Trẻ em mắc bệnh đái tháo đường gia tăng

27/03/2023 - 06:53

PNO - Với nhiều phụ huynh, việc con bị đái tháo đường là điều “nằm ngoài tưởng tượng”, bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là “bệnh của người già”. Tuy nhiên theo các bác sĩ, số lượng bệnh nhi đái tháo đường đang tăng lên rõ rệt, mắc cả type 1 và type 2 (thường gặp ở người lớn).

Cha mẹ ngỡ ngàng

Dù mới 15 tuổi nhưng N.T.K. - ở Hà Nội - đã nặng khoảng 90kg. Lo lắng tình trạng béo phì của con, gia đình đã hạn chế trẻ ăn theo nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, K. liên tục kêu đói, lén ăn đồ ăn vặt, uống nước rất nhiều. Trẻ cũng biểu hiện mệt mỏi, ủ rũ rồi dẫn tới li bì nên phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay, kết quả kiểm tra, trẻ có chỉ số mỡ máu cao, cao huyết áp và đặc biệt đường máu lên cao tới trên 20mmol/L, HbA1c cao. Bệnh nhi được chỉ định nhập viện để điều trị đái tháo đường type 2 và cao huyết áp.

Chia sẻ về trường hợp của con trai, gia đình không khỏi ngỡ ngàng bởi ban đầu chỉ nghĩ con bị béo phì. Bác sĩ Bùi Phương Thảo phân tích, ngoài đái tháo đường do căn nguyên đặc biệt, đái tháo đường ở trẻ em chia làm 2 nguyên nhân chính. Trong đó, đái tháo đường type 1 chủ yếu do gen di truyền từ cha mẹ và rối loạn miễn dịch khiến phá hủy tế bào beta tụy và gây thiếu insulin.

Đái tháo đường type 2 chủ yếu gặp ở người lớn nhưng gần đây, các chuyên gia cảnh báo bắt đầu xuất hiện không ít ở trẻ nhỏ, mà nguyên nhân chính là do lối sống khiến gia tăng trẻ thừa cân, béo phì. Trẻ ít vận động, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nước ngọt sẽ có nguy cơ cao. Khi béo phì, cơ thể của trẻ sẽ ít nhạy cảm với insulin và tiến triển thành bệnh.

 

Bác sĩ Bùi Phương Thảo kiểm tra sổ theo dõi chỉ số đường huyết của bệnh nhi đái tháo đường - ẢNH: H.A
Bác sĩ Bùi Phương Thảo kiểm tra sổ theo dõi chỉ số đường huyết của bệnh nhi đái tháo đường - Ảnh: H.A

Đáng lưu ý, theo bác sĩ Bùi Phương Thảo, số lượng bệnh nhi đái tháo đường ngày càng tăng lên rõ rệt. Nếu như cách đây 20 năm, mỗi năm chỉ 10-20 trẻ thì những năm trở lại đây, mỗi năm có trên dưới 80 cháu được chẩn đoán đái tháo đường cả type 1 và type 2. Ngoài ra, có một số trường hợp do các nguyên nhân khác như đái tháo đường đơn gen, đái tháo đường sơ sinh, do các bệnh đặc biệt…

Với nhiều cha mẹ, việc con bị đái tháo đường là điều “nằm ngoài tưởng tượng”, bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là “bệnh của người già”. Do đó, nhiều trường hợp khi đưa vào viện đã trong tình trạng nặng, thậm chí có biến chứng như mắt nhìn mờ, rối loạn ý thức.

Các chuyên gia khuyên rằng, khi trẻ có các triệu chứng điển hình như tiểu nhiều, uống nhiều, gầy sút, gia đình cần đưa con đi thăm khám. “Mọi khi trẻ ăn ít, giờ ăn nhiều hơn nhưng lại liên tục kêu đói, khát nước, kèm theo sụt cân. Với trẻ béo phì, dấu hiệu đáng cảnh báo là vùng da có nếp gấp như cổ, nách, bẹn xuất hiện “gai đen” giống như vết sạm da” - bác sĩ Bùi Phương Thảo thông tin.

Suy thận, mờ mắt vì sai lầm của cha mẹ

Khi trẻ bị đái tháo đường, các chuyên gia cho hay, việc theo dõi đường máu và sử dụng liều tiêm, uống phải hết sức chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế, có không ít gia đình trẻ tùy tiện trong điều trị khiến bệnh trở nên trầm trọng. Một trong những trường hợp hay gặp là bỏ thuốc hoặc uống cách đoạn khi nghe quảng cáo thuốc nam có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hằng năm vẫn tiếp nhận một vài trường hợp biến chứng nặng vì lý do này. Khi quay trở lại bệnh viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng mắt mờ, thậm chí hôn mê, nguy cơ suy thận sớm.

Bác sĩ Bùi Phương Thảo cũng từng tiếp nhận 1 bệnh nhi bị tiểu đường, là con của một nhân viên y tế. Khi yêu cầu đo đường máu định kỳ và khám đều đặn thì gia đình không tuân thủ tốt. Thay vì đi khám định kỳ từ 3-4 tháng, bệnh nhi này chỉ khám sau một vài năm. “Bẵng đi một thời gian, khi quay trở lại bệnh viện, bệnh nhi này đã lớn nhưng gặp biến chứng khiến mắt mờ và tổn thương thận. Bệnh nhân này về sau cũng hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết và mong muốn xây dựng dự án để truyền thông nhiều hơn tới các bạn trẻ mắc căn bệnh này” - vị chuyên gia chia sẻ.

Các bác sĩ lưu ý có một lầm tưởng các gia đình có thể gặp phải khi có con bị tiểu đường. Theo đó, khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường type 1, chỉ số đường huyết và HbA1c của bệnh nhi tăng cao, buộc phải dùng tiêm thuốc insulin. Sau khi điều trị một vài tháng, ở một số trẻ sẽ có tình trạng tế bào beta đảo tụy phục hồi phần nào trong vòng một vài tuần nhưng sau đó lại thiếu insulin vĩnh viễn. Đây còn gọi là giai đoạn “trăng mật” của bệnh nhân đái tháo đường.

Trong quá trình theo dõi chỉ số đường huyết, gia đình tưởng nhầm con khỏi bệnh, hoặc nghĩ rằng đó là tác dụng của một số thuốc không rõ nguồn gốc, nên tự ý cắt thuốc, điều chỉnh liều mà không tới bác sĩ thăm khám. Kết quả, trẻ phải nhập viện trong tình trạng nặng hơn.

Mặc dù tới nay, đái tháo đường là căn bệnh chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn song nếu kiểm soát tốt đường huyết - theo bác sĩ Bùi Phương Thảo - trẻ vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh, lập gia đình, sinh con và làm được các công việc liên quan tới hoạt động thể chất. Trên thế giới, có nhiều vận động viên nổi tiếng cũng mắc tiểu đường như ngôi sao bóng bầu dục Jay Cutler, vận động viên tennis Alexander Zverev… Do đó, các chuyên gia khuyên bệnh nhi và các gia đình không quá bi quan song cũng chủ động phối hợp điều trị, lắng nghe ý kiến của các bác sĩ để tránh mắc phải sai lầm khiến các biến chứng của tiểu đường đến sớm, ảnh hưởng tới tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 

COVID-19 làm tăng nguy cơ đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type 1 có nguyên nhân chủ yếu do gen và rối loạn miễn dịch nên theo các chuyên gia, khó có thể phòng tránh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra, khi bị một số bệnh vi rút, nguy cơ đái tháo đường type 1 tăng lên. Gần đây, COVID-19 xuất hiện, vi rút khi xâm nhập cơ thể, đi vào tế bào beta đảo tụy để làm tổn thương, và có thể làm thay đổi tình trạng miễn dịch cơ thể trẻ. Sau khi bị COVID-19, trẻ dễ bị nguy cơ đái tháo đường hơn. Các bệnh nhân này vừa có cơ chế giống như đái tháo đường type 1, vừa do vi rút tấn công trực tiếp vào tụy nên có nét riêng biệt của bệnh do vi rút gây ra. Do đó, trẻ nên phòng tránh bệnh kể cả tiêm phòng để hạn chế đái tháo đường.
Với đái tháo đường type 2, nguyên nhân chủ yếu do lối sống nên cần giữ cân nặng của trẻ phù hợp với chiều cao, chỉ số BMI ở mức tốt. Trẻ nên duy trì chế độ ăn lành mạnh bằng cách giảm bớt đồ ngọt, chiên rán, đồ ăn nhanh và tăng cường vận động để đốt năng lượng. Hạn chế xem ti vi, dùng điện thoại kéo dài để tăng cường hoạt động thể chất. 

 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI