Trung Quốc hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu thay thế GPS của Mỹ

29/06/2020 - 06:00

PNO - Trung Quốc vừa phóng thành công tên lửa mang vệ tinh cuối cùng của mạng lưới định vị Bắc Đẩu thay thế cho hệ thống GPS và tăng cường cạnh tranh với Mỹ.

 

Công trình 20 năm

Sự độc lập và vượt trội về công nghệ luôn là mục tiêu của các cường quốc. Vì vậy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống truyền thông tối tân. Trong tháng 6/2020, Trung Quốc đã hoàn thành mảnh ghép cuối, kết thúc dự án kéo dài hàng chục năm nhằm xây dựng hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu trị giá hơn 10 tỷ USD cho riêng mình, tránh phụ thuộc vào các đối thủ nước ngoài.

Trung Quốc phóng tên lửa mang vệ tinh cuối cùng của mạng lưới định vị Bắc Đẩu
Trung Quốc phóng tên lửa mang vệ tinh cuối cùng của mạng lưới định vị Bắc Đẩu

Vệ tinh mới nhất trong hệ thống vệ tinh dẫn đường Trung Quốc mang tên Bắc Đẩu (BDS) là một thiết kế thuộc thế hệ thứ ba, gọi là BeiDou-3, hiện đang ở trên quỹ đạo địa tĩnh sau chuyến bay từ Trung tâm Xichang, tỉnh Tứ Xuyên. Tại thời điểm này, hệ thống của Trung Quốc sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ như GPS của Mỹ, Galileo của châu Âu, Glonass của Nga hay Quasi-Zenith của Nhật Bản. BDS là minh chứng cho việc Bắc Kinh thúc đẩy xây dựng và cung cấp các nền tảng công nghệ thay thế sản phẩm từ phương Tây. Hệ thống này nhằm cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu chính xác cũng như phương tiện để chuyển dữ liệu cho mục đích thương mại, quân sự.

Hệ thống Bắc Đẩu bao gồm 27 vệ tinh trên quỹ đạo tầm trung (MEO) của trái đất, năm vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh và ba vệ tinh trong các quỹ đạo không đồng bộ; vệ tinh đầu tiên được phóng vào năm 2000. BDS hiện được sử dụng cho hơn 70% điện thoại thông minh tại Trung Quốc. Các báo cáo khác còn chỉ ra rằng, tín hiệu từ hệ thống được tích hợp vào hơn 6,5 triệu phương tiện giao thông, cũng như ít nhất 70.000 tàu thuyền trên cả nước. Đồng thời, dự án đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tại các sự kiện lớn, như Hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh G20.

Hỗ trợ quân sự

BDS có giá trị chiến lược to lớn đối với Trung Quốc. Hệ thống này có khả năng điều khiển không gian mạng và chiến thuật cần thiết cho các cơ sở tình báo, quân sự của Trung Quốc. Đối với Quân Giải phóng nhân dân (PLA), BDS hoạt động như một công cụ trung gian được kiểm soát trong nước cho các hệ thống toàn cầu, tích hợp vào bộ phận dẫn đường vũ khí và hệ thống chỉ huy hiện đại của PLA trong những năm gần đây. 

Các dịch vụ định vị của BDS khá chính xác với mức sai lệch dưới 10cm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tốt hơn so với sai số 30cm của GPS. Trung Quốc tìm cách tăng cường các hệ thống giám sát, trinh sát và cảnh báo theo thời gian thực thông qua việc triển khai hệ thống vệ tinh dẫn đường. Điều quan trọng nhất đối với quân đội Trung Quốc là sử dụng đầu đạn thông qua hướng dẫn của Bắc Đẩu để hỗ trợ các nỗ lực chống lại sự can thiệp của Mỹ vào một điểm nóng tiềm năng, sau khi phá hủy khả năng kết nối GPS tại khu vực đó. 

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc

Dự án của Trung Quốc tạo ra những thách thức cho các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và nhiều nước khác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và ngoại giao. Mối quan tâm chính là BDS có thể cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng hệ thống khi công nghệ được sử dụng rộng rãi, bằng cách đặt phần mềm độc hại truyền qua tín hiệu điều hướng hoặc chức năng nhắn tin qua kênh liên lạc vệ tinh. Nhưng, bất kể những lo ngại trên, khách hàng mới chắc chắn sẽ xếp hàng tìm kiếm dịch vụ của Bắc Đẩu.

Ngược lại, những tham vọng này thu hút sự chú ý của Washington - đối thủ trong cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu và cuộc đua không gian với Bắc Kinh. Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA quyết tâm đi trước bằng việc ra mắt tàu thăm dò robot trên sao Hỏa trong năm 2020 và dự kiến gửi phi hành đoàn trở lại mặt trăng vào năm 2024. Vào tháng Tư, NASA chọn Công ty Blue Origin LLC của “ông trùm Amazon” Jeff Bezos và công ty thám hiểm không gian của tỷ phú Elon Musk để phát triển tàu đổ bộ mặt trăng. SpaceX đã đưa hai phi hành gia lên vũ trụ vào tháng Năm, là chuyến du hành đầu tiên trên tàu vũ trụ kiểu mới của Mỹ kể từ khi nước này chấm dứt chương trình tàu con thoi vào năm 2011.

Theo Jonathan McDowell - nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian - năm 2020 là thời điểm mà tham vọng không gian dài hạn của Trung Quốc “đơm hoa kết trái”, bứt phá lên ngang hàng với Mỹ như một cường quốc vũ trụ. 

Nilton Renno - giáo sư Khoa Khoa học Vũ trụ và kỹ thuật tại Đại học Michigan (Mỹ) - cảnh báo: “Mỹ cần thận trọng trong việc đối đầu với Trung Quốc, bởi họ đang trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn”. 

Tấn Vĩ (theo The Diplomat, Bloomberg, Global Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI