Trung Quốc lộ rõ âm mưu độc chiếm biển Đông

20/06/2014 - 20:27

PNO - PNO - Ngày 20/6, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức đã diễn ra tại TP Đà Nẵng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tham dự hội thảo có các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường Đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Pháp, Bỉ, Canada, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,…  

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết, Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” là sự tiếp nối thành công của Hội thảo về hai quần đảo được tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4/2013. Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nhằm hướng tới sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho khu vực Biển Đông.

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”.

Tiến sĩ Phạm Đăng Phước nhấn mạnh, hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Sau buổi khai mạc, các đại biểu bước vào phần thảo luận với chủ đề “Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực”.

Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu vấn đề biển Đông đến từ Đại học New South Wales nhấn mạnh: Việt Nam có cơ sở lịch sử vững chắc để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa. Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã ra lệnh thành lập đội Hoàng Sa ra hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ, khảo sát và lấy hàng hóa từ các tàu buôn bị chìm. Các vị vua triều Nguyễn tiếp tục duy trì đội Hoàng Sa. Vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. Vua Minh Mạng tiếp tục ra lệnh cho đội Hoàng Sa khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu thờ và dựng một bia đá khắc dòng chữ thể hiện quần đảo Hoàng Sa là của vương quốc An Nam năm 1835. Trong thời kì thuộc địa, chính phủ Pháp tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa như đưa các tàu quân sự đến thăm Hoàng Sa, tiến hành các khảo sát khoa học, thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa, xây dựng đèn biển, trạm khí tượng thủy văn và đài phát sóng radio ở Hoàng Sa.

Trung Quoc lo ro am muu doc chiem bien Dong
Giáo sư Carl Thayer

Giáo sư Carl Thayer đưa thêm dẫn chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam: tại hội nghị Hòa bình San Fancisco năm 1951, người đứng đầu phái đoàn của quốc gia Việt Nam tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, chúng luôn luôn thuộc về chúng tôi”. Các nước tham dự hội nghị trong đó có Trung Quốc không có sự phản đối với tuyên bố từ phía Việt Nam. “Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam cộng hòa năm 1974. Đây là lúc Trung Quốc lợi dụng sự thay đổi về địa chính trị trên thế giới vào thời điểm đó để ra tay. Đặc biệt là khi Mỹ rút quân khỏi miền nam Việt Nam”, ông Carl Thayer nói.

Tháng 1/1974, Trung Quốc đưa quân đổ bộ lên các đảo, đồng thời điều nhiều tàu chiến, tàu đánh cá vũ trang đến quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chìm một tàu của hải quân Việt Nam cộng hòa, làm một tàu khác hư hỏng nặng và nhiều người thiệt mạng.

Thạc sĩ Lưu Anh Rô, Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng cho rằng, Trung Quốc đã âm thầm trong một thời gian dài, sử dụng vỏ bọc "ngư dân" trong việc hiện diện tại Hoàng Sa. “Trung Quốc sử dụng vỏ bọc đó để tạo ra sự "hiện hữu" trong hoạt động kinh tế trên thực địa. Những “ngư dân” này làm nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, lén đổ bộ lên đảo để cắm cờ hòng khẳng định chủ quyền, rồi khi có cơ hội thì huy động một lực lượng quân sự lớn, giả dạng ngư dân để đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam cộng hòa”, ông Rô trình bày.

Cũng theo ông Rô, những tài liệu từ năm 1954 đến năm 1975 của chính quyền Việt Nam cộng hòa cho thấy, lực lượng bảo vệ Hoàng Sa luôn bắt giữ nhiều vụ lực lượng quân sự Trung Quốc giả dạng ngư dân, lén lút đổ bộ lên đảo để cắm cờ, dựng bia, nắm tin tức tình báo. Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đòi hỏi quyền chiếm trọn biển Đông bằng thủ đoạn "vết dầu loang", "tằm ăn dâu". Đặc biệt, các nước tranh chấp cần hết sức cảnh giác với chiêu "ngư phủ, cờ lạ" nhằm liên tục tạo ra sự "tranh chấp" giả hiệu trong thời điểm căng thẳng gia tăng trên biển Đông.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, hành động Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và chiếm đóng một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Các đại biểu nhấn mạnh, hành động xâm chiếm bằng vũ lực không thể tạo ra chủ quyền.

Trung Quốc âm mưu độc chiếm biển Đông

Tướng Daniel Schaeffer (chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về tranh chấp biển Đông) cho biết, theo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc thì đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lí. Sự tồn tại của đường 9 đoạn ngăn cản nỗ lực giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực. Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động gây áp lực ở biển Đông, nhằm tìm kiếm đường 9 đoạn như một ranh giới hợp pháp về quyền của Trung Quốc ở khu vực này. “Trung Quốc yêu cầu các nước hợp tác kinh tế phải công nhận đường 9 đoạn nhưng chưa một nước nào chấp nhận”, ông Daniel Schaeffer nói.

Trung Quoc lo ro am muu doc chiem bien Dong
Tướng Daniel Schaeffer và Tiến sĩ Renato DeCastro trả lời phỏng vấn báo chí

Theo ông Daniel Schaeffer, để ngăn chặn âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, các quốc gia khác cần lên tiếng mạnh mẽ báo động cho thế giới về đường 9 đoạn phi pháp. “Cần phải thông tin cho mọi quốc gia trên thế giới để tác động lên nhận thức của cộng đồng, đồng thời gây áp lực để nhà cầm quyền Trung Quốc xóa bỏ đường 9 đoạn”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Renato DeCastro, Đại học De La Salle, Philippines, cho biết Trung Quốc luôn đòi hỏi chủ quyền theo đường 9 đoạn nhưng họ chưa bao giờ định nghĩa đường 9 đoạn là thế nào. “Họ chỉ nói họ có bằng chứng lịch sử, nhưng đó là gì thì không ai biết. Đường 9 đoạn của họ cũng không chỉ ra vị trí, tọa độ cụ thể. Điều đó thể hiện sự phi lí, thiếu căn cứ, giá trị pháp lí của đường 9 đoạn”, Tiến sĩ Renato DeCastro nhận định.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam chứng tỏ tham vọng muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, các nước đang tranh chấp cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam có thể sử dụng công cụ pháp lý thông qua Toà Trọng tài theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở biển Đông.

Trung Quoc lo ro am muu doc chiem bien Dong
Giáo sư Jerome Cohen cho rằng VN cần sử dụng cơ chế tài phán quốc tế để
giải quyết tranh chấp ở biển Đông một cách hòa bình

Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, đề xuất Việt Nam có thể tham gia vụ kiện với Philippin hoặc tự khởi kiện Trung Quốc. “Các nước liên quan nên tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc”, ông Cohen nói. Ông Cohen nhấn mạnh, việc Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam tận dụng mọi biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Tuy sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương của Liên hợp quốc.

Ngày mai 21/6, các đại biểu sẽ tham dự lễ khai mạc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” và các cuộc Tọa đàm chuyên đề đánh giá sâu thêm về hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đến thăm và gặp gỡ các nhân chứng của tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5.

ĐÌNH THỨC
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI