
Phóng viên: Vụ bé gái 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại tình dục đang khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ. Phải chăng vụ việc này phản ánh rõ nét sự bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam: Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 121 vào năm 2020 nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo số liệu từ Bộ Công an, việc tiếp nhận, xử lý tố giác, điều tra, khởi tố các vụ xâm hại trẻ em - đặc biệt là xâm hại tình dục - luôn kịp thời và đạt tỉ lệ rất cao.
Tuy vậy, những vụ việc nghiêm trọng gần đây - như vụ bé gái 3 tháng tuổi phải nhập viện cấp cứu do bị người thân xâm hại tình dục gần đây - là hồi chuông cảnh báo rõ ràng, cho thấy chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em. Việc phòng ngừa và can thiệp sớm với các nguy cơ xâm hại cần được đẩy mạnh một cách liên tục.
* Phần lớn thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người thân, người quen của nạn nhân khiến nạn nhân và gia đình càng khó lên tiếng hơn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đó là điều đau lòng nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận: chính những người gần gũi, có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em lại là nhóm có nguy cơ cao nhất gây ra hành vi xâm hại. Đây là một đặc điểm của hành vi tội phạm xâm hại trẻ em. Không chỉ ở Việt Nam mà chung trên thế giới, có tới 50 - 60% số vụ xâm hại trẻ em đến từ người thân, quen.
Trẻ nhỏ thường có niềm tin vào những người gần gũi với mình. Trong khi đó, quan niệm đạo đức xã hội khiến người ta có tâm lý e ngại lên tiếng. Thực tế, chúng ta đã có đầy đủ biện pháp và hệ thống dịch vụ tiếp nhận thông tin, bảo mật tin báo để vừa bảo vệ danh tính và tương lai của trẻ, vừa không làm hại tới mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
Điều quan trọng là cần truyền thông để người dân hiểu rõ, thay đổi quan niệm và biết cách kết nối với các cơ quan, như tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, chính quyền xã, phường hay công an các cấp khi cần thiết.
* Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, theo ông, những khó khăn lớn nhất trong công tác này là gì và cần giải pháp tổng thể gì để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả?
- Điều tiên quyết là phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục trong các gia đình. Phòng, chống xâm hại tình dục cần trở thành kiến thức, kỹ năng cơ bản, phổ cập trong mọi gia đình.
Cần nhận thức rõ rằng, không chỉ trẻ em gái hay trẻ ở tuổi dậy thì mà bất kỳ trẻ nào cũng đều có nguy cơ bị xâm hại. Trẻ càng nhỏ tuổi, càng cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể.
Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu một lực lượng nòng cốt là đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên hoặc bán chuyên nghiệp. Lực lượng này sẽ tới tận khu dân cư, gõ cửa từng nhà, trò chuyện cùng trẻ em và phụ huynh, có vai trò và trách nhiệm phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc hướng dẫn phòng ngừa xâm hại và hỗ trợ khi có vụ việc xảy ra.
Muốn xây dựng được lực lượng này, cần nguồn lực, cần hệ thống pháp luật về nghề công tác xã hội và chính sách bảo vệ họ bởi đây thực sự là nghề rất vất vả và nhiều rủi ro.
Việt Nam có mạng lưới cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội vươn tới tận thôn, bản. Chúng ta có thể đào tạo họ kiến thức, kỹ năng công tác xã hội về bảo vệ trẻ em, từ đó chia sẻ gánh nặng với các gia đình cũng như các cơ quan bảo vệ trẻ em để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em một cách hiệu quả hơn.
* Trong thời đại số, trẻ em phải đối mặt thêm nguy cơ xâm hại trên mạng. Theo ông, cần làm gì để bảo vệ trẻ em trước mối nguy mới này?
- Xâm hại tình dục trên môi trường mạng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Trẻ có thể bị tiếp cận, bị dụ dỗ, thậm chí bị xâm hại ngay trên không gian mạng hoặc bị lôi kéo đến những hành vi ngoài đời thực. Việt Nam đã có hệ thống pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, có các lực lượng chuyên trách như cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh hành lang pháp lý, yếu tố quyết định vẫn là giáo dục, truyền thông. Trẻ em cần được trang bị “vắc xin số” - nghĩa là phải được giáo dục kỹ năng an toàn trên mạng ngay từ nhỏ, từ bậc mầm non đến tiểu học và các cấp cao hơn. Trẻ cần học cách từ chối người lạ trên mạng, tránh xa các nội dung xấu, độc hại để trở thành “công dân số” an toàn.
* Điều này cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn cho nhà trường và giáo viên trong việc giáo dục kỹ năng cho trẻ, thưa ông?
- Đúng vậy. Trước đây, có quan điểm cho rằng nhà trường đang quá tải với chương trình học nên khó có điều kiện dạy kỹ năng sống. Tuy nhiên, theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị và Tổng bí thư Tô Lâm về việc dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng lại chương trình cho năm học mới.
Đây chính là cơ hội quý để tích hợp các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự bảo vệ quan trọng vào chương trình học buổi thứ hai. Ngoài các kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn giao thông, không thể thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục ngoài đời thực lẫn trên mạng.
* Xin cảm ơn ông.
Huyền Anh