Trầm cảm: Những cái chết được lập trình

05/12/2020 - 06:30

PNO - Một số trường hợp tự tử thương tâm tại TP.HCM gần đây hay những trường hợp sát hại người thân được cho có liên quan đến trầm cảm.

 

Khi một người trầm cảm có ý định tự sát, thậm chí là suy nghĩ về cái chết, họ phải được hỗ trợ bằng thuốc.

Khi đã thực hiện tự sát nhưng không thành công, họ nằm trong trường hợp có chỉ định phải nhập viện. 

Một số trường hợp tự tử thương tâm tại TP.HCM gần đây hay những trường hợp sát hại người thân được cho có liên quan đến trầm cảm.

Rối loạn tâm lý này âm ỉ hàng ngày, chỉ chờ có biến cố là phựt lên thành ngọn lửa thiêu rụi sự sống người bệnh hay cả một gia đình.

Nhiều rào cản vô hình đã khiến “lời nguyền tự sát” của rối loạn trầm cảm đang dần được hiện thực hóa bằng những cái chết do tự sát, mà nhiều nhất là lao mình từ tầng cao chung cư xuống mặt đất...

Trị liệu sai cách, trầm cảm hóa loạn thần

Chị T.T. (40 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn nhớ rõ không khí đêm đó, lạnh lẽo và âm u, trong một khu rừng vắng lặng ở Đồng Nai. Cơ thể chị gồng cứng, tưởng như những dây thần kinh đang bị kéo căng hết mức.

Chỉ khi những viên thuốc ngủ bắt đầu ngấm, chị mới có thể cho cơ thể mình được nghỉ ngơi. Một chút nữa thôi, chị T. đã nhảy xuống hồ nước sâu trong cơn hoang tưởng... 

8 tháng trước, những ngày dài trầm cảm đã bắt đầu tìm đến sau khi chị bị mất việc do công ty làm ăn thua lỗ. Biến cố này quá lớn với chị vì hàng chục năm qua, chị như chiếc xe luôn chạy bon bon trên đường công danh sự nghiệp.

Từ một người có mức thu nhập cao, nay rơi vào cảnh thất nghiệp, chị vô cùng suy sụp. Những sẻ chia cứ vơi dần vì ai cũng bận bịu việc riêng. Chưa kể, mối quan hệ với đồng nghiệp hay bạn bè của chị cũng mong manh vì chị vốn ít nói.

Thêm vào đó, hôn nhân của chị đang trục trặc. Xin việc mãi không xong, chị càng thêm chán nản. Mẹ ruột vì lo cho chị mà cứ ghé qua hỏi thăm, thúc giục tìm việc càng khiến chị thêm hoảng. 

Một ngày, chị về nhà, nói rằng không hiểu vì sao khi ra đường, dường như ai cũng để ý đến chị. Chị cảm thấy rất bất an, như thể có ai đó đang theo dõi mình. Chị bắt đầu lạc đường nhiều hơn, ngay cả khi đi trên những cung đường quen.

Trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng bế tắc, chị T. tham gia một khóa trị liệu tâm lý. Thay vì được chữa lành, cú sốc tâm lý do trị liệu đã đưa chị T. rơi vào tình trạng loạn thần. Trong chị xuất hiện những hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh.

Việc trị liệu tâm lý bất thành, chị T. được đưa về nhà lúc nửa đêm, trong tình trạng người gồng co cứng, nói năng lảm nhảm... 

Sau đó, chị T. được đưa đến phòng khám tâm thần. Những liều thuốc trầm cảm đã giúp chị ổn định trở lại. Thật ra chị T. vẫn còn may mắn, vì chưa đi đến trạm cuối của trầm cảm: thực hiện thành công việc tự sát. 

Những cái chết được lập trình sẵn

Trong những vụ tự tử tại TP.HCM gần đây, nạn nhân được xác định đã bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Những cái chết như thế không phải là do phút giây suy nghĩ nông nổi của người bị trầm cảm. Chúng được lập trình từ lâu, là cái đích phải đến của người bị rối loạn trầm cảm. 

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ APA, một trong những triệu chứng của rối loạn trầm cảm chủ yếu - Major Depressive Disorder - là sự xuất hiện ý tưởng tự sát thoáng qua hoặc ý định tự sát hay đã thử thực hiện tự sát.

Theo diễn tiến của trầm cảm, người mắc rối loạn tâm lý này sẽ tiến đến việc kết liễu sự sống của mình. Nếu tự sát lần đầu thất bại, người bị trầm cảm sẽ tiếp tục tự sát những lần tiếp theo cho đến khi thành công. Dù người nhà có biết được ý định này, cũng sẽ không thể ngăn cản họ. 

Một vụ tự sát thành công đã xảy ra tại Bệnh viện T. (TP.HCM) năm 2018. Nạn nhân là một cô gái bị trầm cảm. Lần tự sát đầu tiên, cô được đưa đến súc ruột tại bệnh viện này. Cô tiếp tục uống thuốc ngủ để tự sát lần thứ hai.

Lần này, cô cũng được đưa đến bệnh viện và cũng được súc ruột. Nhưng ngay tại bệnh viện, cô đã tự kết thúc đời mình bằng việc nhảy lầu. 

Người bị trầm cảm thật ra không muốn kết thúc cuộc đời mình. Họ thực hiện điều đó như giải pháp cuối cùng để giải quyết những vấn đề bế tắc của cuộc đời họ. Người bị trầm cảm như ở dưới hố sâu chỉ toàn bóng tối, không thể thấy được những lối đi khác, giải pháp khác cho bế tắc của mình. Đôi khi, họ cũng giơ đôi tay cầu cứu. Nhưng đa phần, không ai hiểu họ muốn gì nên đã không thể cứu được họ.

Bác sĩ CK2 tâm thần kinh Trần Minh Khuyên, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP.HCM), cho biết: “Khi một người trầm cảm có ý định tự sát, thậm chí là suy nghĩ về cái chết, họ phải được hỗ trợ bằng thuốc. Khi đã thực hiện tự sát nhưng không thành công, họ nằm trong trường hợp có chỉ định phải nhập viện. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ dùng thuốc chống trầm cảm hoặc có thể dùng biện pháp sốc điện để xua tan ý định tự sát nơi họ”.

Vì sao trầm cảm không được phát hiện?

Trên cánh tay phải của T.L.B. (30 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) là hình xăm tên cô và từ “bình tĩnh” để nhắc bản thân luôn tỉnh táo. Sau biến cố mất người thân, B. trở nên buồn bã, lo lắng.

Mỗi sáng, cô chỉ muốn mình đừng bao giờ tỉnh dậy nữa. Hơn 6 tháng qua, cô không ngừng dằn vặt mình về cái chết của người thân. Bạn bè khuyên nhủ nhưng B. vẫn không thể thoát ra được nỗi buồn đau. 

Nghe giới thiệu của bạn bè, B. tìm đến một phòng mạch tâm lý. Tình trạng vẫn không được cải thiện, B. lại tìm đến một chuyên gia tư vấn tâm lý khác và tình trạng vẫn như cũ. Từ đó, B. quyết định không khám tâm lý nữa vì thấy phí công vô ích…

Cũng như B., trường hợp chị T.T. ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM nói trên đã nhiều lần từ chối đi khám tâm lý. Sau nhiều lần được gia đình thuyết phục, chị T. miễn cưỡng đến phòng khám tâm thể tại một bệnh viện quận. Nhưng chỉ sau vài câu hỏi ban đầu, chị đứng phắt dậy, phản bác gay gắt và đùng đùng bỏ về, nói rằng bản thân không hề có vấn đề gì về tâm lý.

Để rồi vài tháng sau, tình trạng trầm cảm của chị T. ngày càng trở nên xấu hơn và bắt đầu xuất hiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác. Suýt nữa chị đã mất mạng khi quyết định nhảy xuống hồ nước, theo tiếng nói văng vẳng bên tai rằng nếu uống được nước hồ, chị sẽ giải quyết hết nỗi phiền muộn trong cuộc đời này. 

Hai chữ “tâm thần” thường khiến người ta ngần ngại. Có người gắng đến nơi, vẫn ráng giấu kín khổ đau, ậm ừ từ chối khai bệnh. Mới đây, một cô gái có gương mặt u uất đến phòng mạch, chỉ nói trí nhớ giảm sút và khó ngủ. Bác sĩ tâm thần nghiêm giọng: “Tuổi em còn rất trẻ, không thể bị suy giảm trí nhớ. Nếu chỉ mất ngủ thì đơn giản thôi, chỉ cần tôi kê liều thuốc là tối ngủ được. Nhưng quan trọng, lúc thức dậy vào sáng hôm sau, em có cảm giác thoải mái không?”.

Cô gái bật khóc, vén tay áo cho bác sĩ xem những vết dao lam rạch nát cánh tay vì bị rơi vào tình trạng trầm cảm dẫn đến hội chứng hủy hoại bản thân. 

Bác sĩ Trần Minh Khuyên nhận định: “Để phát hiện những dấu hiệu của các rối loạn tinh thần, phải quan sát biểu hiện thân chủ; gợi mở để họ chịu chia sẻ. Bên cạnh đó, người bệnh phải hợp tác và tin tưởng thì bác sĩ mới có thể chẩn đoán đúng”.  

Gian nan tìm “thầy” chữa tâm lý

Số lượng người đủ khả năng chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm lý tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay còn quá ít so với tỷ lệ chung trong dân số tiềm ẩn rối loạn trầm cảm.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM năm 2018, điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong dân số tại TP.HCM cho thấy có 16% dân số có thể có vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong đó, trầm cảm chiếm 6%; rối loạn lo âu 7%...

Điều trị trầm cảm nếu chỉ dùng thuốc vẫn chưa phải tối ưu, phải có sự kết hợp giữa dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Trong khi đó, số lượng các nhà tâm lý trị liệu tại Việt Nam rất ít.

Những dấu hiệu nhận biết sớm hành vi tự sát của người bị trầm cảm

Tin rằng cái chết của mình sẽ làm giảm khổ đau cho bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình, người bị trầm cảm có biểu hiện hay than thở những lời tiêu cực hoặc thổ lộ ý định tự tử. Hoặc người trầm cảm có hành vi sắp xếp hậu sự cho bản thân (viết thư tuyệt mệnh, sắp xếp chuyện gia đình…).

Cần chú ý dấu hiệu khi người trầm cảm đột nhiên trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc như trước đó. Đây là lúc họ đã đi đến quyết định tự sát sau thời gian trầm buồn và suy tư nhiều về cái chết, lựa chọn cách để ra đi. 

 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI