Trải nghiệm mạo hiểm không thể mạo hiểm với sinh mệnh

10/07/2025 - 18:29

PNO - Hi vọng sự mất mát vừa qua sẽ khởi đầu cho một ngành du lịch mạo hiểm được vận hành với quy chuẩn, tôn trọng tuyệt đối với sinh mạng con người.

Chiều 8/7, tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), một tai nạn thương tâm đã xảy ra khi nam du khách Hoàng Quốc Tuấn (36 tuổi, TPHCM) thiệt mạng trong lúc bay dù lượn. Phi công Lê Mạnh Phú bị thương. Sự việc lập tức gây rúng động không chỉ vì tính chất nghiêm trọng mà còn vì một chi tiết đáng suy ngẫm: trước khi bay, du khách đã ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.

Cam kết miễn trừ trách nhiệm là một thủ tục phổ biến trong các hoạt động du lịch mạo hiểm. Du khách ký để thừa nhận rằng mình hiểu rủi ro, tự nguyện tham gia và không khiếu nại nếu có sự cố xảy ra. Nhưng có một điều cần phải nhấn mạnh: ký cam kết không có nghĩa là từ bỏ quyền được bảo vệ bởi một hệ thống an toàn nghiêm ngặt.

Ở nhiều quốc gia có ngành du lịch mạo hiểm phát triển như Indonesia, Thái Lan, hay Úc mà tôi từng tham gia nhảy dù, việc “chấp nhận rủi ro” cũng là một phần của cuộc chơi. Nhưng đi kèm với nó là một hệ thống kiểm định khắt khe về thiết bị, huấn luyện, giám sát an toàn, cứu hộ, bảo hiểm và điều kiện thời tiết. Một bên chấp nhận rủi ro không có nghĩa là bên còn lại được phép buông lỏng trách nhiệm.

Tác giả khi tham gia nhảy dù tại Bali (Ảnh: Lê Hoài Việt)
Tác giả khi tham gia nhảy dù tại Bali (Ảnh: Lê Hoài Việt)

Vấn đề đặt ra là ai cấp chứng chỉ cho phi công? Đơn vị tổ chức có thật sự sử dụng người có bằng cấp hợp pháp? Và có cơ quan nào giám sát điều này thường xuyên hay không?

Trong lĩnh vực bay thể thao, phi công phải có chứng chỉ huấn luyện chính quy, được công nhận bởi các liên đoàn thể thao hàng không hoặc cơ quan quản lý bay chuyên trách. Nhưng chứng chỉ chỉ là khởi đầu, điều quan trọng hơn là người đó có đang liên tục cập nhật kỹ năng, vượt qua kiểm tra định kỳ, và được một đơn vị giám sát độc lập đánh giá không?

Một chiếc dù lượn không đơn thuần chỉ là một cánh buồm vải. Nó là một tổ hợp phức tạp bao gồm dây cước, móc nối, khung dây chịu lực, áo bảo hộ, và hệ thống định hướng. Trong đó, các sợi dây dù vốn bằng sợi tổng hợp đặc biệt sẽ chịu lực căng cực lớn khi cất và hạ cánh.

Vậy sau bao nhiêu lần bay thì dây phải thay? Có quy chuẩn hay không? Thiết bị có được kiểm tra định kỳ sau mỗi chuyến bay không? Hay tất cả chỉ phụ thuộc vào “tự giác” của bên cung cấp dịch vụ?

Đây là cốt lõi của an toàn sinh mạng. Bởi một sợi dây không được kiểm tra đúng chuẩn sẽ là rủi ro trực tiếp tới tính mạng người tham gia.

Tôi nhớ rõ trải nghiệm của mình vào tháng 8/2023, khi tham gia chương trình “Một ngày trở thành phi công”. Đây là một hoạt động bay dù có động cơ do Liên đoàn Dù lượn thể thao TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TPHCM lần đầu tiên.

Tác giả khi tham gia thử thách Một ngày làm phi công tạị TP HCM (Ảnh: Lê Hoài Việt)
Tác giả khi tham gia thử thách "Một ngày làm phi công" tại TP HCM (Ảnh: Lê Hoài Việt)

Lịch hẹn bay của tôi là vào buổi sáng, tôi dậy từ 4g30 để chuẩn bị. Nhưng đến nơi, sau khi đo gió và điều kiện không khí, ban tổ chức quyết định hoãn. Dù tôi đã đợi khá lâu, họ vẫn kiên quyết không cho bay. Đến chiều, khi điều kiện lý tưởng hơn, phía ban tổ chức mới thông báo để tôi quay lại tham gia. Lúc đó, tôi tiếc. Nhưng bây giờ, tôi biết ơn vì đó là một quyết định tôn trọng sinh mạng.

Trong các hoạt động bay, gió không chỉ cần đủ mạnh mà còn phải ổn định, tầng mây không chỉ phải thưa mà còn không được gây loạn thị giác hay thay đổi dòng khí nâng đột ngột. Những thông số này không thể “ước lượng bằng mắt thường”, càng không thể xem nhẹ để chiều lòng khách.

Sau tai nạn tại Sơn Trà, các hoạt động dù lượn đã bị tạm dừng để kiểm tra lại toàn bộ quy trình. Nhưng rõ ràng, việc kiểm tra cần đi xa hơn một đợt rà soát tạm thời. Cần có một bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các hoạt động bay không động cơ, bao gồm:

- Kiểm định thiết bị: dây cước, móc, dù, áo bảo hộ phải có hạn dùng và sổ kiểm tra sau mỗi lần bay

- Chứng chỉ phi công: được giám sát định kỳ, không chỉ cần “có” mà phải được cập nhật

- Dự báo và cảnh báo thời tiết theo khung giờ, bắt buộc tuân thủ

- Hệ thống cứu hộ và phản ứng khẩn cấp tại chỗ

Cơ chế kiểm tra ngẫu nhiên doanh nghiệp khai thác, không để “cam kết tự nguyện” trở thành lý do né tránh giám sát

Ngắm thành phố từ độ cao 300 mét có thể là một trải nghiệm đáng nhớ. Nhưng đằng sau sự choáng ngợp ấy, phải là một hệ thống kỹ thuật, đạo đức và pháp lý không thể rơi tự do.

Tôi từng nhảy dù ở Bali, từng bay dù động cơ ở TPHCM, và tôi hiểu cảm giác “được bay” kỳ diệu đến thế nào. Nhưng tôi cũng hiểu: sự lơ là dù chỉ một mắt xích từ thiết bị đến con người đều có thể kết thúc bằng một bi kịch không thể đảo ngược.

Sự mất mát vừa qua là quá lớn. Hy vọng nó không chỉ là kết thúc của một chuyến bay mà là sự khởi đầu cho một ngành du lịch mạo hiểm được vận hành đúng nghĩa với kỷ luật, chuẩn hóa và tôn trọng tuyệt đối với sinh mạng con người.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI