TPHCM vẫn thiếu 4.443 giáo viên ở các cấp học

15/01/2023 - 16:12

PNO - Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, hiện TPHCM còn thiếu 4.443 giáo viên ở các cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là THCS với 2.074 giáo viên.

Cụ thể, bậc THCS thiếu 2.074 giáo viên; tiểu học thiếu 1.003 giáo viên; THPT thiếu 819 giáo viên; mầm non thiếu 537 giáo viên.

Với giáo viên ngoại ngữ, tin học, hiện TPHCM có 409 giáo viên tin học và 1.934 giáo viên ngoại ngữ trong biên chế. So với yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thì thành phố còn thiếu 432 giáo viên tin học, số giáo viên ngoại ngữ đủ.

Tổng số giáo viên toàn thành phố là 86.795 giáo viên. Cụ thể, mầm non là 28.237 giáo viên, trong đó công lập là 10.910 giáo viên, còn lại là ngoài công lập; Tiểu học có 25.028 giáo viên, công lập chiếm 22.386 giáo viên; THCS có 18.918 giáo viên, công lập chiếm 17.481 giáo viên; THPT có tổng số là 14.612 giáo viên trong đó công lập là 9.298 giáo viên. Cơ cấu giáo viên công lập và ngoài công lập có sự chênh lệch rất lớn, giữa cấp mầm non và phổ thông.

TPHCM còn thiếu trên 4.000 giáo viên các cấp học
TPHCM còn thiếu trên 4.000 giáo viên các cấp học

Tỷ lệ giáo viên trên lớp, tính cả giáo viên hợp đồng trong các trường công lập thì hiện tại mầm non đạt 2,05; tiểu học là 1,40; THCS là 1,72; THPT là 2,10. So với tỷ lệ chung cả nước thì tỷ lệ giáo viên tại TPHCM tương đối lớn, thể hiện rõ sự quan tâm của ngành giáo dục TPHCM  trong việc sắp xếp biên chế đội ngũ. Đối với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo tại TPHCM, hiện nay mầm non là 69,9%, tiểu học là 81,2%, THCS 90,2%, THPT là 100%.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đánh giá, trong công tác rà soát, bố trí, sắp xếp giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TPHCM đã thực hiện nghiêm túc, đi đầu; Sở đã chỉ đạo, phối hợp với các trường đại học tổ chức bồi dưỡng giáo viên ở các môn tin học, công nghệ, khoa học tự nhiên, lịch sử- địa lý, góp phần thực hiện đội ngũ giáo viên theo chương trình mới.

Dù vậy, tỷ lệ giáo viên thành phố còn thiếu nhiều nhất ở cấp THCS, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở bậc mầm non còn thấp. Số lượng giáo viên hạng I, hạng II cấp THPT tại TPHCM còn rất thấp so với mặt bằng chung cả nước, đây là vấn đề thành phố cần quan tâm.

Cũng theo tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, TPHCM thực hiện rất thành công, ấn tượng việc xã hội hóa cấp học mầm non. Trong tổng số 1.360 trường mầm non toàn thành phố có tới 888 trường ngoài công lập, chiếm 65%. Trong tổng số 28.237 giáo viên có tới 17.327 giáo viên ngoài công lập. Từ đó, ông đề nghị thành phố cần tăng cường xã hội hóa và tăng cường các trường ngoài công lập ở cấp phổ thông, đặt chỉ tiêu đến năm 2030 phấn đấu bao nhiêu trường phổ thông thực hiện xã hội hóa; đến năm 2045 thì bao nhiêu trường tiếp tục thực hiện.

"TPHCM là thành phố lớn, Sở GD-ĐT cần tham mưu UBND TP có những chính sách đặc thù, thậm chí thí điểm chính sách đặc thù. Phải mạnh dạn đề xuất các chính sách đặc thù, thí điểm để phát triển giáo dục thành phố. Từ thí điểm đó có thể nhân rộng cho các tỉnh, thành phố khác trong cả nước"- Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Phạm Tuấn Anh đề nghị.

Cục Nhà giáo hiện nay đang tham mưu lãnh đạo Bộ điều chỉnh xây dựng phụ cấp cho đội ngũ toàn ngành
Cục Nhà giáo đang tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT điều chỉnh phụ cấp cho đội ngũ toàn ngành

 

Đang tham mưu điều chỉnh phụ cấp nhà giáo  

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Phạm Tuấn Anh nhận định, vấn đề lương bổng, phụ cấp đội ngũ cũng quyết định sự thiếu hụt đội ngũ trong ngành. Năm học 2021-2022, cả nước thiếu 16.000 giáo viên, trong đó 40% là giáo viên mầm non. Đây là con số đáng lưu tâm, một trong nguyên nhân chủ yếu đó là thu nhập.

"Cục Nhà giáo hiện nay đang tham mưu lãnh đạo Bộ GD-ĐT điều chỉnh xây dựng phụ cấp cho đội ngũ toàn ngành, từ mầm non đến đại học. Tuy nhiên, lại còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Bộ GD-ĐT đang tính toán nâng định mức từ mức nào lên mức nào, khi đó sẽ báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để có văn bản chính thức..." - tiến sĩ Phạm Tuấn Anh thông tin.

Ngoài ra, ông cho biết thêm Cục Nhà giáo cũng đang tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành thông tư sửa đổi định mức biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Thông tư 06 và 16. Tuy nhiên, còn vướng nhiều ý kiến vì Nghị quyết 18, 19 thì yêu cầu tinh giản biên chế. Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 đặt ra rất nhiều công việc mới, nếu tinh giản biên chế thì không thực hiện được chương trình. Do vậy, rất nhiều bài toán đặt ra đang được Bộ GD-ĐT tìm hướng giải.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI