Trẻ em vẫn nhiễm COVID-19 như người lớn, nhưng triệu chứng ít nghiêm trọng hơn

09/03/2020 - 10:29

PNO - Vì các triệu chứng nhẹ hơn ở trẻ nên khó bị phát hiện. Do đó, đóng cửa các trường học là biện pháp quan trọng cần làm để ngăn chặn sự lây truyền COVID-19.

Buddy Creech - bác sĩ nhi khoa về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho biết, đồ thị tử vong theo tuổi tác của hầu hết các mầm bệnh đường hô hấp truyền thống thường tạo thành một đường cong hình chữ U, phản ánh bệnh nặng hơn ở trẻ nhỏ và người già. Nhưng thống kê cho thấy tương đối ít trường hợp nhiễm COVID-19 ở trẻ em. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để hiểu lý do tại sao.

Trong phân tích gần đây của nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Johns Hopkins (Mỹ) và đồng nghiệp ở Trung Quốc với dữ liệu từ hơn 72.000 trường hợp nhiễm, trẻ em dưới 10 tuổi chiếm chưa đến 1%; đồng thời cũng không có một đứa trẻ nào trong số 1.023 ca tử vong được ghi nhận tại Trung Quốc vào thời điểm đó. Dù vậy, đồng tác giả Justin Lessler - nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết: “Những đứa trẻ có khả năng bị nhiễm bệnh tương tự như người lớn”. 

Làm việc với các nhà dịch tễ học tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân ở Thâm Quyến, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Thâm Quyến, nhóm tác giả phát hiện rằng, trẻ em từ chín tuổi trở xuống có khả năng bị nhiễm bệnh như các nhóm tuổi khác, khoảng 7-8%. Nhưng chúng ít có khả năng phát triển các loại triệu chứng nghiêm trọng như ở các nhóm lớn tuổi hơn. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ không bao giờ thể hiện triệu chứng.

Dữ liệu không thể giải thích lý do tại sao trẻ em phát triển một dạng bệnh nhẹ hơn. Nhưng nghiên cứu cũ hơn được tiến hành đối với bệnh SARS (2002-2003) chỉ ra rằng, bệnh nhân ban đầu sẽ bị sốt và ho khi vi-rút nhân lên nhanh chóng trong phổi của họ. Khoảng một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân cải thiện một cách tự nhiên, khi hệ thống miễn dịch khởi động. Nhưng sau đó, giai đoạn thứ hai của bệnh sẽ bắt đầu, tồi tệ hơn nhiều so với lần đầu tiên. 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông phát hiện rằng, giai đoạn thứ hai, vốn thường dẫn đến tử vong, không phải do vi-rút tạo nên, mà do chính hệ thống miễn dịch của cơ thể. Cơ thể một số người, đặc biệt là người già và bệnh, không thể tắt phản ứng viêm, dẫn đến các tế bào miễn dịch và các phân tử gây viêm được gọi là cytokine tràn vào phổi, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nhất của bệnh như viêm phổi, khó thở và tổn thương nội tạng. Một khả năng khác theo bác sĩ Creech là bằng cách nào đó, trẻ em có thể tận dụng phản ứng miễn dịch trước đây đối với các chủng vi-rút corona gây cảm lạnh, sự phơi nhiễm liên tục này dẫn đến sự xuất hiện của các kháng thể phản ứng chéo với vi-rút gây ra COVID-19.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể mất nhiều năm thử nghiệm cẩn thận trước khi các nhà khoa học tìm ra cơ chế đằng sau lý do tại sao COVID-19 dường như ít gây hại cho trẻ em. Nhưng trẻ em vẫn bị nhiễm bệnh tương tự người lớn, chúng có thể đóng vai trò trong việc lây lan, vì các triệu chứng nhẹ hơn ở trẻ khó bị phát hiện. Do đó, đóng cửa các trường học là một biện pháp quan trọng cần làm để ngăn chặn sự lây truyền COVID-19. 

Ngọc Hạ (theo Wired)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI