Triệt phá đường dây vận chuyển 57 kg cần sa từ Mỹ về Việt Nam

26/08/2018 - 15:02

PNO - Ngày 26/8, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ một lô hàng cần sa, triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu này.

Được biết, lô hàng cần sa 5,24 kg gửi từ California và Philadelphia (Mỹ) về Việt Nam cho các đối tượng T.T.P. (51 tuổi), D.Q.D. (42 tuổi) cùng ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, N.V.T. (49 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) và N.P.H. (19 tuổi, ngụ huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Để qua mắt cơ quan hải quan, các đối tượng đã chia nhỏ số lượng ma túy trên, giấu trong nhiều lô hàng rồi gửi về Việt Nam theo nhiều thời điểm. 

Triet pha duong day van chuyen 57 kg can sa tu My ve Viet Nam
Cần sa trong đường dây ma túy được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ.

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã xác lập chuyên án, xây dựng kế hoạch, theo dõi, thu thập thông tin trước đó, kết hợp chó nghiệp vụ và các phương tiện kỹ thuật cần thiết, phát hiện, bắt giữ. Lượng ma túy này được chia nhỏ thành nhiều phần, đóng gói rất kỹ trong các túi nylon hút chân không, cất giấu tinh vi trong nhiều kiện hàng thực phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã triệt phá 42 lô hàng trong đường dây vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu này với tổng trọng lượng lên đến gần 57kg.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cần sa được người nhập cư trồng nhiều ở Canada vì theo luật của nước sở tại, trồng cần sa là một tội nhẹ. Ngay cả sau khi bị bắt và kết tội, chỉ có 10% người trồng bị đi tù nên dân nhập cư ở Canada tranh nhau trồng “cỏ”, bán qua Mỹ. 

Hiện nay, tại một số bang của Mỹ như Washington, California, Oregon, Colorado, Alaska, việc bán, sử dụng cần sa cho mục đích giải trí là hợp pháp, dù vẫn bị cấm ở mức liên bang. Vì vậy, dân chuyên trồng “cỏ” ở Canada thay đổi chiến thuật, di chuyển sang các bang ở Mỹ, bao gồm Seattle, San Francisco, Houston, ngay cả vùng San Gabriel Valley phía đông của Los Angeles cũng trồng cần sa. Từ đây, cần sa được đóng gói, cất giấu và vận chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI