Trẻ nhập viện do dị ứng với nhiệt độ máy lạnh

14/03/2019 - 06:00

PNO - Thời tiết Sài Gòn nắng nóng kéo dài, không ít trẻ nhập viện do dị ứng với nhiệt độ của máy lạnh.

Ngồi chờ tới lượt vào phòng khám Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, chị Trần Thị Minh Ngọc (37 tuổi, ở Quận 11, TP.HCM) kể, những ngày qua thời tiết quá nóng nên chị cho lắp máy lạnh sử dụng vào buổi tối để cả nhà dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, sử dụng được khoảng 4 ngày thì con trai 8 tuổi của chị - bé N.V.M. trở nên lừ đừ, choáng váng, lười ăn.

Nổi ban, gãi càng ngứa do dị ứng nhiệt độ lạnh

Tre nhap vien do di ung voi nhiet do may lanh
Theo chị Ngọc, những mảng dị ứng như nổi mề đay, đầu tiên xuất hiện trên bụng bé M. sau đó lan ra khắp cơ thể.

Lúc đầu, chị đưa con tới các phòng mạch, bệnh viện tư nhưng không tìm ra bệnh. Chị chợt nghĩ chắc con trai giả vờ để tránh các bữa ăn, do từ nhỏ bé đã lười ăn uống. 

Khoảng 1 tuần sau khi tiếp tục ngủ máy lạnh, đến ngày 13/3, da bé M. bắt đầu đỏ ửng theo từng mảng như phát ban, thở hắt ra... Lúc này, gia đình nghĩ M. mắc bệnh sởi nên hốt hoảng đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khám bệnh.

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nổi ban dị ứng, viêm đường hô hấp do nhiệt độ lạnh gây ra. Bé M. được đưa đến sớm nên chỉ cần bôi, uống thuốc. Bên cạnh đó, gia đình cần theo dõi sức khỏe, chỉnh máy lạnh phù hợp với bé, thường ở 28 độ C.

Các bác sĩ cho biết thêm: “Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể bị bệnh về đường hô hấp, nổi ban dị ứng với nhiệt độ lạnh… thậm chí sốc nhiệt nếu như đang đi ngoài nắng, đột ngột bước vào nơi có máy lạnh. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nhiễm khuẩn đường hô hấp, phổ biến nhất là vi khuẩn mycoplasma gây viêm phổi… cũng dễ bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh. 

Tre nhap vien do di ung voi nhiet do may lanh
Thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Theo Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế), với những người dễ bị dị ứng với nhiệt độ lạnh thì không chỉ do máy lạnh mà ngay cả khi thời tiết có nhiệt độ hạ xưống dưới nhiệt độ bình thường cũng có thể bị nổi mề đay hoặc nổi ban do lạnh.

Khi nổi ban dị ứng, trẻ cảm thấy ngứa và càng gãi càng ngứa nên cha mẹ cho trẻ nhập viện sớm, tránh gãi quá nhiều gây trầy xước, chảy máu rồi nhiễm trùng da, mưng mủ. Thậm chí, người bệnh có thể bị bất tỉnh, nhịp tim nhanh, sưng chân tay hoặc thân mình, đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy, phù não, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng”.

Tốt nhất không bật máy lạnh liên tục suốt 3 giờ

Bác sĩ Hồ Sĩ Dũng - khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM – khuyến cáo, máy lạnh không thể thiếu đối với người dân TP.HCM khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, nhiệt độ của máy lạnh liên quan trực tiếp đến nhiệt độ cơ thể nên bật máy lạnh đôi khi cũng ảnh hưởng lên sức khỏe người sử dụng.

Người dân không nên chủ quan khi sử dụng máy lạnh vào những ngày nóng bức. Nếu trong nhà có máy lạnh phải chú ý tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người thích nghi kém. Bị sốc nhiệt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu. Nặng hơn, người sử dụng có thể bị tăng nhịp tim, ảnh hưởng nhịp thở thậm chí dẫn đến các tình trạng nguy kịch. 

Khi đang ở ngoài trời nắng gắt, cần lau khô mồ hôi, ngồi nghỉ một thời gian rồi mới sử dụng máy lạnh với nhiệt độ khởi đầu 26-28 độ C để tránh gây choáng nhiệt. Người dùng cũng nên tắt máy lạnh trước khi ra ngoài 30 phút để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Tre nhap vien do di ung voi nhiet do may lanh
Nơi nổi nhiều nhất là tay của bé M., vết ban ngày càng to, gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé

Không nên sử dụng máy lạnh quá 3 giờ đồng hồ. Nếu bật máy lạnh khi ngủ buổi tối nên hẹn giờ để máy tự tắt. Mỗi gia đình nên chọn góc đặt máy lạnh ở nơi thích hợp, tránh luồng khí của máy thổi thẳng vào mặt dễ gây nghẹt mũi, viêm họng và nặng hơn có thể gây viêm phế quản, viêm phổi.

Người dân nên uống thêm nước khi dùng máy lạnh để giảm bớt khô da nứt nẻ, ngứa ngáy cũng như khô niêm mạc gây khó chịu, viêm mũi họng. 

Ngoài ra, đa số người dùng thường sợ tốn điện nên hầu hết đều đóng kín cửa trong thời gian dài rất dễ bị ô nhiễm, bụi bẩn và “ổ trú ngụ” của vi khuẩn. Vì vậy, sau khi sử dụng máy lạnh, phải mở to cửa để không khí trong phòng thoáng mát, tránh gây bí, tắc.

Nên vệ sinh máy máy lạnh và phòng ốc định kì để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn có thể gây ra bệnh tật cho người sử dụng, đặc biệt là bệnh lý hô hấp.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI