thương độc mã” trước sự công phẫn và phản ứng mạnh mẽ của thế giới. Các nước sẽ có các biện pháp kinh tế và ngoại giao để cô lập họ.

Tôi cũng cho rằng, Trung Quốc không thể nào “động binh” trên Biển Đông mà không gặp phản ứng mạnh của các nước trong và ngoài khu vực. Họ sẽ tiếp tục chiến lược “tằm ăn dâu”, tức là “lấn từ từ” như họ đã làm trong mấy chục năm qua. Chỉ tuyên bố ADIZ suông thì cũng đã là một thách thức rất lớn đối với các nước láng giềng rồi. “Động binh” thì sẽ “động rừng”.

Đối với Việt Nam, tôi nghĩ, nên chuẩn bị dư luận và tinh thần của nhân dân trong nước về tình hình hiện nay và những khả năng có thể xảy ra trong tương lai, để có thể củng cố sức mạnh của toàn dân trong việc bảo vệ lợi ích của dân tộc và đất nước.

Cùng lúc, Việt Nam cần đem khả năng Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ ra bàn với các nước ASEAN, vì lợi ích chung và vì Việt Nam hiện nay là chủ tịch tổ chức này, nhằm xem có những biện pháp chung nào hay không. Trước khi có những biện pháp đó, Việt Nam có thể vận động các nước thành viên theo dõi tình hình chặt chẽ và thông báo với các nước lớn cùng có lợi ích trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, các nước EU để nhận được sự ủng hộ kịp thời của họ.

 

Giáo sư Derek Grossman - Đại học Nam California (Hoa Kỳ): Hà Nội chọn gì để đẩy lùi Bắc Kinh?

Sự cứng rắn của Trung Quốc đối với Việt Nam ở Biển Đông đang tăng lên. Sau vòng căng thẳng song phương, Việt Nam đã công khai phản đối từng động thái của Trung Quốc. Nhưng những tuyên bố này vẫn chưa làm thay đổi “hành vi xấu” của Bắc Kinh. Vì vậy, một câu hỏi rất tự nhiên là ngoài sự bất bình, Việt Nam còn có thể làm gì khác để ngăn Trung Quốc trong tương lai?

Như tôi đã nói trước đây, cách tiếp cận của Việt Nam đối với quan hệ quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Nói cách khác, Hà Nội đã liên tục tìm cách giữ mối quan hệ song phương với Bắc Kinh thân mật và hiệu quả, trong khi vẫn kiên quyết không nhượng bộ ở Biển Đông và các khu vực khác.

 

Giáo sư Derek Grossman là một chuyên viên cao cấp về phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, đồng thời là giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam California (Hoa Kỳ). Ông cũng là người đóng góp bài viết thường xuyên cho The Diplomat - tạp chí thời sự quốc tế hàng đầu về châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, ông từng giữ vai trò tóm lược tin tức tình báo hằng ngày cho trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.
Giáo sư Derek Grossman 

Ngoài các quan hệ song phương, quân sự, Hà Nội còn có những lựa chọn khả thi ở cấp độ đa phương để tăng cường đấu tranh. Năm nay, Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Mặc dù COVID-19 về cơ bản đã chiếm toàn bộ chương trình nghị sự của ASEAN năm 2020, nhưng Hà Nội vẫn có thể tìm cách thúc đẩy các thành viên hướng tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử hợp pháp có lợi cho an ninh quốc gia của Việt Nam. Trong khi đó, tại Hội đồng Bảo an, Hà Nội đã công bố văn bản chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam có thể cố gắng làm bật lên vấn đề Biển Đông thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tương lai.

Việt Nam cũng có thể tìm cách tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác an ninh với các cường quốc, cụ thể là Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như ngày càng tăng cường hợp tác với Vương quốc Anh và Pháp nhằm ngăn chặn sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Khó có khả năng Việt Nam sẽ tham gia các cuộc tập trận hoặc tuần tra quốc tế để tỏ rõ quyết tâm chống Bắc Kinh. 

Thay vào đó, họ có thể đóng vai trò đối tác trong đối thoại về các vấn đề Trung Quốc. Ngoài ra, Hà Nội có thể tìm đến các nước ASEAN có cùng chí hướng để được hỗ trợ. Trong những tháng gần đây, Philippines, Malaysia và Indonesia đều tức giận vì hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể ba quốc gia này tiến hành các cuộc tập trận quân sự hoặc tuần tra chung.

Cuối cùng, Sách trắng quốc phòng mới nhất của Việt Nam, được xuất bản vào tháng 11 năm ngoái, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Bất kể hành động của mình là gì, Việt Nam vẫn có nhiều lựa chọn hợp lý để đấu tranh nhiều hơn ở Biển Đông so với Trung Quốc.

 

- Giáo sư Carlyle A.Thayer là một gương mặt quen thuộc đối với giới nghiên cứu cũng như độc giả Việt Nam về các vấn đề chính trị, quốc phòng ở Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Úc, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trường Sĩ quan chỉ huy và tham mưu Úc và Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược (Đại học Quốc phòng Úc). Hiện ông cũng là giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và Giám đốc Công ty tư vấn Thayer.

- Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận bằng tiến sĩ lịch sử Đông Á và ngôn ngữ Viễn Đông tại Đại học Harvard năm 1978. Từ năm 1985, ông là giáo sư tại Đại học Maine giảng dạy các vấn đề lịch sử và chính trị Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và quan hệ giữa các quốc gia trong các khu vực này với nhau cũng như với Hoa Kỳ. Những năm gần đây, ông tập trung đến vấn đề phát triển và vai trò của các chính phủ nói chung. Bên cạnh nhiều đầu sách xuất bản ở nước ngoài, ông là đồng tác giả cuốn Nông nghiệp và nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1997.

- Giáo sư Derek Grossman là một chuyên viên cao cấp về phân tích quốc phòng thuộc Tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation, đồng thời là giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam California (Hoa Kỳ). Ông cũng là người đóng góp bài viết thường xuyên cho The Diplomat - tạp chí thời sự quốc tế hàng đầu về châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, ông từng giữ vai trò tóm lược tin tức tình báo hằng ngày cho trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.

 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI