Cần hạ tầng đồng bộ với phương tiện
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (phường Bình Thạnh) hoàn toàn ủng hộ việc giảm bớt xe máy chạy bằng xăng: “Mỗi khi dừng xe ở đèn đỏ, tôi đều có cảm giác ngộp thở bởi quá nhiều xe xả khói xăng”. Theo chị, nên ưu tiên hạn chế xe chạy bằng xăng ở những khu vực có lưu lượng xe cộ lớn nhưng cần thực hiện từng bước, tránh gây xáo trộn đời sống.
Anh Lê Trung Kiên - tài xế xe ôm công nghệ ở quận Gò Vấp - kể, nhà anh có 3 xe xăng để đi làm, đều chạy tốt. Anh ủng hộ chủ trương phát triển giao thông xanh nhưng mong có lộ trình cụ thể đi kèm các chính sách hỗ trợ như đổi xe xăng cũ lấy xe điện có trợ giá, cho vay tiền mua xe điện với lãi suất thấp, hỗ trợ tiền mua pin. Anh cũng băn khoăn về độ bền của xe điện, độ an toàn của xe điện khi gặp mưa, ngập nước, về số trạm sạc pin, tiệm sửa chữa…
 |
Nhiều ô tô, xe máy điện lưu thông trên đường Hai Bà Trưng, đoạn qua phường Tân Định, TPHCM - Ảnh: Thanh Tâm |
Theo dự thảo đề án do HIDS soạn, đến cuối năm 2029, toàn bộ 400.000 xe máy xăng đang được các tài xế xe ôm công nghệ sử dụng sẽ được thay thế bằng xe điện; riêng từ đây đến hết năm 2026, số xe ôm 2 bánh cần “điện hóa” là 120.000 chiếc.
Anh Nguyễn Điền (phường Phú Thạnh) nêu thực trạng: các chung cư cũ không có bãi đỗ xe điện hay ổ cắm, rất bất tiện cho người chạy xe điện. Do đó, ngành giao thông TPHCM cần nhanh chóng thiết lập trạm sạc công cộng ở khu dân cư, cơ quan, trung tâm thương mại… Theo anh, trong giai đoạn đầu, nên miễn hoặc giảm chi phí sạc pin để người dân yên tâm chuyển sang dùng xe điện.
Anh Lê Phạm Thái Duy (phường Bình Đông) cho rằng, việc xanh hóa giao thông cần được làm đồng bộ: “Nhiều xe máy, xe tải cũ xả khói mịt đường vẫn không bị xử lý. Nếu cứ để vậy thì vàng thau lẫn lộn, không khuyến khích được những người có ý thức”. Anh đề xuất tăng cường kiểm tra khí thải, loại bỏ xe máy xăng xuống cấp, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình với sức khỏe cộng đồng.
Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ
Theo HIDS, giao thông xanh giúp giảm ô nhiễm khí thải, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm chi phí vận hành, mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp xe điện, pin, nhiên liệu sạch và tạo tín chỉ các bon để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc phát triển giao thông xanh vẫn gặp nhiều rào cản cả về thể chế, kỹ thuật lẫn tài chính.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ lâu nay tập trung vào xe buýt điện, chưa dành cho các phương tiện cá nhân; chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dịch vụ cho thuê xe điện. Về mặt kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phương tiện giao thông điện mới chỉ áp dụng cho linh kiện xe như động cơ, pin và ắc quy; hạ tầng sạc còn phân tán, thiếu đồng bộ, chưa tích hợp rõ ràng vào các công trình đô thị như bãi đỗ xe, cây xăng, trung tâm thương mại. Trong khi đó, tình trạng đường ngập nước khiến người dân lo ngại về độ an toàn khi sử dụng xe điện. Hệ thống bảo trì, sửa chữa xe điện cũng còn sơ khai. Giá xe điện, giá pin xe điện vẫn cao hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TPHCM (thuộc HIDS) - cho biết, đề án chuyển đổi toàn bộ xe xăng của tài xế xe ôm công nghệ và giao hàng (2 bánh) sang xe điện đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ như miễn lệ phí trước bạ 2 năm đầu, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tài xế, đẩy nhanh việc đầu tư trạm sạc. Đề án chia ra 4 giai đoạn, riêng trong giai đoạn đầu, sẽ có các chính sách giảm giá sâu để khuyến khích người dân mua xe điện, tiếp đó là hạn chế và cấm xe xăng 2 bánh làm dịch vụ vận tải trong nội đô.
Đề án đề xuất dùng tiền từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho 10.000 tài xế có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi sang xe điện, mỗi tài xế có thể được hỗ trợ 8 triệu đồng.
Theo ông Lê Thanh Hải, việc sử dụng xe điện giúp tiết kiệm trung bình 1 triệu đồng/tháng so với xăng. Đây là nguồn tài chính đáng kể giúp tài xế có thể trả góp phần tiền mua xe còn lại trong 24-30 tháng. Đề án cũng đề xuất xây dựng gói tín dụng riêng, cho phép tài xế chỉ cần trả trước 20 - 25% giá trị xe, phần còn lại trả góp từ khoản tiết kiệm nói trên. Hạ tầng trạm sạc và đổi pin sẽ được phát triển theo hướng tiêu chuẩn hóa, đạt 250 điểm vào cuối năm 2026 và khoảng 2.400 điểm vào cuối năm 2028.
Cùng với đề án của HIDS, Sở Xây dựng TPHCM cũng lấy ý kiến về đề án kiểm soát khí thải giao thông, bao gồm đánh giá khí thải phương tiện, xây dựng tiêu chuẩn mới và đề xuất tiêu chí hạn chế xe ở các khu vực ô nhiễm. Sở cũng đề xuất phương án tích hợp chính sách đất đai với quy hoạch bến bãi, trạm sạc và hạ tầng giao thông xanh; điều chỉnh hoạt động nhập khẩu, phân phối xăng dầu để phù hợp với tiêu chuẩn khí thải mới.
Chính quyền TPHCM đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống kiểm soát khí thải vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó trọng tâm là khoanh vùng kiểm soát, ưu tiên xe điện, hạn chế xe chạy bằng xăng, dầu ở trung tâm thành phố, Cần Giờ và Côn Đảo. Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến, sở sẽ đánh giá và tham mưu chính sách phù hợp cho UBND TPHCM: “Đề án đã có từ trước nhưng thiếu số liệu. Lần này, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình dựa trên dữ liệu được cập nhật”.
TPHCM có hơn 9,6 triệu phương tiện giao thông. Việc chuyển đổi 400.000 xe máy chạy xăng sang chạy điện sẽ làm giảm hơn 300 tấn khí CO₂ và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm, góp phần xây dựng đô thị xanh, an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Xử lý 400.000 xe xăng cần chuyển đổi ra sao? Với khoảng 400.000 xe máy chạy bằng xăng cần chuyển sang xe điện, ngành chức năng sẽ phân loại để xử lý. Những xe quá cũ, khó đáp ứng tiêu chuẩn khí thải sẽ được khuyến khích đem đi làm phế liệu hoặc tham gia chương trình đổi xe cũ lấy xe mới. Các xe còn sử dụng được sẽ được điều chuyển về những nơi có tiêu chuẩn khí thải thấp hơn, nhưng đây không phải là phương án tối ưu. Về lâu dài, thị trường xe máy xăng sẽ bị thu hẹp, giá xe cũ giảm mạnh, buộc các hãng sản xuất phải thay đổi chiến lược, ngừng đầu tư vào xe xăng để chuyển sang phát triển phương tiện xanh. Người tiêu dùng sẽ chọn giải pháp tiết kiệm và thân thiện môi trường. Đây là xu hướng tất yếu. Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế TPHCM |
Dành 60ha đất công để xây dựng trạm sạc xe điện Lộ trình thực hiện đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện được HIDS chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết tháng 12/2026): chuyển đổi 30%, tương đương 120.000 xe; giai đoạn 2 (đến hết tháng 12/2027): chuyển đổi 50%, tương đương 200.000 xe; giai đoạn 3 (đến hết tháng 12/2028): chuyển đổi 80%, tương đương khoảng 320.000 xe; giai đoạn 4 (kết thúc vào tháng 12/2029): chuyển đổi 100%, tương đương 400.000 xe. Quá trình này có thể tạo ra hơn 5.000 việc làm trong các lĩnh vực bảo trì, sửa chữa, vận hành trạm sạc. HIDS đề xuất chính quyền TPHCM bố trí ít nhất 60ha đất công khó khai thác để làm trạm sạc, tích hợp dữ liệu trạm sạc công cộng vào quy hoạch 1/2.000, nội địa hóa thiết bị từ 40% trở lên. Các phương tiện phải đạt vận tốc tối thiểu 40km/h và quãng đường ít nhất 80km/lần sạc. HIDS kiến nghị miễn VAT, lệ phí trước bạ với xe máy điện đến hết năm 2027, triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi với lãi suất trần 6%/năm, giảm hệ số rủi ro tín dụng và hỗ trợ lãi suất vay tối thiểu 2% cho tài xế. HIDS cũng kiến nghị chính quyền TPHCM xác lập quyền sở hữu tín chỉ các bon, xây dựng hệ thống MRV (đo lường, báo cáo, xác minh) để theo dõi lượng CO₂ giảm thải, công bố dữ liệu định kỳ 6 tháng/lần trên EV-Dashboard. |
Tài xế lo lắng chi phí sạc đắt đỏ Anh Trần Văn Cường (phường An Lạc) cho hay, mấy tháng trước anh bị công ty cho nghỉ việc nên chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Tháng trước, anh mua trả góp chiếc xe máy giá 46,5 triệu đồng, trong đó phải vay 36,8 triệu đồng với lãi suất 3,75%/tháng. Nếu theo lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khi chưa trả góp xong chiếc xe xăng, anh đã phải vay tiền mua xe điện mới. Theo anh, một chiếc xe điện đủ tốt để chạy dich vụ (chở khách, giao hàng) có giá trên 30 triệu đồng. Được hỗ trợ 2% lãi suất khi mua xe điện là điều đáng mừng, nhưng lãi suất từ công ty tài chính ở mức 40 - 45%/năm nên mức cần đóng vẫn quá cao. Anh nói: “Tôi mong lãi suất hỗ trợ vay mua xe dưới 10%/năm”. Anh Võ Chí Công - tài xế xe ôm công nghệ, ở phường Bình Phú - nhẩm tính, mỗi ngày, tài xế xe ôm công nghệ di chuyển từ 100 - 200km. Nếu chạy bằng xe điện, phải sạc ít nhất 1 lần khi đang chạy trên đường và thêm 1 lần nữa khi về đến nhà. Anh băn khoăn về điểm sạc pin bởi hầu hết các trạm sạc pin xe điện đều nằm ở tầng hầm của các trung tâm thương mại và chung cư. Một số quán cà phê có dịch vụ sạc nhưng tài xế phải tốn tiền sạc, tiền uống nước trong lúc đợi sạc. Chi phí sạc pin ở nhà trọ cũng đắt đỏ do giá điện ở nhà trọ từ 3.000-5.000 đồng/kWh. |
Ý kiến: Chính sách hỗ trợ cần bình đẳng với mọi tài xế Từ năm 2023 đến nay, Grab phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Thành đoàn TPHCM thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho tài xế chuyển đổi sang xe điện, nhận được sự quan tâm lớn từ các tài xế xe Grab. Nhưng phần lớn tài xế xe 2 bánh có mức sống thấp, làm việc bán thời gian, coi việc lái xe ôm công nghệ là nguồn thu nhập thứ hai nên việc chuyển đổi sang xe điện có thể trở thành gánh nặng tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của họ và gia đình. Nếu bắt buộc chuyển đổi phương tiện, họ có thể sẽ từ bỏ công việc này, gây tác động xấu đến chất lượng dịch vụ, giá cước. Qua nghiên cứu sơ bộ, Grab nhận thấy, chưa có thị trường nào trên thế giới bắt buộc chuyển đổi sang xe điện cho hoạt động vận tải. Dựa trên kinh nghiệm làm việc với tài xế và hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, Grab nhận thấy một số rào cản cần giải quyết nếu muốn chuyển đổi xe 2 bánh từ chạy xăng sang chạy điện: giá xe điện còn quá cao, rẻ nhất cũng trên 20 triệu đồng/chiếc; chưa có nhiều loại xe điện để lựa chọn; độ bền của xe, điều kiện hoạt động, tuổi thọ pin, chi phí sửa chữa vẫn là ẩn số của xe điện; số trạm sạc điện còn khiêm tốn (TPHCM hiện có khoảng 600 trạm sạc công cộng). CIC (hệ số tín nhiệm) của tài xế là một rào cản lớn. Đa phần tài xế có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản thế chấp hoặc chứng minh công việc, thu nhập ổn định để được ngân hàng chấp nhận cho vay. Trong số hơn 400.000 phương tiện cần chuyển đổi, nhiều chủ phương tiện đến từ các tỉnh, thành khác. Do đó, chính sách hỗ trợ cần bình đẳng với mọi tài xế. Bà Đặng Thùy Trang - Giám đốc đối ngoại hãng Grab Việt Nam Cần nâng cấp hệ thống điện tại các khu chung cư Xe điện đa dạng về công nghệ pin, trong đó các công nghệ pin cũ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao hơn so với công nghệ pin mới. Những dòng xe sử dụng pin đời cũ kém an toàn hơn. Phần lớn xe điện được nhập khẩu từ Trung Quốc - đặc biệt là các dòng xe giá rẻ - thường trang bị loại pin dễ cháy, nổ. Ngược lại, xe máy điện hoặc ô tô điện cao cấp thường sử dụng pin chất lượng cao với khả năng chống cháy, nổ vượt trội. Tình trạng cháy, nổ xe điện xảy ra ở nhiều nước, nhưng nguyên nhân chủ yếu đều liên quan đến pin. Ví dụ, Trung Quốc từng cấm một số loại pin sạc kém chất lượng lên máy bay do có nguy cơ cháy, nổ cao. Nghĩa là, chất lượng pin đóng vai trò then chốt trong vấn đề an toàn của xe điện. Việc tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thay pin định kỳ và sử dụng đúng cách là yếu tố quan trọng để giảm rủi ro. Bên cạnh chất lượng pin, dòng điện cũng là yếu tố cần lưu ý. Pin xe điện thường yêu cầu dòng điện cao nên nếu người dùng cắm sạc vào ổ điện công suất thấp hoặc hệ thống điện không đủ tải, rất dễ xảy ra tình trạng quá tải, chập cháy. Gần đây, ban quản lý một số chung cư cũ cấm cư dân mang pin hoặc xe điện vào chung cư. Do đó, Chính phủ cần có lộ trình nâng cấp hệ thống điện ở các khu chung cư cũ, nhất là khi muốn loại bỏ xe máy chạy bằng xăng. Chính phủ cũng nên có dịch vụ thu mua lại xe điện cũ để hỗ trợ về tài chính cho các tài xế xe ôm công nghệ và giao hàng.
Kỹ sư Lê Yên Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Go Labs, nhà sáng lập ứng dụng giao thông thông minh BusMap Có mức giá riêng với nguồn điện dành cho giao thông Việc hạn chế hoặc cấm xe xăng trong nội đô, khuyến khích chuyển đổi xe xăng sang xe điện là chủ trương đúng đắn nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là về khả năng đáp ứng của hạ tầng, nguồn cung điện và các vấn đề phát sinh trong thực tế. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu có thể được điều tiết thông qua cơ chế giá thị trường. Nếu số lượng xe điện tăng đột biến, áp lực lên hệ thống điện sẽ gia tăng, dẫn đến nguy cơ tăng giá điện sinh hoạt. Do đó, cần phân định rõ giữa nguồn điện phục vụ dân sinh và nguồn điện dành cho giao thông để đảm bảo ổn định giá cả. Điện đang trở thành nhiên liệu thiết yếu cho giao thông, giống như xăng dầu trước đây. Vì vậy, việc quản lý giá và nguồn cung cần được minh bạch để tránh tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện đòi hỏi có hạ tầng sạc và các biện pháp an toàn. Đa số chung cư được xây cách đây 5-10 năm trở lên không được thiết kế để chịu tải điện lớn phục vụ cho việc sạc pin xe (xe đạp, xe máy, ô tô điện). Điều này đặt ra câu hỏi: người dân sẽ sạc xe ở đâu khi tham gia chính sách bảo vệ môi trường. Nhiều chủ đầu tư có thể đưa ra văn bản miễn trừ trách nhiệm nếu xảy ra cháy, nổ do sạc pin không đúng tiêu chuẩn. Trong khi đó, ban quản lý chung cư - vốn không nắm rõ thiết kế điện - cũng khó đảm bảo an toàn, dẫn đến việc cấm hoặc hạn chế sạc xe tại chung cư. Xe điện - đặc biệt là pin - tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, chưa có quy định bảo hiểm rõ ràng về đền bù thiệt hại do cháy, nổ liên quan đến xe điện trong chung cư. Cơ quan chức năng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vật liệu hoặc phương pháp dập tắt đám cháy pin khiến công tác phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc tính toán chi phí sạc điện cũng gây tranh cãi trong quản lý, vận hành. Khác với trạm sạc chuyên nghiệp, việc sạc xe tại chung cư thường là đấu nối tạm thời, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Nếu xảy ra quá tải dẫn đến cháy nổ, trách nhiệm thuộc về ai? Mặt khác, cách tính giá điện cho xe điện cũng chưa được quy chuẩn hóa, gây khó khăn cho cả người dùng và đơn vị quản lý. Định hướng phát triển xe điện là phù hợp nhưng việc triển khai đang vấp phải thách thức lớn từ hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các chung cư hiện hữu. Cần sớm có quy hoạch đồng bộ để giải quyết mối lo ngại của ban quản lý, chủ đầu tư và người dân. Ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý nhà Toàn Cầu |
Thanh Tâm - Thanh Hoa