Trách nhiệm và đạo lý

28/07/2022 - 06:05

PNO - Trong buổi lễ tuyên dương người có công với cách mạng, diễn ra ở TP.Hà Nội ngày 24/7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến 450 đại biểu có mặt và không quên nhắc đến hàng triệu người đã đổ máu xương trong các cuộc kháng chiến để đất nước được độc lập, hòa bình.

Hiện cả nước có trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 139.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh và hưởng chính sách như thương binh, 185.000 bệnh binh, 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam…

Nhìn lại 75 năm thực hiện chính sách người có công với đất nước, đặc biệt là 17 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, không khó để nhận ra, trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, các chính sách cũng dần được hoàn thiện để việc đền đáp người có công ngày càng tốt hơn. 

Cụ thể, ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) với rất nhiều điểm mới hướng đến việc nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng thụ hưởng các chế độ ưu đãi. Pháp lệnh cũng bổ sung một số chế độ như việc miễn, giảm thuế; miễn, giảm tiền sử dụng đất; ưu tiên giao hoặc thuê đất, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh cùng các chế độ bảo hiểm cho thân nhân người hoạt động cách mạng.

Dù kịp thời, thiết thực, công tác đền ơn đáp nghĩa vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của đối tượng được thụ hưởng chính sách, nhất là ở địa phương có mức chi dùng đắt đỏ như TPHCM. 

TPHCM hiện quản lý, chăm lo cho hơn 277.000 người có công, trong đó có gần 39.000 người đang hưởng các loại trợ cấp hằng tháng. Ngoài thực hiện các chính sách của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cũng nỗ lực để nâng mức chăm lo cho người hưởng chính sách có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Đơn cử, ngày 9/12/2016, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 126 về chế độ hỗ trợ đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Nghị quyết quy định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người cho thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; chi thêm 2 triệu đồng/người/tháng cho tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng. 

Các cấp, các ngành của TPHCM cũng dành hàng trăm tỷ đồng chăm lo, tặng quà cho gia đình chính sách vào các dịp lễ, tết hằng năm. Dịp 27/7 năm nay, lãnh đạo TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng không chỉ ở TPHCM mà còn ở các tỉnh, thành khác. 

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, đạo lý của mỗi người con đất Việt, của thế hệ sau đối với những thế hệ đi trước đã tranh đấu, hy sinh. Trên thực tế, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động ý nghĩa đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, bồi đắp những giá trị nhân ái cho mỗi người Việt Nam. 

Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn trên 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính, 200.000 liệt sĩ vẫn nằm lại ở các chiến trường. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chắc chắn cần rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực tài chính. Nhưng nếu không làm nhanh, công tác này sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp.

Điều này đòi hỏi mỗi địa phương chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thu thập, kết nối thông tin, kết nối địa bàn nhằm trả lại tên cho các liệt sĩ còn thiếu hoặc chưa có thông tin. Có như vậy, chúng ta mới phần nào làm tròn được trách nhiệm và đạo lý đền ơn đáp nghĩa.

Tri ân những người có công với đất nước không phải chỉ làm tốt công tác chăm lo, mà mỗi cá nhân phải có ý thức dự phần vào sự phát triển của đất nước. Như lời nhắn gửi của bà Trường Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước - tại buổi gặp mặt những nữ chiến sĩ cách mạng do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây: “Nếu thế hệ đi trước đã hy sinh tuổi thanh xuân, mạng sống của mình vì khát vọng độc lập, tự do, thì thế hệ trẻ - những người kế tục hiện nay - phải thực hiện những khát vọng lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Đó là đưa đất nước ngày càng giàu sang, phồn thịnh, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI