Triển khai nhanh chính quyền đô thị để không lãng phí cơ hội vàng

13/11/2020 - 06:56

PNO - Trong phiên thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, ngày 12/11, các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, cần có nghị quyết đối với một đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước.

 

Chính quyền đô thị được xem là mô hình thích hợp để TPHCM phát huy lợi thế đầu tàu kinh tế của cả nước, ngày càng bứt phá ẢNH: ĐỖ MINH
Chính quyền đô thị được xem là mô hình thích hợp để TPHCM phát huy lợi thế đầu tàu kinh tế của cả nước, ngày càng bứt phá - Ảnh: Đỗ Minh

Tăng công suất cho đầu tàu kinh tế
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) đánh giá, việc lãnh đạo TPHCM không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ khi đi tìm mảnh ghép thể chế để phù hợp với quy mô, tầm vóc và thể trạng của mình. 

Ông Nhân cho rằng, dưới góc độ lập pháp, nghị quyết khi triển khai sẽ góp phần giảm ùn tắc thể chế, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế này. Dưới góc độ nhân văn, nghị quyết truyền tải thông điệp về lẽ sống, khát vọng, trách nhiệm và nghĩa tình về một mô hình chính quyền mà “mỗi tầng nấc được dỡ bỏ là thêm những bổn phận với nhân dân, trách nhiệm với sự phát triển”.

Khi nghị quyết được thông qua, TPHCM sẽ phải luôn đặt trong trạng thái bình thường mới, bởi hoạt động thực thi chức năng, nhiệm vụ sẽ phải sâu rộng đến cả cấp phường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, cần đưa việc tổ chức chính quyền đô thị vào thực hiện ngay, bởi nếu tiếp tục thận trọng, sẽ dẫn tới lãng phí cơ hội vàng để khai phóng kịp thời các nguồn lực cho quốc gia phát triển.

“Tôi tin Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ không phụ sự kỳ vọng của Quốc hội và người dân ở các vùng miền còn lại về một chặng đường mới, khi TPHCM quyết tâm không chọn việc nhẹ nhàng, để hướng tới khát vọng lớn lao của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Nhân nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (tỉnh An Giang) đề cập tính cấp thiết của việc sớm thông qua dự thảo nghị quyết này. Ông đề nghị, nếu thông qua, nghị quyết nên có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2021. “Nếu không thì sắp tới, chúng ta vẫn phải tổ chức bầu cử HĐND thành phố, sau đó mới giải thể”, ông Bộ nói.

Không hạn chế quyền đại diện của nhân dân

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo nghị quyết là không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Một số ý kiến băn khoăn, mô hình này có thể làm giảm vai trò giám sát của người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - từng là Chủ tịch HĐND TPHCM trong thời gian thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường - khẳng định: “Quyền đại diện của nhân dân không bị hạn chế và vai trò của từng đại biểu HĐND TPHCM được phát huy”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Tâm dẫn chứng, các tổ đại biểu và đại biểu không phải đến kỳ chuẩn bị họp HĐND mới tiếp xúc cử tri mà gặp gỡ công dân hằng tuần để lắng nghe một cách kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi tháng, HĐND TPHCM đều đối thoại trực tiếp với nhân dân thông qua chương trình truyền hình trực tiếp phát trên Đài Truyền hình TPHCM và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.

Theo bà Quyết Tâm, mặt hạn chế trong quá trình thí điểm là hoạt động giám sát chưa được như mong muốn: “Chúng tôi vẫn cố gắng giám sát, nhưng vẫn chưa hài lòng về độ phủ của hoạt động giám sát và kết quả thực hiện kết luận giám sát”.

Bà Tâm cho rằng, sắp tới, nếu tổ chức lại, cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát bằng cách tăng số đại biểu chuyên trách cho HĐND thành phố. Bà đề xuất phương án tăng từ 16 lên 19 đại biểu chuyên trách để mỗi đơn vị hành chính ở TPHCM có ít nhất một đại biểu chuyên trách.

Giải trình dự thảo nghị quyết tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị xem lại vấn đề thực hiện dân chủ nếu không có HĐND cấp quận, phường. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết đã nói rất rõ, mặc dù không có HĐND nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND quận và phường đã được chuyển giao cho HĐND thành phố, đồng thời chịu sự giám sát của Quốc hội, của đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố.  

Trong dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình có nêu hai phương án: giữ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; tăng đại biểu chuyên trách của TPHCM. Qua thảo luận, phần lớn các đại biểu đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách. Do đó, ông Lê Vĩnh Tân cũng nêu mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án này. 

 

Không thí điểm mô hình “thành phố trong thành phố”

Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) ủng hộ dự thảo nghị quyết nhưng vẫn băn khoăn về mô hình “thành phố trong thành phố” khi sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức. “Đây là một mô hình mới.

Trong nghị quyết này, chúng ta đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND của thành phố thuộc thành phố. Vậy sau này, khi TPHCM có TP.Thủ Đức thì có phải thí điểm không hay triển khai thực hiện luôn?”. Đại biểu Hạ đề nghị xem xét, xây dựng đề án mô hình này thật kỹ lưỡng và có một lộ trình phù hợp triển khai phù hợp để thực hiện mô hình chính quyền đô thị đạt hiệu quả cao nhất.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Lê Vĩnh Tân cho hay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án thành lập TP.Thủ Đức thuộc TPHCM. Trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP.Thủ Đức, tức là mô hình này sẽ làm luôn chứ không thí điểm vì trong luật đã có quy định cho phép, không xin ý kiến của Quốc hội.

 

Năm giải pháp đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân

Để tăng quyền đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân ở hai cấp không có HĐND, có năm giải pháp cần được quy định trong nghị quyết.

Thứ nhất, trách nhiệm giải trình của chính quyền thành phố, chính quyền quận và phường theo định kỳ đối với những nơi không có HĐND. 

Đại biểu Quốc hộ Lê Thanh Vân
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Thứ hai, định kỳ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân.

Thứ ba, tăng cường thời lượng, số lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố và tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách (một cụm phường nên có một đại diện chuyên trách và sau này, nếu có điều kiện tổng kết thực tiễn, thậm chí có thể có một văn phòng của đại biểu HĐND thành phố để thường xuyên thu thập ý kiến cử tri phản ánh với chính quyền).

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội TPHCM.

Thứ năm, có hình thức phù hợp để trưng cầu dân ý và xin ý kiến nhân dân khi chính sách tác động đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai.


 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau)

Không đổi tên gọi UBND quận, phường

Có đại biểu đề nghị đặt tên gọi UBND của quận, phường là ủy ban hành chính. Tôi xin đề nghị giữ nguyên tên gọi bởi đây là cơ quan hành chính tại quận và phường.

Chúng ta vẫn giữ bộ máy đó là một cơ quan hành chính nhà nước do dân, vì dân và của dân, đồng thời đảm bảo tính ổn định, không phát sinh vấn đề thủ tục và trong Hiến pháp.

Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định UBND chứ không có ủy ban hành chính.
 

(Ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI