Trào lưu dùng viên tăng đề kháng

16/03/2024 - 14:25

PNO - Trên mạng xã hội hiện tràn lan các quảng cáo về viên uống tăng đề kháng cho trẻ em. Nhiều người mẹ tin rằng chỉ cần cho con uống viên này sẽ phòng được bách bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Trịnh Đoàn Nhã Khanh - thành viên Hội Nhi khoa Việt Nam - cảnh báo rằng không có viên uống nào giúp trẻ tăng đề kháng.

Trẻ uống viên tăng cường đề kháng sẽ phòng được bách bệnh?

Trẻ cần bú mẹ  lâu nhất có thể  để duy trì kháng thể từ mẹ cho bé
Trẻ cần bú mẹ lâu nhất có thể để duy trì kháng thể từ mẹ cho bé

Chị P.T.T. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) khoe rằng chị lướt mạng xã hội thấy quảng cáo sản phẩm vitamin tổng hợp xách tay từ nước ngoài chứa tới mấy chục loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, các chất chống ô xy hóa giúp cơ thể tăng cường đề kháng, hoàn thiện hệ miễn dịch, thậm chí phòng chống được ung thư. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên rất nên uống viên vitamin tổng hợp này nhằm tránh bị bệnh vặt, ăn uống ngon miệng, tăng trưởng tốt.

Theo chị T., mỗi lọ sản phẩm nói trên gồm 200 viên, được bán với giá hơn 300.000 đồng. 2 con chị T. còn nhỏ, lại sinh khá gần nhau (1 bé 3 tuổi, 1 bé 5 tuổi) nên mỗi lần bị bệnh thường lây chéo khiến việc chăm sóc trở nên rất áp lực và vất vả. Khi đọc được thông tin về viên uống tăng đề kháng, chị T. đặt liền 5 lọ về cho các con uống dần. Chị tin rằng sau khi sử dụng, các con mình sẽ tự miễn dịch với tác nhân gây bệnh, lướt qua bệnh tật nhẹ nhàng mà không cần thường xuyên đi khám, uống thuốc nữa. 

Trường hợp khác là chị N.T.D. (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Chị D. cuồng viên uống tăng đề kháng tới mức cho rằng con trai 4 tuổi của mình không cần chích vắc xin ngừa bệnh nữa. Chị theo “trường phái thuận tự nhiên” và giải thích rằng từ xưa tới nay, cơ thể con người sẽ tự tìm ra cách để thích ứng với dịch bệnh.

Vì thế, sử dụng viên uống tăng đề kháng sẽ giúp thúc đẩy khả năng chống chọi bệnh tật nội sinh của cơ thể còn tiêm vắc xin hay lạm dụng thuốc men là can thiệp trái với quy luật tự nhiên, sẽ gây ra những tác dụng phụ, thậm chí phản tác dụng. Chị chuộng cho con dùng viên tăng đề kháng có nguồn gốc thảo dược như tảo xoắn. Theo quảng cáo, loại này thích hợp cả cho trẻ em từ 3 tuổi. Bé nào kén ăn, béo phì dùng viên uống tảo xoắn rất tốt bởi chúng giúp giảm mỡ máu, kích thích cảm giác thèm ăn, phòng tránh ung thư, bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa…

Dạo một vòng các quảng cáo tràn ngập trên mạng internet về viên uống tăng cường đề kháng, xem xét kỹ, ta có thể nhận thấy đây thực chất là thực phẩm chức năng. Đó còn chưa kể phần lớn các viên uống này là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, ẩn chứa nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Chưa kể, trẻ em còn non nớt, hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, rất dễ xảy ra tình trạng nghiêm trọng khi sử dụng phải các sản phẩm thiếu kiểm chứng về độ an toàn.

Bác sĩ Trịnh Đoàn Nhã Khanh khẳng định không có loại viên uống nào giúp trẻ tăng đề kháng. Đề kháng của trẻ chỉ được củng cố dần qua việc chăm sóc hằng ngày như vệ sinh sạch sẽ, dinh dưỡng hợp lý, chủng ngừa đầy đủ…

Cần duy trì môi trường không khói thuốc lá để bảo vệ trẻ
Cần duy trì môi trường không khói thuốc lá để bảo vệ trẻ

7 bước bảo vệ sức khỏe giúp hệ miễn dịch trẻ vững vàng

Đề kháng của trẻ còn gọi là yếu tố giúp trẻ chống lại bệnh tật do hệ miễn dịch tạo ra. Có thể hiểu nôm na rằng hệ miễn dịch của trẻ cần thời gian để được củng cố và hoàn thiện. Từ khi chào đời đến 6 tháng tuổi, trẻ được bảo vệ bởi kháng thể mẹ truyền qua con và kháng thể từ sữa mẹ. Tuy nhiên, sau 6 tháng tuổi, kháng thể từ mẹ qua con giảm dần. Lúc này, bé phải dựa trên đề kháng hay hệ miễn dịch của chính bản thân để chống lại bệnh tật. 

Điều cần lưu ý là trong 3 năm đầu đời, thậm chí cho tới khi trẻ 6 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện - còn gọi là giai đoạn “lỗ hổng miễn dịch”. Ở khoảng thời gian này, trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa hay bệnh da, niêm mạc gây ra những triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, tay chân miệng, viêm da... Vì thế, phụ huynh cần nắm và tuân thủ 7 bước bảo vệ sức khỏe trẻ để đảm bảo cho con một hệ miễn dịch vững vàng, giúp bé giảm tần suất mắc bệnh.

Thứ nhất, cần cho bé bú sữa mẹ lâu nhất có thể. 
Thứ hai, cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đa dạng, phong phú cho trẻ. Thực đơn của trẻ cần đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây, các loại hạt, hải sản…
Thứ ba, cần chọn sữa và liều lượng sữa phù hợp với trẻ. Chẳng hạn trẻ trên 1 tuổi uống không quá 500ml sữa tươi/ngày. 

Thứ tư, cần đảm bảo bộ 3 giải pháp “vàng” miễn dịch cho bé là vitamin A, D và C. Vitamin A nằm trong chương trình quốc gia tại các trạm y tế xã/phường dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Vitamin D bổ sung hằng ngày từ lúc trẻ mới sinh thông qua các loại si rô hay thuốc nhỏ giọt. Liều vitamin D ở trẻ nhỏ được quy định rất cụ thể. Trẻ từ 0-12 tháng tuổi: 400UI/ngày, trẻ trên 12 tháng tuổi: 600 - 800UI/ngày. Tiếp theo là vitamin C, dễ dàng bổ sung qua chế độ ăn của trẻ từ các loại rau xanh hay trái cây giàu C như ổi, cam, chanh…

Thứ năm, cần vệ sinh nhà cửa, môi trường sống và giữ cho cơ thể trẻ sạch sẽ, đảm bảo trẻ được sống trong môi trường trong lành, không khói thuốc lá. 
Thứ sáu, cần chủng ngừa đầy đủ các mũi cơ bản cho trẻ. Đây là bước vô cùng quan trọng. Từ sau khi trẻ tròn 1 tuổi, cần chủng ngừa cúm mùa mỗi năm/1 lần cho trẻ và cả gia đình. Trẻ sinh ra trong gia đình có đề kháng kém, dễ mắc bệnh (cảm cúm, hen phế quản…) nên được bác sĩ tư vấn thêm về chăm sóc và chủng ngừa cho phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý. 

Thứ bảy, trẻ cần tích cực vận động 30 phút/ngày, tốt nhất là tập các bài vận động ngoài trời. Cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với 
thiên nhiên. 

Trẻ có sức đề kháng tốt không có nghĩa là bách bệnh bất xâm mà vẫn có thể mắc bệnh. Sức đề kháng tốt chỉ hỗ trợ trẻ mau hồi phục và ít nguy cơ trở nặng. Do đó, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt cao khó hạ, ho kéo dài, khò khè, khó thở, phụ huynh cần đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Quan niệm sợ dùng thuốc tây vì lo ngại tác dụng phụ nên trì hoãn đưa trẻ đi khám là vô cùng sai lầm. Làm như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh. Trẻ mắc bệnh càng lâu, được xử trí càng muộn thì càng dễ bị biến chứng, thậm chí trở nặng, đe dọa tính mạng. 

Đã có nhiều khuyến cáo về các viên uống được quảng cáo tăng đề kháng và tăng cảm giác thèm ăn dành cho trẻ biếng ăn. Bác sĩ Nhã Khanh tiếp nhận không ít trưởng hợp tới khám dinh dưỡng, ghi nhận trẻ có dấu hiệu bị rậm lông. Khi được hỏi han bệnh sử, phụ huynh cho biết đang cho con uống thuốc tăng đề kháng, trị biếng ăn.

Xem toa thuốc phụ huynh đưa, bác sĩ Nhã Khanh nhận thấy thành phần có corticoid. Đây là chất kháng viêm, có tác dụng phụ gây phù nên cha mẹ dễ tưởng lầm là uống vào giúp trẻ bụ bẫm hơn. Sử dụng corticoid bừa bãi vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra các tổn hại cho sức khỏe của trẻ như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, hạ kali máu (bệnh nhi sẽ bị yếu cơ, có thể loạn nhịp tim), loãng xương. Bên cạnh đó, corticoid còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, từ đó có nguy cơ mắc các bệnh lao phổi, nấm da, zona, thủy đậu... 

 Trâm Anh 

Ảnh minh họa: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI