Trật tự mới ở Đông Bắc Á và sự mặc cả từ Tổng thống Mỹ Trump

12/10/2018 - 06:13

PNO - Cận kề bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ, Tổng thống Donald Trump liên tục xoáy vào mâu thuẫn thương mại, đẩy căng thẳng kinh tế, quốc phòng và chính trị với Trung Quốc lên cao.

Không chỉ là cách “lấy lòng” cử tri Mỹ, đây còn là cách để Tổng thống Trump cho Nhật Bản thấy rằng, quốc gia châu Á này không bao giờ được lơ là vai trò của Mỹ nếu muốn giữ vững vị thế tại Đông Bắc Á. Cuối cùng, thứ mà ông Trump cần chính là chứng tỏ niềm tin “nước Mỹ trên hết” như chính sách dân túy mà ông cam kết theo đuổi bấy lâu.

Trat tu moi o Dong Bac A va su mac ca tu Tong thong My Trump
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Một mặt tung đòn thẳng tay với Trung Quốc nhưng một mặt, chính quyền Trump lại hoãn vòng đàm phán thương mại thứ hai với Nhật Bản liên quan đến các vấn đề thuế quan ô tô. Đây là cách ông Trump muốn “dằn mặt” người Nhật rằng, Nhật Bản đừng “mơ tưởng” đến chuyện xích lại gần Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe cuối tháng này.

Nhật Bản và Trung Quốc luôn ở thế tranh giành cán cân quyền lực trong khu vực. Năm 2010, Trung Quốc trỗi dậy với GDP vượt mặt Nhật Bản, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Á, lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, điều mà 20 năm trước, không ai ngờ tới. 

Hiện tại, Nhật được xem là đồng minh thân thiết của Mỹ, nhưng không thể quên thực tế nước này từng bại trận trong chiến tranh với Mỹ. Điều Mỹ cần là tạo thế cân bằng, không để Nhật Bản hay Trung Quốc một mình “làm mưa làm gió” ở Đông Bắc Á, nơi Mỹ có không ít lợi ích kinh tế. Từ thời còn làm tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton đã thể hiện rõ quan điểm này: vừa khẳng định Nhật Bản là đồng minh quân sự nhưng cũng chấp nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc với sự kiện Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Trong quan hệ đồng minh quốc phòng, Nhật vẫn được đánh giá không thể ngang bằng Trung Quốc nhưng Nhật là lợi thế giúp củng cố hình ảnh Mỹ ở châu Á. Việc của Tổng thống Trump lúc này là làm sao giữ được thế cân bằng với Nhật Bản và vị thế độc lập của nước Mỹ nếu muốn chi phối trật tự Đông Bắc Á. Bản thân Nhật Bản cũng hiểu rõ mình ở thế yếu hơn trong quan hệ đồng minh với Mỹ. Chính ông Abe là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên gửi lời chúc mừng Tổng thống Trump ngay sau khi tỷ phú này thắng cử và cũng chính ông Abe là người đầu tiên gặp ông Trump tại Tháp Trump ở New York rồi sau đó là đến thủ đô Mỹ Washington D.C. và biệt thự riêng của Tổng thống Trump ở Florida.

Trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ luôn nhấn mạnh ủng hộ Nhật Bản 100%. Nhưng Thủ tướng Abe còn có một nỗi lo về “ẩn số Trump” vì những quyết định vô cùng quyết liệt và khó lường. Một trong số đó là quyết định khiến Nhật Bản choáng váng khi ông Trump tuyên bố rời khỏi đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi nhậm chức. 

Còn với Trung Quốc, thế “đối đầu” mà Tổng thống Trump thể hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phần còn lại là nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis dù hoãn chuyến thăm Trung Quốc vẫn không quên nói lời xoa dịu: “Có nhiều vấn đề căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng chúng tôi không nhận định mối quan hệ song phương đang tồi tệ hơn. Chúng tôi sẽ tìm cách điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc”. 

Phát biểu trên truyền thông, Tổng thống Trump luôn biết cách “tung hỏa mù” để mọi người nhầm tưởng Mỹ chẳng cần ai, nhưng phía sau đó là một kế hoạch khác để củng cố vị thế nước Mỹ. Đó là lý do có chuyến thăm đáng ghi nhớ trong lịch sử của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Đông Bắc Á lần này. Trong lúc quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung căng thẳng nhất, ông Mike Pompeo vẫn có mặt ở Trung Quốc. Ông là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên có chuyến công du đến tất cả bốn quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. 

Sứ mệnh của ông Mike Pompeo trong chuyến đi này không hề đơn giản: xác nhận sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và truyền đi thông điệp rằng, Tổng thống Trump có cách “đồng hành” riêng với từng nước. Qua đó, Mỹ muốn “bỏ nhỏ” rằng, Mỹ không bao giờ muốn đứng bên ngoài cuộc chơi, để cho bất cứ bên nào quyết định thay mình. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI