TPP không phải là chiếc đũa thần

07/10/2015 - 07:51

PNO - Đêm 5/10, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã kết thúc thành công.

Nhiều doanh nhân và những người quan tâm đã thở phào khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã kết thúc thành công đêm 5/10, theo giờ Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử đối với các nước thành viên TPP, đồng thời nó cũng mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với Việt Nam.

TPP khong phai la chiec dua than

Tham gia TPP vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam - Ảnh: Internet.

Nhiều lợi ích

Đầu tiên, Việt Nam có thể đưa các sản phẩm của mình sang thị trường rộng lớn của 12 quốc gia thành viên, chiếm 40% sản lượng toàn cầu với các mức thuế quan rất thấp hoặc thậm chí bị dỡ bỏ.

Bên cạnh đó, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng quan hệ thương mại với các nước và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Hiện nay, Đông Á và Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu, lên đến khoảng 60-75%.

Tỷ trọng trên là quá cao, tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế Đông Á có những biến động bất lợi. Tham gia TPP, Việt Nam có thể gia tăng xuất nhập khẩu với Mỹ, Úc, New Zealand... những thị trường lớn, giúp khắc phục tình trạng bị phụ thuộc và mất cân đối này.

Hơn nữa, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình.

Lợi ích tiếp theo là cơ hội tiếp cận các thị trường vốn lớn. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.

Người dân Việt Nam cũng có cơ hội được sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn và với chi phí rẻ hơn từ các quốc gia trong khối.

Doanh nhân và người dân Việt Nam sẽ có cơ hội dễ dàng hơn trong xuất cảnh tới các quốc gia trong TPP để phục vụ cho mục đích kinh doanh và du lịch.

Cuối cùng nhưng rất quan trọng, với các cam kết sâu và rộng hơn Hiệp định Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, do TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa quy trình xây dựng chính sách và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình này, nên nó sẽ có tác động tốt giúp hoàn thiện thể chế kinh tế cũng như tăng cường cải cách hành chính.

Sức ép cạnh tranh

TPP khong phai la chiec dua than
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, tham gia vào TPP cũng tiềm ẩn một số thách thức, trong đó được nói tới nhiều nhất là sức ép cạnh tranh.

Thách thức này xuất phát từ việc giảm thuế nhập khẩu về 0 %, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP. Thách thức từ cạnh tranh gay gắt có thể dẫn tới một số doanh nghiệp (DN) có năng lực cạnh tranh yếu bị phá sản.

Những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn như ôtô, thịt lợn, thịt bò và đường. Các ngành bị tác động tương đối mạnh bao gồm thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Riêng với xăng dầu, nếu xóa bỏ thuế nhập khẩu, Việt Nam sẽ mất đi một trong các công cụ điều hành giá quan trọng.

TPP với tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ sẽ khiến cho DN và người dân mất chi phí cao hơn cho các bản quyền phần mềm cũng như các sáng chế liên quan đến sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh.

Ngành ngân hàng sẽ chịu sức ép rất lớn khi các tập đoàn tài chính lớn của các nước thành viên được phép cung cấp các dịch vụ trực tiếp. TPP cũng sẽ đặt sản phẩm nông nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt và nông dân vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu chi tiết, cụ thể về TPP. Theo số liệu khảo sát gần đây, hơn 50 % doanh nhân vẫn chưa nắm rõ thông tin về hiệp định này. Việc hiểu rõ luật chơi giúp các DN, ngành mình ở đâu và ở vị thế thuận lợi hay gặp thách thức để có đối sách phù hợp.

Đồng thời, người lao động cũng như DN phải nâng cao sức cạnh tranh về ngoại ngữ, năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, sự hiểu biết về pháp luật quốc tế để sẵn sàng bước vào một sân chơi rộng lớn.

TPP mở ra những cơ hội cùng thách thức chứ không phải là chiếc đũa thần!.

Nguyễn Tuấn Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI