Trải nghiệm làm mẹ giữa đại dịch

08/05/2022 - 06:00

PNO - Đối với nhiều người, Ngày của Mẹ không chỉ là dịp quây quần cùng gia đình mà còn là cơ hội để tôn vinh sự kiên cường và tình yêu thương của những người mẹ trên khắp thế giới. Với những bà mẹ vừa sinh con trong hai năm qua, giữa một đại dịch chưa từng có, sự kiện năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt.

Mang thai có thể là khoảng thời gian hạnh phúc và thú vị, nhưng cũng có thể khiến ta lo lắng, căng thẳng và những cảm giác không dễ chịu khác. Ngay cả trong trường hợp mang thai “bình thường”, người mẹ cũng sẽ thoải mái hơn khi có bạn đời hoặc người thân yêu bên cạnh hỗ trợ.

Song từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, phần lớn thai phụ trên thế giới phải vượt qua những khó khăn một mình. Bệnh viện hạn chế số lượng y, bác sĩ có mặt trong ca sinh; các buổi khám thai định kỳ không có người đi kèm… đều dễ gây căng thẳng cho thai phụ.

Mang thai trong đại dịch là một trải nghiệm đáng nhớ của hàng triệu bà mẹ trên thế giới suốt hai năm qua
Mang thai trong đại dịch là một trải nghiệm đáng nhớ của hàng triệu bà mẹ trên thế giới suốt hai năm qua

Nói cách khác, trải nghiệm tổng thể về thai kỳ trên khắp thế giới đã thay đổi đáng kể từ tháng 3/2020. Các nghiên cứu mới cho thấy, những người mang thai trong đại dịch đã lo âu và trầm cảm nhiều hơn. Dù vậy, bất chấp sự cô lập và áp lực tinh thần, nhiều bà mẹ vẫn tìm thấy những khoảnh khắc đặc biệt để trân trọng.

Khám thai một mình

Trong đại dịch COVID-19, hầu hết các cuộc hẹn và siêu âm chỉ cho phép một mình thai phụ tham gia. Christina Hagan Dahlman ở Fort Mill, Nam Carolina, chia sẻ: "Vào đầu đại dịch, tôi không được phép gọi video hay gọi điện thoại khi đến gặp bác sĩ. Chồng tôi không được phép có mặt tại bất kỳ cuộc hẹn nào. May mắn, đó là lần mang thai thứ hai của tôi nên tôi cũng không quá lo như lần đầu".

Một cuộc khảo sát tại Scotland về những người đang mang thai hoặc sinh con trong thời kỳ đại dịch cho kết quả: 89% thai phụ dự các cuộc hẹn trước khi sinh một mình và 67% cảm thấy không thoải mái vì điều đó. Cuộc khảo sát càng nhấn mạnh sự khó khăn đối với những thai phụ có tiền sử sẩy thai. Họ lo lắng khi nghĩ đến việc nhận được tin dữ mà không có bạn đời hoặc người thân bên cạnh.

Kate Lagalante, ở thành phố New York, đã sinh đứa con đầu lòng vào tháng 6/2020 và dự kiến sẽ sinh con thứ hai vào tháng 6/2022. Cô kể: “Trong giai đoạn phong tỏa, chồng tôi không thể vào phòng siêu âm nhưng anh ấy có thể ở cùng khi chúng tôi gặp bác sĩ”. May mắn thay, Lagalante đã có một thai kỳ bình thường.

Rachel Adams - bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore và là thành viên Ban Cố vấn Sức khỏe cho tạp chí Forbes - giải thích: “Mang thai thường là một hành trình vui vẻ mà mọi người mong muốn được chia sẻ và đôi khi cần được hỗ trợ. Đối với nhiều bác sĩ và nhân viên y tế khác, việc không cho phép người thân tham gia những buổi khám thai là một quyết định khó khăn vì chúng tôi hiểu rõ rằng việc có người bạn đời hoặc người thân đáng tin cậy khác ở cạnh sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe tâm thần quan trọng cho thai phụ”.

Vượt qua những bất ổn trong thai kỳ

Để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống sau khi sinh, người mẹ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ nửa kia, gia đình và xã hội
Để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống sau khi sinh, người mẹ cần rất nhiều sự hỗ trợ từ nửa kia, gia đình và xã hội

Lần đầu làm mẹ, Amanda Roan, ở Fort Myers, Florida (Mỹ), đã trải qua cảm giác đau lòng khi nhận được tin xấu về thai nhi một mình. Lần đầu siêu âm, cô đi cùng chồng, nhưng đến các buổi kiểm tra sức khỏe hằng tháng, bác sĩ khuyến khích cô đi một mình.

Trong một lần đến khám vào tháng 2/2021, Roan đón nhận thông tin bất ngờ về đứa con cô đang mong đợi từng ngày. Cô chia sẻ: “Họ không thể xác định được vị trí của em bé và nhịp tim. Lúc đó, tôi chỉ có một mình, lo sợ”.

Trong phòng khám, bác sĩ khuyên cô đến gặp bác sĩ chuyên khoa - người có “thiết bị tốt hơn cho những trường hợp mang thai béo phì”.

Rồi Roan được bác sĩ chuyên khoa thông báo rằng cô có một khối mô lớn hình thành trong bụng không rõ nguyên nhân. Dù chồng của Roan được phép vào sảnh đợi cùng cô, anh không thể tham dự buổi chụp MRI và Roan phải đối mặt với cuộc hẹn đáng sợ một mình. Cô tiếp tục nhận được nhiều thông tin cập nhật đáng buồn trong suốt thai kỳ.

Roan vượt cạn vào Ngày của Mẹ năm 2021 khi con chỉ mới 30 tuần 1 ngày. Con gái cô được đưa ngay đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU), sau đó được chuyển đến một bệnh viện tốt hơn tại Miami để điều trị các vấn đề về thận cho trẻ sơ sinh. Đại dịch đã khiến những biến chứng vốn gây lo lắng cho hầu hết các bà mẹ càng thêm phức tạp do tình trạng cô lập, phong tỏa.

Một nghiên cứu thực hiện từ mùa xuân năm 2020, tập trung vào những người mang thai và bà mẹ trong vòng một năm sau sinh cho thấy chỉ 29% số người mang thai trước đại dịch cảm nhận mức độ lo lắng từ trung bình đến cao nhưng con số đã tăng lên đáng kinh ngạc trong thời gian đại dịch: đến 72%.

Tất nhiên, xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi đang mang thai là một trong những nguyên nhân gây lo lắng và cũng tạo ra những nguy cơ về sức khỏe tâm thần đối với thai phụ.

Thích nghi với những điều mới mẻ

Ngoài nỗ lực từ người mẹ, các y bác sĩ cũng đã hỗ trợ tận tình để những đứa trẻ chào đời khỏe mạnh
Ngoài nỗ lực từ người mẹ, các y bác sĩ cũng đã hỗ trợ tận tình để những đứa trẻ chào đời khỏe mạnh

Đi khám thai một mình và đối mặt với những điều không mong muốn chỉ là một phần của những gì có thể xảy ra trong giai đoạn thai kỳ khó khăn cả về mặt tinh thần và cảm xúc. Suốt chín tháng, giữa lúc COVID-19 vẫn tồn tại, thai phụ buộc phải đưa ra một số quyết định để bảo vệ sức khỏe của chính họ và thai nhi. Lợi ích và rủi ro là vấn đề cần cân nhắc thường xuyên khi họ cố gắng giữ an toàn bên cạnh những người thân yêu.

Khi mang thai, phụ nữ thường nghĩ đến viễn cảnh vui vẻ và hạnh phúc (tham gia lớp học làm cha mẹ, mua sắm quần áo cho con…). Nhiều điều vốn làm cho việc mang thai trở nên thú vị bỗng trở nên khó khăn trong đại dịch hoặc đi kèm rủi ro cao.

Dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện khuyến nghị tiêm vắc xin COVID-19 cho những người đang mang thai, Roan nói lúc cô mang thai, có rất ít nghiên cứu xem xét tác dụng của vắc xin đối với thai phụ và thai nhi. Vì đại dịch vẫn còn đó, các bác sĩ đang cố gắng cân bằng giữa an toàn phòng dịch và chăm sóc tốt nhất cho thai phụ. Tuy xu hướng telehealth (bệnh nhân được bác sĩ tư vấn qua điện thoại hoặc video) đang gia tăng, loại hình này cũng có những hạn chế riêng.

Cuối cùng, điều khiến một thai phụ trở nên đơn độc giữa đại dịch cũng có thể trở thành điểm sáng bất ngờ đối với một số cặp cha mẹ mới. Roan nói cô và chồng đã góp nhặt những khoảnh khắc đáng trân trọng khi cuối cùng họ có thể cho con gái ra mắt những người thân yêu khi cô bé tròn bốn tháng tuổi.

Tương tự, Lagalante cũng nhìn thấy một vài khía cạnh tươi sáng trong quá trình mang thai giữa đại dịch. Khi ở bệnh viện, sự cô lập đã cho cô cơ hội để kết nối gia đình mới. Cô thổ lộ: "Cha mẹ và chị gái tôi chỉ có thể đến vẫy tay qua cửa sổ bệnh viện. Thật tuyệt khi vợ chồng tôi có thêm thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc đứa trẻ nhỏ bé này".

Dù toàn bộ kinh nghiệm nuôi dạy con cái đã bị thay đổi vì COVID-19, Lagalante nói điều đó không hẳn là xấu. Cô giải thích: "Mang thai và làm mẹ trong đại dịch đã cho tôi cơ hội hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của con mình, cũng như thực sự đón nhận và tận hưởng trải nghiệm làm mẹ. Nếu đại dịch không xảy ra, tôi có thể vẫn đang làm việc ở New York và bỏ lỡ rất nhiều thời gian với con gái. Bây giờ, tôi luôn ở cạnh khi con bé thức dậy và cả hai có thể thực hiện thói quen ban đêm cùng nhau vào cuối mỗi ngày". 

Ngọc Hạ (theo Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI