Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đắc lực cho hành chính công

28/12/2022 - 06:24

PNO - Tại hội thảo “Ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công” do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức ngày 27/12, nhiều đại biểu cho rằng, TPHCM cần đi đầu trong ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm giải quyết được vấn đề “nóng” như giao thông, y tế, đặc biệt là thủ tục hành chính.

Ngồi một chỗ, vẫn phát hiện sai phạm

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - AI giúp cán bộ thực hiện nhanh chóng các khâu tiếp nhận, phân loại, nhận dạng pháp lý, đối chiếu văn bản, tìm kiếm thông tin liên quan đến hồ sơ, giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí quản lý hồ sơ giấy.

Từ tháng 10/2022, UBND quận Bình Tân đã ứng dụng AI để chụp ảnh từ trên cao (không ảnh), từ đó phát hiện sai phạm trong quản lý đất đai. Theo đó, cán bộ ngồi ở bàn làm việc có thể đối chiếu giữa các lớp bản đồ quy hoạch, bản đồ công trình xây dựng với không ảnh mới nhất, từ đó dễ dàng xác định những khu vực xuất hiện công trình xây dựng không được xác định trong bản đồ.

Ông Vũ Chí Kiên - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - chia sẻ, Bình Tân là quận có số hồ sơ cấp phép xây dựng lớn nhất TPHCM do đông dân, nhu cầu nhà ở lớn: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi ký từ 50 đến 100 giấy phép xây dựng. Nhưng có những khu vực, chúng tôi không ký cấp giấy, người ta vẫn xây. Lực lượng thanh tra lại mỏng, không thể bao quát địa bàn. Cũng có những người xây nguyên căn nhà trong một đêm rồi tạo bề ngoài như nhà đã được xây dựng từ lâu nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Do đó, ứng dụng AI sẽ rất hữu hiệu”.

Theo ông, AI không chỉ giúp phát hiện sai phạm mà còn làm thay đổi nhận thức của cán bộ phụ trách lĩnh vực. Cụ thể, cán bộ từng có suy nghĩ rằng khó quản lý được địa bàn lớn nên luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Với ứng dụng không ảnh nêu trên, cán bộ chủ động giám sát nên tự tin, giàu trách nhiệm hơn. Tuy mới áp dụng hơn 2 tháng nhưng cơ quan quản lý đô thị của quận đã phát hiện 20 vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng, hiệu quả gấp đôi so với quản lý, giám sát kiểu thủ công trước đây.

Hoạt động trải nghiệm thiết bị AI tại hội thảo - ẢNH: TTBC
Hoạt động trải nghiệm thiết bị AI tại hội thảo - ẢNH: TTBC

Tháng 4/2021, UBND quận 1 áp dụng dịch vụ định danh khách hàng điện tử để giải quyết thủ tục hành chính. Dịch vụ dựa trên AI với giải pháp công nghệ “định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt” và công nghệ chống giả mạo, giúp tiết giảm thời gian cũng như đảm bảo an toàn cho người dân trong dịch COVID-19. 

Với dịch vụ này, khi làm thủ tục hành chính trực tiếp hoặc trực tuyến, người dân không cần ghi thông tin cá nhân mà chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống. Hệ thống sẽ tự động quét dữ liệu, điền vào mẫu bằng thông tin đã được kê khai lần đầu, được lưu vào máy chủ. Đến nay, UBND quận 1 đã tổ chức tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính không cần giấy tờ trên các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, giáo dục và nội vụ.

Cần hoàn thiện về pháp lý

Theo các đại biểu, với những lợi ích do AI mang lại, TPHCM cần sớm ứng dụng rộng rãi AI vào nền hành chính công. Để làm được điều này, cần sớm đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực, tập huấn, bồi dưỡng để lực lượng cán bộ, công chức nhà nước tiếp thu được công nghệ mới, sẵn sàng thích ứng với các phương tiện và cách làm việc mới.

Ông Phạm Hồng Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hành chính công, Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, ngoài môi trường làm việc tốt, việc trả công xứng đáng sẽ thu hút được nhiều nhân tài trong lĩnh vực AI phục vụ cho nền hành chính. UBND TPHCM cần có đột phá về chính sách tiền lương, đãi ngộ và không thể áp dụng chế độ tiền lương của cán bộ, công chức đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng trong lĩnh vực AI khi muốn họ cống hiến cho thành phố.

Phó giáo sư, tiến sĩ Thoại Nam - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán, Trường đại học Bách khoa TPHCM, thành viên Hội đồng tư vấn chương trình nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo TPHCM - cho rằng, việc đào tạo nhân lực lĩnh vực AI đã được triển khai từ lâu, gần đây đã nhận được quan tâm, hỗ trợ của UBND TPHCM. Tuy nhiên, cần đầu tư máy móc, giảng viên chứ không thể dạy chay, học chay. Việt Nam cần có chính sách để ứng dụng các nghiên cứu của các trường, viện vào thực tiễn, đồng thời có sự chuẩn bị về hạ tầng công nghệ để phát triển, ứng dụng AI một cách bền vững.

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, UBND TP Thủ Đức - cho hay, có tình trạng các doanh nghiệp được đặt hàng ứng dụng công nghệ để giải quyết một vấn đề nào đó của địa phương, khi làm xong dự án, bàn giao thì địa phương lại thiếu cơ sở pháp lý để tiếp nhận.
Bà Phạm Nguyễn Thanh Ngân (Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM) nhận định, việc người dân được hưởng lợi nhờ ứng dụng AI trong hành chính công đang ngày càng phổ biến. Nhưng bà lưu ý, sự phát triển của AI phụ thuộc nhiều vào quyền truy cập dữ liệu, do đó chịu những hạn chế đáng kể do chế độ bảo vệ dữ liệu. Trên thực tế, các thuật toán của AI không dễ giải thích, có thể phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Theo bà, cần có quy định về trách nhiệm pháp lý bắt buộc đối với bên kiểm soát dữ liệu cá nhân cũng như những chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, chặt chẽ hơn liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân. 

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, TPHCM có nhiều chính sách phục vụ nghiên cứu, ứng dụng AI, như hỗ trợ 100% kinh phí nghiên cứu AI phục vụ các hoạt động cộng đồng, dịch vụ công xuất phát từ đặt hàng của các sở, ban, ngành. Riêng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đang hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực khoa học, công nghệ, như tài trợ kinh phí hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm trước khi gọi vốn với trị giá tối đa 2 tỉ đồng/dự án và 30% kinh phí dự án đối với các dự án phát triển, đổi mới công nghệ. 

Ứng dụng AI vào 3 nhóm vấn đề

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, trong chiến lược phát triển AI, thế mạnh mà Việt Nam cần phát huy là có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo về công nghệ thông tin, có nhiều vấn đề cần giải quyết như phát triển đô thị, quản lý tài nguyên… Ông cho rằng, không nhất thiết cần đến AI ở những việc cao siêu mà chỉ cần AI để giải quyết những công việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên.
Theo ông, Việt Nam nên tập trung vào những bài toán rất nhỏ, rất cụ thể để làm thực sự hiệu quả. Có 3 nhóm vấn đề cần AI giải quyết: các ứng dụng phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân; các ứng dụng để quản lý hành chính, quản lý đô thị, quản lý tài nguyên; các phương tiện kỹ thuật ứng dụng AI giúp đảm bảo an ninh trật tự như camera giám sát an ninh, camera giao thông.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI