Từ tre và đất, những thanh âm dung dị, trong trẻo, tựa hơi thở của đất trời vang lên, đủ cung bậc từ trong veo, réo rắt cho đến trầm lắng, da diết hay hóm hỉnh, vui nhộn. Sáng tạo ra bản giao hưởng từ chất liệu bản địa nguyên sơ khiến ai lắng nghe cũng dễ bị đắm chìm trong đó, nhóm nghệ sĩ Đàn Đó đang trên hành trình đi ngược chiều gió. Thay vì sáng tạo ra âm nhạc từ nhạc cụ có sẵn, họ tự chế tác nhạc cụ và giai điệu ngẫu hứng tự nhiên. Và thay vì phát triển âm nhạc theo hướng từ đơn giản đến phức tạp, Đàn Đó lại tìm về vẻ đẹp của sự giản đơn.
|
Nhóm Đàn Đó tại buổi trò chuyện trong khuôn khổ triển lãm Đó là ở đâu - Đó là ở đây năm 2020 tại VCCA |
Theo đuổi thanh âm hồn nhiên, trong lành
Năm 2009, 4 nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự gặp gỡ, làm việc và lưu diễn cùng nhau ở châu Âu trong 3 năm khi tham gia vở diễn Làng tôi (do Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý và Nguyễn Lân Maurice đồng tác giả, kết hợp cảm hứng từ đời sống làng quê Bắc Bộ - đặc biệt là chất liệu tre - với các đột phá mang tính thẩm mỹ đương đại).
Trong 3 năm liên tiếp cùng làm việc, tiếp xúc với nhiều nền nghệ thuật đa quốc gia, các nghệ sĩ có ý tưởng muốn tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để quay trở về làm gì đó với chất liệu bản địa. “Chúng tôi đều đồng tình rằng Việt Nam có rất nhiều dân tộc, phong phú màu sắc văn hóa, đa dạng tài nguyên để mình khai thác” - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn nhớ lại.
Đi thật xa rồi trở về, nhóm quyết định làm việc với 2 chất liệu mang hồn Việt: tre và đất. Bởi lẽ, mọi miền trên dải đất chữ S đều có cây tre với đặc tính chung là dẻo dai, bền bỉ, bình dị, gần gũi với đời sống con người. Qua mỗi vùng miền, mỗi thời kỳ, cây tre lại mang đến một dấu ấn riêng. Trong khi đó, đất mang đến nhiều cảm xúc từ màu cho đến hơi ấm, từ nơi đặt chân bước đi hằng ngày đến tên gọi “đất mẹ” thân thương.
Theo đuổi những âm thanh thật đẹp, hồn nhiên và trong trẻo, nhóm đã kiên trì tìm kiếm và không dừng lại cho đến khi hài lòng. Với nhạc cụ đầu tiên, các nghệ sĩ đã rong ruổi từ Bắc chí Nam, chọn bụi tre hoang dã, thân già ít nhất 15-20 tuổi, lấy đốt thứ tư từ gốc lên, chờ nửa năm cho khô tự nhiên… Thật ngẫu nhiên, cây đàn chế tác ra lại có hình dáng và chất liệu tương tự chiếc đó, một dụng cụ bắt cá từ dân gian; vừa chỉ âm thanh “đó” - âm thanh như thiên nhiên dội về, âm thanh “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng khi nghe thấy, người nghe lại ồ lên vì “thì ra là đó”. Nhóm cũng lấy luôn tên nhạc cụ đầu tiên - Đàn Đó - để đặt cho mình.
12 năm trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, kiếm tìm những âm thanh đẹp, hồn nhiên và thánh thiện từ tre và đất, nhóm nghệ sĩ đã sáng tạo 14 nhạc cụ với đầy đủ các dải âm.
“Sau bao nhiêu năm làm việc với tre, chúng tôi phần nào đã nắm bắt được đặc tính riêng biệt của từng đoạn tre, phân loại tre theo từng loại nhạc cụ để từ đó chế tác được những nhạc cụ chất lượng, thẩm mỹ. Như chúng tôi lựa chọn những đoạn tre ở phần thân cây tre để làm đàn đó, đoạn tre ở phần gần gốc để có âm thanh cao cho trống tranh…” - nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh chia sẻ.
Mỗi thanh âm từ nhạc cụ củaĐàn Đó đều là sự kết nối sâu sắc giữa con người và thiên nhiên như các phiên bản đàn đó trầm có âm hưởng giống cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đó cao có màu âm sáng giống kim loại mang lại cảm giác thư giãn và tinh khiết; tiếng róc rách, mềm mại từ trống nước; thanh âm trầm sâu và mượt mà từ trống lãng.
Khát khao dùng âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn để kể những câu chuyện trên đường tìm kiếm, gặp gỡ những thanh âm nguyên bản, Đàn Đó đã đi qua rất nhiều dấu mốc. Chương trình Lời của tre gồm các tác phẩm xiếc, kịch, biểu diễn âm nhạc, múa… Sau chương trình này, nhóm đi sâu hơn vào âm nhạc, tạo ra những tác phẩm đầy rung cảm trong Chuyện của Đó, Kể chuyện ngàn năm…
|
Các thành viên của nhóm nghệ sĩ Đàn Đó |
Đặc biệt, Đàn Đó còn chứng tỏ sự sáng tạo không giới hạn, đưa âm nhạc bản địa giao thoa bay bổng với màu sắc đương đại, phương Tây khi kết hợp cùng nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc trong Jazz bản địa (sau đổi tên thành Xuyên không), kết hợp với beatbox, guitar bass, nhóm nghệ sĩ đương đại Limebox và Bryan Charles Wilson - nghệ sĩ cello người Mỹ…
Không gian nghệ thuật khoáng đạt, rộng mở
Phía sau sân khấu, nhóm Đàn Đó là những nghệ sĩ tỉ mỉ, cầu toàn với từng nốt nhạc và từng nhịp điệu trong các buổi tập dượt. Không chỉ đơn thuần là nghệ sĩ, họ còn là những người thợ thủ công, miệt mài chế tác nhạc cụ đến mức ăn ngủ ngay tại Đàn Đó Lab (Hà Nội). Không gian nghệ thuật Đàn Đó cũng là nơi họa sĩ Nguyễn Đức Phương - thành viên thứ năm - ký họa lại hoạt động của nhóm qua tranh và ký họa.
Chế đất dùng làm bột màu, tranh của Đức Phương biểu đạt tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm của Đàn Đó lúc tìm tre, chế tác nhạc cụ, khi biểu diễn, cảnh sinh hoạt hằng ngày, khi nghỉ ngơi, lúc chơi đùa… được thể hiện đan xen giữa động và tĩnh, cơ thể người, cây và đất, quá khứ và hiện tại, truyền thống và đương đại…
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ Nguyễn Đức Phương, không gian nghệ thuật Đàn Đó cũng là nơi các nghệ sĩ trực tiếp chế tác nhạc cụ với rất nhiều đạo cụ độc đáo, nơi người xem có thể cảm nhận và tìm hiểu một cách chân thực nhất về hành trình tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của nhóm. “Khi đã xác định việc cần làm, chúng tôi lao như một con tàu không có phanh, mỗi ngày đều làm việc từ 8g sáng đến 10g đêm. Chúng tôi cũng xác định sẽ làm tất cả các loại hình sân khấu, không chỉ riêng âm nhạc” - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn chia sẻ.
12 năm tham gia SEAsounds - dàn nhạc Đông Nam Á với rất nhiều dự án mang lại tiếng vang - nhưng các nghệ sĩ không giấu những khó khăn về cả kinh tế, tài nguyên và con người. “Là người bình thường thì phải đi làm để kiếm tiền nhưng chúng tôi không tính toán đến danh lợi hay tiền bạc. Đứng trước câu hỏi “Làm cái này bao giờ thì ra tiền?”, chúng tôi không có lời giải thích nào để thỏa mãn được gia đình, người thân” - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn bộc bạch.
|
Những nhạc cụ đặc biệt |
Ngoài khó khăn về kinh tế, sự cạn dần về tài nguyên cũng là thách thức với nhóm. “Những cây đàn của chúng tôi đến từ giống tre phải trồng 20 năm, cho đến khi mình đưa vào ứng dụng, vòng đời là 30 năm. Nhưng bây giờ tre vừa nhú lên đã bị chặt, rất hiếm những bụi tre đi theo suốt một đời người từ ấu thơ đến trưởng thành. Hay với đất, ngày xưa có đủ loại màu đất, lấy đâu cũng có còn bây giờ muốn lấy màu đất ấy, thổ nhưỡng ấy thì phải đi rất xa, mất rất nhiều công…” - nhóm nghệ sĩ cho biết thêm.
Nhóm nghệ sĩ chứng kiến nhiều người đến nhưng vì không hiểu giá trị của công việc, đo đếm bằng những cái hữu hình nên lại ra đi. 12 năm, họ cố gắng bền bỉ, mỗi người làm gấp nhiều lần sức mình, xác định cứ cần mẫn, đợi khi xây dựng được một cộng đồng những người hiểu, làm việc cùng, gánh nặng sẽ vơi đi phần nào.
Vượt lên những khó khăn, nhóm luôn cho rằng “may mắn vì có cái để làm trong cuộc đời”. Dự định tiếp theo của nhóm là chia sẻ, giáo dục, tổ chức tọa đàm, tổ chức những hoạt động nghệ thuật có giá trị trong nước và quốc tế để bên cạnh sự sáng tạo còn là truyền dẫn và nối tiếp.
“Tài nguyên rất bao la còn những thứ mình làm được thì nhỏ bé, cuộc đời mình thì hữu hạn. Vậy nên trong vòng 10 năm tới, chúng tôi muốn chia sẻ cách làm, kiến thức của mình để có những người hiểu được tâm thế, tinh thần chúng tôi đang và sẽ đi. Chúng tôi không muốn nắm giữ điều gì cho riêng mình mà muốn chia sẻ để những thứ tốt đẹp được tồn tại, tiếp nối” - nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn bày tỏ.
Cát Tường - Ảnh do nhân vật cung cấp